Hội chợ và chuyện kết nối nông sản thời công nghệ 4.0

Nguyên Nga

Bên cạnh việc tham gia hội chợ, các doanh nghiệp Lai Cai cũng làm web để đẩy mạnh thương mại điện tử. Ông Vương Tiến Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Lào Cai, tại gian hàng của tỉnh

Hội chợ nông nghiệp chưa bao giờ hết vai trò của nó trong việc giới thiệu sản phẩm và đích đến cuối cùng là tìm đầu ra cho sản phẩm qua kết nối kinh doanh. Nhưng Thương mại điện tử có giúp gì cho thị trường nông nghiệp?

Không gian hội chợ

250 đơn vị đến từ hơn 30 địa phương trên cả nước cùng với 18 gian hàng đến từ các quốc gia Nga, Trung Quốc, Hàn quốc, Đài Loan… tham dự  Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 19 (Agroviet 19) diễn vừa qua tại Hà Nội, cho thấy sức hấp dẫn trong kết nối hợp tác nông nghiệp lớn mạnh ra sao.

Chị Nguyễn Thị Minh Hà, công ty TNHH MTV Thiên Lâm – Tuyên Quang chuyên nhập và sản xuất mặt hàng đặc sản Tuyên Quang gần hai chục năm nhận xét, xúc tiến thương mại tại hội chợ rất hiệu quả, có thể tìm đối tác bán hàng trên toàn quốc.

Mở rộng hơn trong khuôn khổ hội chợ, nhưng vẫn theo cách kết nối “tay nắm tay”, chị cũng từng theo chân các sở ban ngành đưa hàng Việt sang Trung Quốc. Hội chợ và các chuyến đi xúc tiến thương mại là con đường mà các doanh nghiệp nông nghiệp như chị đang đi để mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng.

Cũng đến hội chợ để biết người biết ta, anh Nguyễn Vũ Nguyên chủ cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh hành tỏi Lý Sơn, thuộc dạng khách quen của các hội trợ nông nghiệp trên toàn quốc cho biết, hội chợ luôn là hình thức quảng bá thương hiệu, trưng bày sản phẩm hiệu quả

Anh Nguyên tham gia ban chấp Hiệp hội Sản xuất & Kinh doanh hành tỏi Lý Sơn, sản phẩm của doanh nghiệp được lựa chọn làm hàng hóa quảng bá của tỉnh.

Cho tới nay sản phẩm của anh cũng đã được phân phối vào hệ thống bán lẻ của Vingroup. “Họ về tận nơi xem sản phẩm, nơi sản xuất, nghiên cứu củ tỏi… mọi lĩnh vực ở Lý Sơn sau một năm sau mới ký hợp đồng phân phối”, anh Nguyên tự hào.

Hành Lý Sơn nổi tiếng lại là cái khó cho người kinh doanh bởi giá thành cao. Hành ở thị trường Hà Nội thường được bán giá 55.000 đồng, nhưng ở Lý Sơn khi thu mua, anh Nguyên cho biết, cũng đã bằng ra bán ra. Tính cả công vận chuyển, nhân viên, đóng gói… với mức giá bán lẻ 75.000 đồng thì không bao giờ doanh nghiệp có thể có lãi.

Nhưng khi tham gia hội chợ, doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí, điều này giúp doanh nghiệp khá nhiều. Ưu ái này xem ra lại cũng có mặt trái của nó.

Doanh nghiệp tham gia hội chợ như đứa “con cưng” của địa phương. Các doanh nghiệp tham dự hội chợ luôn là những doanh nghiệp đi đầu, có uy tín lâu năm trên thị trường, tên tuổi của họ được nhắc nhiều lần trong mỗi lần hội chợ tổ chức.

Sự nuông chiều trong hỗ trợ quá nhiều trong công cuộc phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam khiến các doanh nghiệp dù rất muốn phát triển bắt kịp cuộc cách mạng 4.0 nhưng lại lười.

Cái lười này luôn bắt nguồn từ một lý do quá nhiều việc để làm, quá nhiều Hội chợ của Nhà nước để tham dự nên chưa có thời gian hay chưa cần phải lớn.

Cũng chính doanh nghiệp hành tỏi kia nhận định rằng doanh nghiệp mình nhiều năm nằm trong top những đơn vị hàng đầu được đưa đi làm thương hiệu, nguồn tỏi cung cấp cho cả nước cũng không đủ nên chưa cần phát triển lớn lắm.

Đến việc quảng bá sản phẩm cũng được các anh các chị “công thương” lo hết rồi.

Không gian mạng

Gian hàng giới thiệu tỏi, hành Lý Sơn tại Agroviet 19

Doanh nghiệp với lý do bận, lý do không đủ cung cấp để chưa chạm đến công nghệ 4.0. Nhưng may là các nhà quản lý lại không nghĩ thế.

Ông Vương Tiến Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Lào Cai cho biết, chủ đề ứng dụng công nghệ trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao luôn hấp dẫn, nhất là với nhóm sản phẩm mang tính bền vững, thân thiện môi trường.

“Phát triển công nghệ cao đang tác động tích cực tới nông nghiệp. Trong các quy trình sản xuất, chế biến cũng áp dụng công nghệ tiên tiến, các sản phẩm đưa ra thị trường cũng phải thực hiện thông qua giao dịch điện tử, sàn giao dịch điện tử. Điều này giúp cho sản phẩm nông sản được mở rộng cơ hội đi ra thị trường”, ông Sỹ nói.

Ba năm trở lại đây Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai rất chú trọng ứng dụng triển công nghệ cao, đặc biệt là thúc đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất và thương mại nông sản.

Nhưng “có tính phát triển bền vững rồi, các doanh nghiệp phải gắn với thương mại điện tử”, ông Sỹ nói.

Hiện nay các doanh nghiệp Lai Cai cũng làm web để gắn với trang nông sản Lào Cai hay các trang thương mại điện tử khác. Riêng Lào Cai mới lên sàn 1 tháng đã có hơn 100 sản phẩm, hiện nay có 227 sản phẩm có mã nhận diện đưa lên sàn giao dịch điện tử

“Chúng tôi tích hợp hệ thông hỗ trợ xúc tiến thương mại, tích hợp thông tin sản phẩm, các sản phẩm nông sản được mã hóa theo các tiêu chuẩn. Khi sản phẩm giới thiệu trên sàn, mọi người có thể nhận diện sản phẩm đó là gì. Đây là hướng Lào Cai thúc đẩy thị trường nông sản tỉnh”, ông Sỹ nói tiếp.

Từ năm 2020, Lào Cai sẽ tập trung vẫn vào sản phẩm đặc sản của tỉnh, và nhấn mạnh hơn vào các sản phẩm hữu cơ organic, đồng thời tập trung phát triển thị trường mới như Nhật, Châu Âu, Bắc Trung Quốc, Úc hay Mỹ…

Một lãnh đạo khác là ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long chia sẻ, để hỗ trợ người nông nâng cao hiệu quả sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh luôn tập trung hỗ trợ dự án phát triển thương hiệu, nhãn hiệu, xác nhận một số tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó còn giúp doanh nghiệp kết nối đối tác, hàng hóa nông sản mới tiêu thụ tốt hơn, giúp người dân an tâm về sản xuất.

Để làm được những điều đó, Sở xác định vai trò và quan trọng của sàn thương mại điện tử. Từ chủ chương đó, Vĩnh Long là địa phương thành lập sàn thương mại điện tử khá sớm.

Sàn phát huy tác dụng với việc nhiều hàng nông sản của tỉnh được đưa lên, kết nối được nhiều đối tác dễ dàng hơn, ông Liêm nhận xét.

Trong tương lai Vĩnh Long sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện chức năng sàn thương mại điện tử, tiếp tục mời các hội doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các hợp tác xã đưa thông tin lên sàn.

Đây sẽ là cầu nối hiệu quả giữa các địa phương, doanh nghiệp, từ đó mở ra cơ hội tiếp xúc, nhận biết thương hiệu và gửi thông tin ký kết hợp đồng. Tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp bền vững.

Dựa trên tác động đã được chứng minh của thương mại điện tử trong thị trường ngành bán lẻ, thương mại điện tử được cho là có tiềm năng tăng lợi nhuận trong thị trường nông nghiệp bằng cách tăng doanh thu và giảm chi phí giao dịch và tìm kiếm khách hàng.Đáng mừng là các nhà quản lý đã thấy xu thế này.