Hộ kinh doanh cần chuyển biến trong xã hội văn minh

Lê Thanh Dung

Việc đưa hộ doanh nghiệp vào sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp là để chuyển biến thành một xã hội minh bạch, bình đẳng trước pháp luật.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chia sẻ tại phiên thảo luận ở tổ về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Theo ông Dũng, Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang hướng đến sự hiện đại, một xã hội văn minh, không quay lại những gì đã có. Khái niệm doanh nghiệp siêu nhỏ, siêu to, siêu lớn, siêu bé hoàn toàn đã khác trước.

Có một số người đang băn khoăn khi hộ kinh doanh chuyển lên thành doanh nghiệp thì buộc phải có kế toán, “thủ trưởng, thủ phó” hay không?

Ông Dũng đưa dẫn chứng, trong cửa hàng Amazon (Mỹ) vừa triển khai thí điểm cách đây không lâu hoàn toàn không có kế toán, chỉ cần thấy điện thoại kêu “reng” là biết khách đã vào cửa hàng.

Cầm một món đồ lên “ngắm nghía” và quyết định mua thì điện thoại đổ chuông “reng”, lúc này trong tài khoản khách hàng đã bị trừ 50 xu. Nhìn một hồi, “ngó đi ngó lại”, không thích trả lại, điện thoại báo “reng” và tự động cộng vào tài khoản của khách 50 xu.

Có điểm đặc biệt, trong cửa hàng đó không có bóng dáng của lãnh đạo hay nhân viên. “Vậy, kế toán trưởng ở đâu? Doanh nghiệp này thuộc loại siêu lớn hay siêu bé? Có bao nhiêu người? Đây là điểm khác biệt của một xã hội hiện đại nhìn từ góc độ một doanh nghiệp”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cho rằng, hiện nay chúng ta vẫn quy định một doanh nghiệp taxi thì phải có tối thiểu số lượng đầu xe. Nhưng xã hội hiện đại không còn quan niệm đó, chủ hãng taxi Grab không có một chiếc taxi nào nhưng Grab lại đang có mặt tại 300 thành phố lớn nhất trên thế giới với khoảng 50 triệu xe.

“Với số lượng xe lớn như vậy sẽ cần tới bao nhiêu kế toán cho đủ? Grab không cần một nhân viên kế toán nào mà đã có phần mềm điều khiển và quản lý vấn đề này. Đây là xu thế trên toàn thế giới”, ông Dũng nói.

“Lo ngại” các ĐBQH khác đánh giá mình đang đưa ra những khái niệm “trên mây, trên gió”, ông Dũng khẳng định chúng ta cần phải hướng đến sự hiện đại.

Do đó, quan niệm doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp bé, siêu lớn, siêu nhỏ, cần phải có bao nhiêu người trong doanh nghiệp thì mới được nhìn nhận là doanh nghiệp lớn…không còn là điều đáng quan tâm, quan trọng bây giờ là tầm ảnh hưởng như thế nào.

“Việc đưa hộ doanh nghiệp vào sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp cũng là để chuyển biến thành một xã hội minh bạch và bình đẳng trước pháp luật. Khởi đầu đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp có thể khiến nhiều người khó chịu”.

“Nhưng mục đích này là hướng đến một xã hội văn minh, công bằng. Những ai không thích minh bạch thì bức xúc, nhưng khi đã quen với minh bạch thì sẽ tự nhận thấy bản thân tử tế hơn. Chính vì vậy, cách truyền tải tư tưởng và tinh thần này làm sao cho hiệu quả mới là điều đáng bàn”, ông Dũng thẳng thắn.

Đồng quan điểm, ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đánh giá, về mặt luật pháp trong hoạt động kinh doanh cũng đã đến lúc phải có trách nhiệm với xã hội, nhà nước, không thể thích thì làm, không thích thì bỏ.

Những người làm doanh nghiệp phải chịu rất nhiều các quy định của nhà nước, từ thuế, môi trường, tiêu chí kinh doanh…Còn hộ kinh doanh lại không bị chịu áp lực này, họ có thể gây ô nhiễm môi trường nhưng ít bị xử phạt, thậm chí doanh số có khi còn nhiều hơn doanh nghiệp tư nhân, đơn cử như làng nghề.

“Do đó, rất cần minh bạch, bình đẳng và tuân thủ luật pháp. Chúng ta đi ra nước ngoài mua một thanh kẹo cũng phải có hóa đơn, để nhà nước quản lý doanh số cửa hàng này bán được bao nhiêu, thuế thu về như thế nào, chất lượng hàng hóa cũng như hậu quả đối với xã hội, con người ra sao”, ông Xuyền nhấn mạnh.

Chính vì điều này, theo ông Xuyền trước tiên đưa vào luật những nguyên tắc cơ bản, các quy định chi tiết sau này có thể cụ thể hóa bằng nghị định.