Heineken Việt Nam chia sẻ về kinh tế tuần hoàn

Lê Lư

Ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ Cấp cao, Heineken Viêt Nam, trình bày tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019

Vừa qua, tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019, Heineken Việt Nam đã chia sẻ câu chuyện thành công trong áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, nhằm kiến tạo những giá trị bền vững cho Con người, Hành tinh, và Sự Thịnh vượng.   

Hội nghị năm nay với chủ đề “ Vì một thập niên phát triển bền vững hơn” được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Trong nền kinh tế tuyến tính truyền thống, các nhà sản xuất khai thác tài nguyên thiên nhiên ở dạng nguyên liệu thô để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ, sau đó phế thải từ sản xuất và tiêu dùng được chôn lấp hoặc thậm chí thải ra đại dương.

Nền kinh tế tuần hoàn là một giải pháp thay thế bền vững cho mô hình truyền thống nói trên. Trong nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất chú trọng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các phương thức sáng tạo nhằm tối đa hóa vòng đời của tất cả những tài nguyên đã sử dụng.

Thực tiễn áp dụng tại Heineken Việt Nam cho thấy, mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp giảm phát thải mà còn kiến tạo ra giá trị từ rác thải. Tiến tới không rác thải cần chôn lấp, gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế.

Hiện nay, gần như 100% chai bia thủy tinh của Heineken Việt Nam được thu hồi lại để tái sử dụng trước khi được tái chế tại nhà máy thủy tinh vào cuối vòng đời sản phẩm. Các nguyên vật liệu khác như bìa các-tông, nhôm, nhựa và giấy đều được tái sử dụng hoặc tái chế; xử lý 100% nước thải đạt tiêu chuẩn an toàn loại A trước khi trả về môi trường một cách an toàn.

4 trên 6 nhà máy bia của Heineken Việt Nam sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải các-bon. Giảm 2.500 tấn phát thải Co2 chỉ riêng trong khâu kho vận trong năm 2018.

Sáng kiến tái chế nắp chai bia Tiger của Heineken Việt Nam là một ví dụ điển hình cho thấy mô hình kinh tế tuần hoàn có thể giúp kiến tạo giá trị tích cực cho xã hội, bảo vệ môi trường, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh.

Thông qua việc thu gom nắp chai bia và tái chế thành vât liệu sắt để xây cầu hỗ trợ cộng đồng, dự án đã thực hiện thành công ba mục tiêu: thúc đẩy tái chế và giảm rác thải; cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cộng đồng; đồng thời nâng cao hình ảnh của nhãn hiệu bia Tiger với tinh thần đánh thức bản lĩnh, hành động sáng tạo để hỗ trợ cộng đồng.

Khởi động từ năm 2018, đến nay dự án đã xây được 2 cây cầu làm từ nguyên liệu nắp chai bia tái chế tại tỉnh Tiền Giang và An Giang. Cây cầu thứ ba tại TP.Hồ Chí Minh sẽ được hoàn thành vào đầu năm 2020.

Ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) – cho biết, khu vực kinh tế tư nhân có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển bền vững của Việt Nam nói chung và việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Chính phủ nói riêng.

Đóng góp của các doanh nghiệp FDI, mà tiêu biểu là Heineken Việt Nam, trong việc tiên phong áp dụng các sáng kiến, công nghệ, mô hình phát triển tiên tiến, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp cùng theo đuổi con đường tăng trưởng xanh.

“Tôi hy vọng các sáng kiến và bài học thành công được Heineken Việt Nam cũng như các doanh nghiệp khác chia sẻ sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển một cách bền vững trong tương lai, đóng góp tích cực vào việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Chính phủ”, ông Vinh nói

“Tôi hy vọng những sáng kiến đã được chứng minh tính khả thi và hiệu quả mà Heineken Việt Nam chia sẻ hôm nay sẽ là bài học kinh nghiệm thành công về tư duy tuần hoàn cho các doanh nghiệp cũng như các đơn vị quản lý tại Việt Nam.”

“Chúng tôi đánh giá cao tinh thần chủ động và những nỗ lực của Heineken Việt Nam, nhằm lan tỏa mô hình kinh tế tuần hoàn và truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp cùng theo đuổi con đường phát triển bền vững”.

Không chỉ giới hạn trong khuôn khổ chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, HEINEKEN Việt Nam còn tiên phong lan tỏa khái niệm và thực tiễn áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc tổ chức các hội thảo về kinh tế tuần hoàn cho 20 doanh nghiệp thành viên VBCSD và tổ chức huấn luyện về phát triển bền vững cho trên 100 nhà cung cấp.

Với những nỗ lực và thành tựu nói trên, HEINEKEN Việt Nam đã được VCCI vinh danh là Doanh nghiệp Bền vững nhất Việt Nam (lĩnh vực sản xuất) trong hai năm liên tiếp (2017 và 2018).

Tham dự hội nghị, có các đồng chí: Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư; Vũ Đức Đam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh; cùng hơn 700 đại biểu đại diện cho các cơ quan của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, các doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN, các cơ quan nghiên cứu, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu…