Thu Hoài
HanoiTex 2022 chính thức khai mạc sáng 23/11 tại Hà Nội, thu hút 160 đơn vị triển lãm uy tín đến từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam cùng giới thiệu các sản phẩm và công nghệ chuyên ngành Công nghiệp Dệt & May – Thiết bị và Nguyên phụ liệu.

Thông tin tại sự kiện, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, ngành dệt May Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn, nhất là khó khăn vào những tháng cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023, tuy nhiên toàn ngành đang nỗ lực tự chủ xử lý các tình huống trở ngại để các điểm nghẽn, khó khăn của ngành được khai thông, tiến tới giữ vững mục tiêu xuất khẩu cho cả năm là 43,5 tỷ USD.
Chủ tịch Giang hy vọng những thông tin từ các nhà sản xuất thiết bị nguyên phụ liệu, tại HanoiTex 2022 và các hội thảo chuyên ngành lớn như: Chuyển đổi số; Giải pháp toàn diện; Ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại; Xu thế thời trang… Đây là những thông tin hữu ích cho các DN kết nối, chủ động đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến, phù hợp với hướng đi đúng của từng doanh nghiệp, toàn ngành đưa ra giải pháp tổng thể để hướng tới phát triển bền vững.

Theo ý kiến của các chuyên gia trong ngành dệt may, nhiều năm qua, nguyên nhân thiếu hụt nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước hiện nay một phần cũng do thiếu chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ. Về hạ tầng cũng chưa có khu công nghiệp tầm cỡ cho lĩnh vực chuyên ngành để tạo quy mô phát triển đồng bộ cho việc chủ động nguồn cung nguyên liệu.
Chia sẻ thông tin với Thứ trưởng Bộ Công Thương – Nguyễn Sinh Nhật Tân, người trực tiếp tham dự Lễ khai mạc Triển lãm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam Vũ Đức Giang đã chuyển ý kiến tới Bộ Công Thương, tiếp tục lắng nghe và tạo điều kiện, hỗ trợ giải quyết kịp thời các khó khăn của Ngành, tạo cơ chế thuận lợi để kêu gọi đầu tư vào phần cung thiếu hụt, tranh thủ lấy được lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Theo ghi nhận của nhóm phóng viên, Hội chợ triển lãm HanoiTex 2022 năm nay, nghiêng về giới thiệu các nguồn vải, nguyên phụ liệu may mặc, hướng đến sản xuất xanh, hạn chế sử dụng hoá chất, tiết kiệm tài nguyên, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo…Đây cũng là xu hướng chung của Thế giới, đòi hỏi yêu cầu các nhà sản xuất, cần tuân thủ các điều kiện, tăng hàm lượng các sản phẩm tái chế, bảo vệ môi trường khi tham gia sâu vào thị trường xuất khẩu toàn cầu.

Các thiết bị tiên tiến ứng dụng trong sản xuất dệt may cũng được các DN cập nhật tích cực. Đại diện lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần May Nam Định (Natexco) cho biết, có rất nhiều các loại thiết bị ngành may hiện đại được cập nhật liên tục, cải tiến năm sau mới hơn năm trước, DN rất cần ứng dụng để tăng năng suất và giảm giờ làm cho công nhân, nâng cao được chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên cũng còn tùy vào năng lực nhu cầu nguồn tài chính của DN khi quyết định đâu tư.
Với hơn 30 năm lịch sử, HanoiTex 2022 & HanoiFabric 2022 (Triển lãm Quốc tế ngành Công nghiệp Dệt & May -Thiết bị và nguyên phụ liệu) đã tạo nền tảng vĩ mô cho ngành để tìm nguồn cung ứng thiết bị, công nghệ, vật liệu và vật tư tiên tiến, cập nhật mới nhất về thông tin thị trường thế giới.
Triển Lãm Hanoitex kéo dài ba ngày từ 23-25/11/2022. Cùng với đó là loạt các hội thảo chuyên ngành quan trọng :
– Chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam ( 10h30 -11h45 , 23/11/2022).
– Giải pháp toàn diện, tăng tốc chuyển đổi số (13:30 -16:00, 23/11/2022).
– Ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại – Kinh nghiệm và thực tiễn đối với ngành Dệt May (9:30 -11:30, 24/11/2022).
– Thời trang Việt trong xu thế hội nhập và phát triển (13:30 -16:00 , 24/11/2022)
Triển lãm và Hội thảo được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội