Hàng giả trên sàn thương mại điện tử: Phải tăng trách nhiệm của các ‘chủ chợ’

Việc kiểm soát, định danh tài khoản người bán, đăng tải chào bán, chào mua chưa thật sự chặt chẽ của các sàn thương mại điện tử là một trong những kẽ hở để các đối tượng lợi dụng đưa hàng hóa vi phạm lên bày bán công khai trên các sàn này.

Ông Trần Hữu Linh, tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT, Bộ Công thương), đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về tình trạng chào bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu trên các trang thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội có xu hướng gia tăng.

Ông Linh nói: “Tình trạng này tiềm ẩn nhiều phức tạp, thậm chí công khai đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến môi trường kinh doanh chung cũng như niềm tin của người tiêu dùng”.

* Gần như nạn bán hàng giả, hàng nhái cũng tăng theo quy mô phát triển của TMĐT, ông nghĩ sao về nhận định này?

– Các trang mạng, website TMĐT thường sử dụng các hình ảnh có thể hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm, sử dụng hàng hiệu nhưng với giá rẻ. Điển hình là các mặt hàng đồng hồ, kính mắt, quần áo, giày dép…

Các đối tượng vi phạm thường tận dụng mọi kẽ hở để vừa cung cấp thông tin về hàng hóa, thông tin giao dịch trên Internet, quảng bá trực tuyến và khuyến mãi rầm rộ, vừa thẩm lậu hoặc đưa những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ qua cửa khẩu, biên giới, cảng biển, sân bay… bán tràn lan trên thị trường nội địa với quy mô ngày một lớn.

Để qua mắt người tiêu dùng, các đối tượng thường sử dụng một địa chỉ không liên quan, địa chỉ không có thật hoặc giả mạo địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa nên khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý hành vi vi phạm.

Ông Trần Hữu Linh

* Có vẻ những biện pháp của cơ quan chức năng cũng như của chủ sàn TMĐT vẫn chưa đủ và chưa đáp ứng được yêu cầu của người kinh doanh về môi trường kinh doanh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vì sao?

– Những đối tượng vi phạm thường có trình độ và am hiểu nhất định về công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ bán hàng đa kênh, ngồi một nơi nhưng có thể quản lý bán hàng ở nhiều điểm khác nhau.

Các đối tượng này cũng sử dụng thành thạo các công cụ marketing trực tuyến; đầu tư mạnh vào các tiện ích của mạng xã hội để thu hút người mua hàng và lẩn tránh cơ quan chức năng, xóa bỏ dấu vết giao dịch, ẩn danh trên mạng Internet, gây khó khăn cho việc xác minh thông tin.

Ngoài ra, việc kiểm soát, định danh tài khoản người bán, đăng tải chào bán, chào mua chưa thật sự chặt chẽ, chưa thường xuyên, liên tục của các sàn TMĐT cũng tạo kẽ hở để các đối tượng lợi dụng đưa hàng hóa vi phạm lên bày bán công khai trên các sàn này.

Có những đối tượng duy trì thường trực hàng trăm tài khoản trên các sàn TMĐT để ngay lập tức có thể thay đổi khi bị phát hiện. Các giao dịch, thanh toán trên mạng đều bị hủy, xóa dấu vết rất nhanh, không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay.

Hầu hết các giao dịch hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý, lưu trữ và xử lý càng trở nên khó khăn. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng đòi hỏi phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể.

* Cơ quan chức năng sẽ mạnh tay hơn, có giải pháp ngăn chặn hiệu quả hơn để ngăn nạn mua bán hàng giả trên các chợ mạng?

– Trước tiên cần có cơ quan chuyên môn làm đầu mối điều phối cung cấp, chia sẻ cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ công tác đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả trên môi trường TMĐT. Trong đó, cần áp dụng công nghệ như cơ sở dữ liệu trực tuyến để cung cấp, chia sẻ, sử dụng, khai thác thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phòng chống gian lận thương mại, hàng giả.

Các sàn TMĐT, trang mạng xã hội cũng phải nâng cao trách nhiệm trong sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm. Đặc biệt, cần có quy định sàn TMĐT và người bán hàng trên sàn TMĐT phải thống kê, lưu giữ các giao dịch trên hệ thống để phục vụ việc truy xuất các giao dịch và nguồn gốc hàng hóa để tăng trách nhiệm.

Đặc biệt, phải ứng dụng triệt để hóa đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế để có thể tiến hành thẩm tra, xác minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.

Theo Tuổi Trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/hang-gia-tren-san-thuong-mai-dien-tu-phai-tang-trach-nhiem-cua-cac-chu-cho-20200912202551378.htm