Hàng đặc sản đổ về TP.HCM
Hàng loạt đặc sản vùng miền được doanh nghiệp bày bán tại chương trình - Ảnh: N.TRÍ

Hàng loạt sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là đặc sản vùng miền, đã được ‘chào hàng’ tại TP.HCM thông qua chương trình ‘Kết nối cung cầu TP.HCM và các tỉnh thành năm 2022’.

Chương trình được khai mạc vào ngày 17-11 tại nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11), kéo dài đến ngày 20-11.

Cũng tại sự kiện, nhiều doanh nghiệp sản xuất cho biết đã sẵn sàng cung ứng lượng hàng Tết, hàng hóa đưa về TP.HCM đang tăng mạnh. Giá bán phần lớn các mặt hàng chỉ tăng nhẹ do nhu cầu được nhận định còn chậm hơn mọi năm.

Nguồn cung hàng Tết dồi dào

Chương trình kết nối cung cầu năm nay quy tụ sự tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp đến từ 42 địa phương, trong đó TP.HCM có đến hơn 600 doanh nghiệp, đặc biệt nhiều doanh nghiệp là hệ thống bán lẻ có quy mô lớn như Saigon Co.op, Vissan, MM Mega Market…

Nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cho biết đã sẵn sàng cung ứng lượng hàng Tết dồi dào.

Ông Nguyễn Văn Duy, phó giám đốc Công ty Phú Sinh (Quảng Ngãi), cho biết đã đưa về TP.HCM khoảng 30% lượng hàng đặc sản phục vụ mùa Tết, trong đó chủ đạo là tỏi Lý Sơn các loại, các sản phẩm được chế biến từ tỏi như rượu tỏi, tỏi đen…

“Sản lượng cho dịp Tết dự kiến tăng khoảng 15% so với năm ngoái, để có thể liên tục đưa đi các tỉnh tiêu thụ theo nhu cầu khách”, ông Duy thông tin.

Theo ông Lê Văn Tiến – giám đốc Công ty Chợ VN (Lâm Đồng), ngoài rau củ đặc trưng Lâm Đồng như xà lách, cà chua, cà rốt… đã sẵn sàng để cung cấp mùa Tết với số lượng có thể đạt 1 tấn/ngày, tăng 40 – 50% so với ngày thường, năm nay đơn vị đưa thêm nhiều sản phẩm mới lạ như ớt palermo (giống nhập từ Hà Lan), củ cải đỏ, hành tây mini…

Sản phẩm quà tặng đặc trưng của Đà Lạt là hồng treo cũng được chuẩn bị với lượng nhiều hơn năm ngoái. “Thời tiết xấu, mưa bão nhiều nên sản lượng một số nơi sản xuất có giảm, dẫn đến giá bán tăng hơn năm ngoái khoảng 5 – 10%.

Tuy nhiên, nguồn cung cho mùa Tết sẽ không thiếu”, ông Tiến khẳng định. Trong khi đó đại diện cơ sở sản xuất nem chả Kim Huệ cho biết khoảng 30% lượng hàng phục vụ mùa Tết đã được sản xuất, và trong một tháng rưỡi tới sẽ tăng mạnh công suất để sản xuất đủ lượng hàng cho mùa Tết.

Đại diện Sài Gòn Food (TP.HCM) cho biết với năm nhà máy cùng kho xưởng trên 33.000m2, đơn vị đã chủ động tăng sản lượng sản xuất trong hai tháng cuối năm để đáp ứng nhu cầu sắm Tết sớm của người tiêu dùng.

Các sản phẩm với bao bì Tết được thiết kế đặc trưng riêng đã có mặt trên các quầy kệ tại tất cả hệ thống siêu thị trên toàn quốc. Ngoài ra, đơn vị này còn đẩy mạnh thêm kênh E-commerce nhằm đáp ứng nhu cầu đặt hàng online.

Nỗ lực giữ giá ổn định

Với sản lượng tăng khoảng 60 – 70% so với ngày thường, vị này cho biết giá bán giáp Tết dự kiến tăng nhẹ so với ngày thường với 130.000 – 155.000 đồng/kg tùy loại.

“Đơn vị sẽ giao hàng toàn quốc, và thông qua các kênh phân phối truyền thống để đưa ra thị trường nhanh nhất có thể. Giá đầu vào tăng nhưng chưa tăng giá bán, sức mua cũng chưa tăng nên giá bán cố gắng giữ ổn định”, vị này thông tin.

Khẳng định sẽ duy trì việc giảm giá 20% cho sản phẩm hạt mắc ca, hạnh nhân, óc chó và hạt điều đến hết tháng 11, bà Ngô Thị Hằng, đại diện một công ty chuyên cung cấp quà tặng tại TP.HCM, cho biết giá bán cuối năm có thể tăng 10 – 15% so với thời điểm này, nhưng khả năng bằng hoặc thấp hơn các năm trước.

“Sức mua các sản phẩm quà tặng nhiều khả năng sẽ giảm so với các năm trước, đặc biệt là các mặt hàng có giá bán cao, hàng xa xỉ”, bà Hằng dự báo.

Bà Mai Quỳnh Hương, đại diện Công ty Chát (TP.HCM), cũng cho biết đã tung ra nhiều mẫu quà tặng mới lạ. “Chúng tôi đã sản xuất được khoảng 50% lượng hàng cho mùa Tết, trong đó các loại hộp quà tặng có đến hàng nghìn sản phẩm. Tuy nhiên, do sức mua dự kiến sẽ không tăng nhiều nên giá bán năm nay sẽ ổn định”, bà Hương cho biết.

Mang đến hội chợ với hàng loạt sản phẩm nông sản, đặc sản sạch đến từ Lào Cai, ông Nguyễn Hữu Phương cho biết nguồn hàng Tết đã được chuẩn bị sẵn, tập trung vào thị trường lớn như TP.HCM. “Sức mua năm nay có vẻ đến trễ hơn mọi năm nên đơn vị không dám tăng giá bán, khả năng mức tăng giá dịp cận Tết sẽ không nhiều”, ông Phương nói.


Đưa hàng Tết lên kênh thương mại điện tử

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết yêu cầu đặt ra của chương trình “Kết nối cung cầu” là tạo điều kiện thuận lợi tối đa để bên mua – bên bán kết nối trực tiếp, tiết giảm chi phí trung gian, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng bền vững.

“Sự kiện đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm nguồn hàng chất lượng cao, giá cả hợp lý trên phạm vi cả nước để bổ sung nguồn cung bình ổn thị trường nhằm phục vụ 12 triệu dân TP.HCM, đặc biệt dịp Tết Quý Mão”, ông Vũ nói.

Theo ban tổ chức, điểm mới chương trình năm nay là tổ chức kết nối cung cầu trực tuyến thông qua website www.ketnoicungcau.vn.

Theo Tuổi Trẻ