Hai mặt của mua sắm online thời COVID-19

My Khánh

Cơn khủng hoảng dịch COVID-19 bùng nổ, người dân chấp hành đảm bảo chính sách chống dịch. Đồng nghĩa với ở nhà quá nhiều dẫn đến việc mua sắm online gia tăng và dẫn đến những lợi ích và bất lợi cho người mua hàng online.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, vừa đưa ra khuyến cáo cho các tín đồ mua sắm online trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng nổ.

Dẫn chứng số liệu về việc tỉ lệ người tiêu dùng mua sắm ngày càng gia tăng, tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến đã tăng từ 77% trong năm 2019 lên 88% trong năm 2020, một mặt đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng đan xen những bất lợi mà người tiêu dùng cần tỉnh táo.

Những lợi ích mua sắm online mang lại

Có thể thấy, đại dịch Covid-19 cùng những yêu cầu về giãn cách, phong tỏa, hạn chế tiếp xúc đã làm doanh nghiệp và người tiêu dùng quan tâm hơn đến mua sắm trực tuyến. Sự gia tăng các giao dịch qua thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.

  • Đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của bản thân và gia đình, đồng thời đảm bảo yếu tố an toàn: Trong bối cảnh giãn cách, phong tỏa, gần như “đóng băng” mọi hoạt động thì nhu cầu của người tiêu dùng vẫn hiện hữu. Mua sắm qua mạng giúp người tiêu dùng đáp ứng được những nhu cầu này mà vẫn đảm bảo yếu tố an toàn do không phải di chuyển đến nhiều địa điểm mua sắm;
  • Tiện lợi, nhanh chóng: Người tiêu dùng không phải xếp hàng chờ đợi như mua sắm truyền thống. Người tiêu dùng chỉ cần ở nhà, lên mạng chọn mua và chờ vận chuyển hàng đến nhà;
  • Tạm thời xoa dịu tâm trạng trong bối cảnh nguy hiểm của đại dịch: Khi việc giãn cách/phong tỏa diễn ra trong thời gian dài, người tiêu dùng dễ rơi vào trạng thái buồn chán, có xu hướng dễ cáu giận, bực bội… mua sắm qua mạng là một trong những phương thức giải tỏa tạm thời những cảm xúc này;
  • Tạo cảm giác “kết nối”: Khi phải thực hiện giãn cách/phong tỏa trong thời gian dài dẫn tới việc không được tiếp xúc với người khác, mua sắm qua mạng giúp tạo cảm giác “kết nối” tới xã hội thông qua các thông báo đặt hàng, thanh toán, vận chuyển được gửi qua tin nhắn/email của người tiêu dùng
  • Thương mại điện tử ngoài đáp ứng nhu cầu vật chất còn có lợi ích về mặt tâm lý cho người tiêu dùng. Một số người tiêu dùng còn cho rằng, mua sắm qua mạng khi phải giãn cách quá lâu giống như cảm giác chờ đợi/hy vọng những món quà.

Những bất lợi từ mua sắm online

Bên cạnh những tích cực, sự gia tăng mua hàng qua mạng trong thời kỳ dịch bệnh cũng có nguy cơ mang lại những tác động tiêu cực cho người tiêu dùng.

Mua sắm qua mạng quá dễ và nhanh làm người tiêu dùng dễ dàng chi tiêu quá mức thu nhập của bản thân, gia đình: Chỉ với một vài click chuột, người tiêu dùng đã có thể mua rất nhiều mặt hàng. Điều này cũng làm xuất hiện và gia tăng tình trạng chi tiêu quá nhiều, thậm chí quá mức thu nhập của bản thân và gia đình.

Có xu hướng mua những thứ không cần thiết do quá buồn chán: do có quá nhiều thời gian rảnh, người tiêu dùng dễ có xu hướng mua sắm những thứ để thỏa mãn sở thích nhất thời

Ảnh hưởng xấu đến môi trường: Khi thương mại điện tử mới phát triển, đây được coi là hình thức giúp bảo vệ môi trường vì khắc phục được những nhược điểm của mua sắm truyền thống như người tiêu dùng không cần di chuyển mà vẫn nhận được hàng và đổi – trả hàng.

Tuy nhiên, việc các nhà bán hàng gói hàng quá kỹ nhằm tăng tính chuyên nghiệp và làm hài lòng khách hàng cũng gây lãng phí và tạo ra nhiều rác thải cho môi trường.

Người tiêu dùng đối mặt nhiều hơn với những vi phạm quyền lợi khi mua hàng qua mạng như: hàng hóa không giống như quảng cáo, hàng không áp dụng đồng kiểm, hàng giao chậm, đã thanh toán nhưng không giao hàng, bảo mật thông tin cá nhân…

Lưu ý dành cho người mua sắm online

Bất chấp một số tác động tiêu cực, có một thực tế mà nhiều người tiêu dùng thừa nhận là mua sắm qua mạng vẫn là một lựa chọn tối ưu trong bối cảnh dịch Covid-19.

Chính vì vậy, việc trang bị những kiến thức, kỹ năng để có thể thực hiện các giao dịch thương mại điện tử một cách tốt nhất là rất cần thiết đối với mỗi người tiêu dùng. Trong quá trình này, người tiêu dùng có thể tham khảo một số khuyến nghị sau:

Thứ nhất, ưu tiên mua hàng từ những trang thương mại điện tử uy tín, có đăng ký/thông báo tới Bộ Công Thương; những cửa hàng online có lịch sử lâu và được nhiều lượng nhận xét mua hàng ;

Thứ hai, chỉ thực hiện các giao dịch khi bản thân/gia đình thực sự có nhu cầu sử dụng sản phẩm;

Thứ ba, cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn hàng hóa cần mua cũng như số lượng hàng hóa, tránh tình trạng mua hàng không thực sự cần thiết và mua với số lượng quá nhiều;

Thứ tư, ưu tiên mua những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu cơ bản trong đại dịch như: nhu yếu phẩm, thực phẩm, đồ dùng gia đình, quần áo phục vụ nhu cầu hàng ngày… Tránh mua những sản phẩm chưa phù hợp với thời điểm hiện tại;

Thứ năm, khi nhận hàng: Đối chiếu thông tin trên biên lai giao hàng với đơn hàng trên mạng nhằm hạn chế tình trạng thanh toán cho đơn hàng mà mình không đặt cũng như nhận hàng không đúng với sản phẩm đã đặt mua;

Thứ sáu, tránh mua hàng qua mạng khi thể trạng và tinh thần mệt mỏi bởi có thể dẫn tới việc không so sánh giá cả/so sánh các nhà bán hàng, mua sắm để thỏa mãn nhu cầu lúc đó hoặc đơn giản là chỉ muốn mua sắm để tâm trạng tốt lên;

Cuối cùng là dành thời gian sắp xếp, dọn dẹp lại đồ đạc trong nhà để biết rõ nhà mình đã có những đồ đạc nào.