Hai hình thức quảng cáo đem lại hiệu quả cao nhất

Nguyễn Trang

Theo đánh giá của VECOM, mạng xã hội là một trong hai hình thức quảng cáo đem lại hiệu quả nhất cho doanh nghiệp

Song song với sự phát triển của hạ tầng di động, các doanh nghiệp đã đầu tư nhiều hơn từ việc nâng cấp website tương thích với thiết bị di động tới việc phát triển các ứng dụng. Tuy nhiên, xu hướng này có vẻ chững lại.

Đây là nhận định được đưa ra trong Báo cáo Chỉ số Thương mại Điện tử 2018 của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) đưa ra.

Năm 2015 đã đánh dấu sự bùng nổ mạnh mẽ của xu hướng thương mại di động. Các doanh nghiệp đã đầu tư nhiều hơn vào hoạt động kinh doanh trên nền tảng thiết bị di động và ứng dụng. Tuy nhiên, xu hướng này có vẻ chững lại với tỷ lệ website tương thích với thiết bị di động không tăng.

Theo VECOM, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự thấy hiệu quả từ nền tảng này, bởi nhu cầu mua sắm trên nền tảng di động chỉ phù hợp với những thành phố phát triển như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Xét về tổng thể cả nước, mức độ phát triển chưa cao và đồng đều.

Tương tự website phiên bản di động, tỷ lệ doanh nghiệp có ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động năm 2017 vẫn ở mức 15%, bằng với năm 2016

Nền tảng Android vẫn là nền tảng phổ biến nhất được doanh nghiệp lựa chọn để phát triển các ứng dụng đi động của mình chiếm 71%, tiếp là đó iOS 43% và Windows 40%.

Cũng theo khảo sát, thời gian trung bình lưu lại của khách hàng khi truy cập vào website thương mại điện tử phiên bản di động hoặc ứng dụng bán hàng của doanh nghiệp chưa cao, theo đó có 41% doanh nghiệp có website cho biết thời gian trung bình lưu lại của khách hàng khi truy cập là từ 5 – 10 phút, 30% doanh nghiệp cho biết thời gian trung bình truy cập dưới 5 phút và tỷ lệ truy cập trang trên 10 phút rất thấp

Trong số các doanh nghiệp cho biết có website phiên bản di động hoặc ứng dụng bán hàng, có 42% doanh nghiệp đã cho phép người mua thực hiện toàn bộ quá trình mua sắm trên thiết bị di động, 20% có triển khai chương trình khuyến mại dành riêng cho khách hàng sử dụng thiết bị di động để mua sản phẩm và 47% doanh nghiệp có nhận đơn đặt hàng qua ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động.

Vẫn theo VECOM, 43% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã xây dựng website, tỷ lệ này không thay đổi nhiều so với các năm trước

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã chú trọng hơn tới việc cập nhật thông tin thường xuyên lên website. Khảo sát cho thấy 49% doanh  nghiệp cập nhật thông tin lên website hàng ngày và 25% cập nhật hàng tuần.

Kinh doanh trên mạng xã hội đang là một xu hướng thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể và cá nhân trong vài năm trở lại đây

Khảo sát cho thấy có 32% doanh nghiệp đang tiến hành kinh doanh trên mạng xã hội

Năm 2017 có 11% doanh nghiệp tham gia khảo sát triển khai kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, giảm một chút so với năm 2016

Bên cạnh việc đầu tư vào các nền tảng kinh doanh mới, doanh nghiệp cũng tập trung đầu tư vào quảng cáo.

Theo khảo sát của VECOM, năm 2017 hình thức quảng cáo được doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất vẫn là thông qua mạng xã hội, chiếm 43%. Quảng cáo thông qua các công cụ tìm kiếm chiếm 31% và giảm đáng kế so với năm 2016. Năm 2017 cũng đánh dấu sự tăng trưởng mạnh của nhóm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tiếp thị liên kết.

Bên cạnh đó tỷ lệ doanh nghiệp chưa quảng bá tăng hơn so với năm trước, nguyên nhân có thể là tỷ lệ doanh nghiệp được khảo sát tại các địa phương năm nay cao hơn so với tỷ lệ doanh nghiệp thuốc các thành phố lớn như Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh

56% doanh nghiệp cho biết đã chi dưới 10 triệu động cho việc quảng cáo website/ứng dụng đi động qua các phương tiện trực tuyến, 36% chi từ 10 – 50 triệu đồng và mới có 8% doanh nghiệp chi trên 50 triệu đồng cho hoạt động quảng cáo website/ứng dụng di động.

Mạng xã hội và công cụ tìm kiếm cũng là hai hình thức quảng cáo đem lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp với tỷ lệ tương ứng là 46% và 39%.