Grab và Gojek đốt tiền mặt để giữ chân tài xế

Nguyễn Trang (Theo Nikkei)

Các tài xế của Gojek ở Jakarta: Startup ở Indonesia này đã tạo ra một quỹ trị giá 6,38 triệu đô la để hỗ trợ cho các tài xế

Grab và Gojek đang phải đối mặt với sự ganh đua về tài chính trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh virus corona khi phải chi hàng triệu đô la hỗ trợ các tài xế để hướng tới sự phục hồi sau này.

Nhu cầu đi xe đã giảm xuống ở mức hai con số, khiến các tài xế công nghệ phải vật lộn để kiếm sống.

Amir, một tài xế của Gojek ở Indonesia, đang gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê nhà và đang phải cân nhắc giảm đi lại hay phải chi li trong ăn uống.

“Tiền lương hàng ngày của tôi đã giảm xuống còn 30.000 rupiah (1,91 đô la), chỉ bằng một phần ba số tiền tôi kiếm được trước khi virus corona bùng phát.” ông nói

Cả Singapore, nơi Grab đặt trụ sở lẫn Malaysia đã yêu cầu người dân ở trong nhà. Tại quê nhà Indonesia của Gojek, Tổng thống Joko Widodo cũng kêu gọi mọi người ở trong nhà. Thủ đô Jakarta đã ban hành các biện pháp hạn chế xã hội mạnh mẽ hơn vào tuần trước, trong đó có cả lệnh cấm các tài xế chở khách bằng xe máy.

Theo dữ liệu từ Statqo Analytics của Indonesia, số người gọi xe trên Grab đã giảm 24% trong tuần, tính đến ngày 26/3 so với ngày 22-28/2. Còn Gojek giảm 11%, trong cùng thời gian.

Nhưng thay vì cắt giảm chi phí và nhân viên, hai công ty này đang cung cấp các gói hỗ trợ cho tài xế.

Grab đang cung cấp cho các tài xế ở Singapore gói giảm giá 30% phí thuê xe cho đến ngày 4/5 trên khắp Đông Nam Á, công ty này cũng đang cung cấp tiền mặt cho các tài xế bị nhiễm COVID-19 hoặc bị buộc phải cách ly. Các startup đã chi gần 40 triệu đô la vào các gói hỗ trợ tài chính như vậy.

Gojek vào cuối tháng 3 đã thành lập một quỹ cứu trợ 100 tỷ rupiah, tương đương 6,38 triệu đô la, trong đó các giám đốc điều hành đã trích một phần tư tiền lương hàng năm của họ để quyên góp vào quỹ này. Quỹ cứu trợ sẽ trợ cấp cho các tài xế trong các lĩnh vực như chăm sóc y tế và vật tư.

Ngày 7/4, công ty của Indonesia cho biết họ sẽ tặng 1 triệu phiếu giảm giá hàng tuần, mỗi phiếu trị giá 5.000 rupiah cho các tài xế ở Jakarta để sử dụng tại các nhà hàng tham gia.

Grab và Gojek sẽ hỗ trợ các tài xế vì họ là xương sống của các dịch vụ do hai startup này cung cấp từ giao hàng tại nhà và thanh toán kỹ thuật số.

Các tài xế thường là những người chuyển đổi tiền mặt thành tín dụng được thêm vào số dư tài khoản trực tuyến.

Gojek và Grab có nguy cơ mất tài xế nếu những công nhân này không nhận được đủ cứu trợ trong thời kỳ suy thoái. Không có tài xế, các công ty không có triển vọng tăng trưởng.

Tại Singapore và các nơi khác, Grab cho các tài xế thuê xe. Nếu những tài xế này ngừng hoạt động, công ty sẽ phải gánh số xe này, trở thành tài sản không hoạt động.

Một yếu tố khác đang diễn ra là áp lực xã hội nặng nề đối với các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á này khi phải duy trì việc làm. Gojek thuê 2 triệu tài xế trong khu vực trong khi Grab có vài triệu.

Cả hai công ty xây dựng tên tuổi của mình gắn với giá trị là người tạo việc làm. Các tài xế trong nền kinh tế Gig đã là một giao dịch không ổn định trước đại dịch. Cả Grab và Gojek đều không đủ khả năng để quay lưng lại với các tài xế.

Cân nhắc về mặt chính trị cũng có vẻ liên quan. Người đồng sáng lập Gojek, Nadiem Makarim, đã tham gia nội các của Widodo vào mùa thu năm ngoái với tư cách là bộ trưởng bộ giáo dục và văn hóa.

Giám đốc điều hành Gojek, Andre Soelistyo nói với Reuters vào cuối tháng 3 rằng công ty có thể mong đợi sự phục hồi “trong vài tháng tới.” Sự hỗ trợ của các tài xế đã đặt startup này ở vị thế mạnh để có thể thâu tóm được nhu cầu đi lại. Nhưng điều kiện hiện tại khiến cho các dự đoán dài hạn không chắc chắn.

Cả Grab và Gojek đều không tiết lộ thu nhập, nhưng các khoản đầu tư lớn của họ có ảnh hưởng tới việc đạt được lợi nhuận. Chi tiêu thêm để đối phó với virus corona đang làm giảm thu nhập hơn nữa.

Cả hai startup này được phân loại là “decacorns”, những công ty trị giá hơn 10 tỷ đô la. Năm ngoái, Grab đã huy động được 2,1 tỷ đô la từ các nhà đầu tư như tập đoàn công nghệ khổng lồ của Nhật Bản SoftBank Group, trang DealStreetAsia của Singapore đưa tin. Gojek đã mang về 1,6 tỷ đô la từ Alphabet, công ty mẹ của Google.

Với những nghi ngờ xoay quanh triển vọng tăng trưởng của Grab và Gojek, cơ hội huy động vốn có thể giảm dần khi dịch bệnh còn kéo dài. Tin đồn về việc sáp nhập cũng đã xuất hiện, mặc dù cả hai công ty đều phủ nhận.