Gian lận xuất xứ hàng hóa trên mức báo động

Nguyễn Trương

Ảnh: Internet

Hành vi lẩn tránh rất phổ biến, đa dạng trong thương mại quốc tế với quy mô khác nhau như doanh nghiệp chuyển toàn bộ quy mô hay chuyển một phần công đoạn sản xuất sang Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong hồ sơ giả để chứng minh nguyên liệu được sản xuất tại Việt Nam.

Ngoài việc xuất hàng hóa đi nước ngoài lợi dụng giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam (C/O) để hưởng ưu đãi thuế, các doanh nghiệp vi phạm còn gian lận để hoàn thuế giá trị gia tăng với số lượng rất lớn.

Bộ Công thương đã chỉ ra 8 mặt hàng gồm sản phẩm gỗ, dệt may, da giày, nhôm, máy tính, sắt thép, nhựa và xe đạp có nguy cơ cao gian lận xuất xứ và đưa vào “tầm ngắm” để kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn gian lận xuất xứ làm ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Xin đơn cử, mặt hàng thép của Trung Quốc đang bị Mỹ đánh thuế rất cao nên thay vì xuất khẩu sang Mỹ thì Trung Quốc đã từng xuất sang Việt Nam và đội lốt xuất xứ Việt Nam để sang Mỹ.

Thực tế thời gian qua, Mỹ đã tiến hành điều tra và áp thuế đối với một số trường hợp sắt thép của Việt Nam thuộc dạng này.

Cuối năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ cũng ra phán quyết áp các mức thuế cao dành cho thép nhập khẩu của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, sau khi phát hiện các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã trốn tránh các lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ.

Đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc không chỉ riêng đối với mặt hàng thép mà chung cho các mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam không tiếp tục đi vào vết xe đổ. Các doanh nghiệp cần trung thực về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, không nên vì cái lợi trước mắt mà đánh mất uy tín trên thương trường quốc tế.

Tình trạng gian lận xuất xứ không chỉ xảy ra đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu mà hàng hóa trong nước cũng có hiện tượng giả mạo xuất xứ để đánh lừa người tiêu dùng.

Dư luận thời gian qua đã “nổi sóng” trước các nhãn hàng đình đám mang thương hiệu Việt như Khaisilk, và thông tin về Asanzo nhưng thực chất là hàng Trung Quốc “đội lốt” sản xuất tại Việt Nam.

Qua các vụ việc hàng hóa nước ngoài đội lốt “Made in Việt Nam”, cho thấy công tác quản lý Nhà nước, cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành liên quan trong chống gian lận xuất xứ, cấp và kiểm tra C/O còn nhiều bất cập và sơ hở, nhất là quy trình kiểm soát hải quan.

Trong khi đó, chế tài xử phạt với gian lận xuất xứ, ghi sai chứng nhận xuất xứ (C/O) còn nhẹ nên chưa đủ sức răn đe, trừng phạt đối với các doanh nghiệp vi phạm.

Chưa bao giờ, việc chống gian lận xuất xứ lại được Chính phủ quan tâm như hiện nay. Bởi một phút lơ là, nguy cơ bị đối tác nhập khẩu, đặc biệt là Mỹ, trừng phạt thì hậu quả khôn lường.

Vậy nên, đầu tháng 7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”.

Thiết nghĩ, Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” chính là giải pháp cấp bách nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết của Việt Nam.

Qua đó, ngăn chặn hiệu quả các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa, không để Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba; bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính của Việt Nam.

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, áp lực chống gian lận xuất xứ nghi vấn cấp C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc của hàng hóa – Certificate of origin) giả…đang rất lớn bởi chỉ cần liên quan một vụ việc, Việt Nam sẽ trở thành chủ thể trong các xung đột thương mại. Không riêng gì Bộ Công Thương mà lực lượng Hải quan, Công an đều đã nêu nguy cơ, hệ luỵ về gian lận xuất xứ.