Gian khó chính là động lực

Đức Lâm – Trần Thiệt

Bác sỹ Nguyễn Xuân Hải đang khám cho bệnh nhân

Tuổi thơ trải qua bao cơ cực, làm đủ nghề kiếm sống và có tiền để đến trường nuôi ước mơ có một ngày được thành tài, có chỗ đứng trong xã hội. Hơn 30 năm trôi qua, giờ anh đã là bác sỹ với một phòng khám đa khoa riêng. Nghĩ về những năm tháng đã qua, anh chỉ cười: “gian khó chính là động lực để ý chí con người vươn lên”.

Tuổi thơ cơ cực

Anh là bác sỹ Nguyễn Xuân Hải – Giám đốc Công ty TNHH MTV Phòng khám đa khoa Sống Khỏe (địa chỉ: số 39, Hùng Vương, Tp. Tam Kỳ, Quảng Nam). Anh Hải sinh năm 1982, lớn lên ở xã Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước, Quảng Nam.

Tiếp chúng tôi tại phòng khám do anh gầy dựng nên, những gì anh làm được ngày hôm nay là thành quả của sự nỗ lực đáng nể khi nghe anh kể về cuộc đời lắm thăng trầm của mình.

Anh Hải kể: “Lúc anh còn nhỏ, quê anh thời đó chưa có điện chỉ thắp đèn dầu, gia đình có 8 anh em, cuộc sống khó khăn nên ba mẹ cùng mấy anh trai đi làm kinh tế mới tận trong miền nam. Anh xuống Tam Kỳ, ở cùng anh trai nhưng khó khăn quá, sau đó xin vào làm giúp việc cho một nhà chuyên làm trà để được nuôi đi học. Năm đó anh 9 tuổi đang học lớp ba.”

9 tuổi, cái tuổi đáng lẽ chỉ phải lo ăn, lo học vậy mà cậu bé ấy đã phải bon chen ra đời kiếm sống. Anh bảo có hôm nhớ nhà quá chỉ biết ôm cột nhà lặng lẽ khóc nhưng rồi riết cũng thành quen không còn thấy tủi thân hay nhớ nhà nữa.

Bước ra đời sớm, việc kinh doanh, buôn bán gắn với anh như cái duyên. Những năm cấp 2, anh Hải lại kiêm thêm một vài nghề khác nữa. Từ việc bỏ mối trà ở chợ, đánh bóng manh dè xe máy cho khách, rồi theo người chị bà con buôn gà, phụ hồ, làm điện nước. Anh tranh thủ làm việc vào những ngày thứ bảy và chủ nhật được nghỉ học. Đó là những ngày thu nhập chính để anh chi tiêu cho cả tuần.

Biết hoàn cảnh của anh nên năm nào anh cũng được trường miễn học phí và tặng cho anh suất quần áo cho học sinh nghèo dành cho năm học mới. Dù bận rộn cho việc vừa kiếm tiền vừa đi học, anh vẫn cố gắng hoàn thành việc học.

Chúng tôi nghe anh kể mà ai cũng tròn xoe mắt bất ngờ, rồi đùa với anh, chắc như anh ra đời không bao giờ sợ thất nghiệp. Vì trong tay anh đã sở hữu rất nhiều nghề để kiếm sống mà không phải ai cũng làm được. Nghe vậy anh chỉ cười, chúng tôi để ý trong suốt cuộc nói chuyện bao giờ chúng tôi cũng thấy anh cười, anh kể về những cơ cực đã qua mà không hề có chút than thân trách phận, cũng không hề trách ba mẹ không lo cho mình.

Ngược lại, khi học xong phổ thông có lúc anh Hải lại muốn nghỉ học để đi làm lo cho ba mẹ mình. Anh Hải tâm sự: “Một lần vào thăm ba mẹ ở miền nam, thấy mẹ đau không ai chăm sóc. Anh khuyên ba mẹ nên về quê với anh để gia đình được đoàn tụ và anh được chăm sóc ba mẹ. Có lúc anh đã từng nghĩ có lẽ mình nghĩ học đi làm bất cứ nghề gì để có thể lo cho ba mẹ. Nhưng khi đem suy nghĩ của mình tâm sự với một người cô đã từng giúp đỡ anh, họ khuyên anh nên đi học tiếp vì chỉ có con đường học mới có thể thay đổi số phận của mình. Sau này mới có thể lo cho ba mẹ và gia đình chu đáo được.”

Sau nhiều ngày suy nghĩ, anh quyết định tiếp tục con đường học vấn. Và anh dần đạt được những điều mình mong muốn. Trải qua nhiều công việc từ nhân viên đến giám đốc quản lý khu vực ở các công ty tư nhân chuyên về thiết bị y tế ở các thành phố lớn. Gần mười năm bon chen từ Đà Nẵng đến Tp. Hồ Chí Minh, anh dần định hướng lối đi riêng cho mình.

Anh chia sẻ: “Bon ba nhiều nơi trên đất khách đã dạy cho anh rất nhiều bài học từ chuyên môn cho đến cuộc sống, từ đó anh suy nghĩ muốn tự chủ trong công việc và trên chính quê hương của mình.”

Phục vụ công tác chuyên môn anh phải đứng nhiều trong quá trình làm việc nên bị đau lưng. Anh nghĩ sức trẻ như mình mà còn đau lưng thì những người già như ba mẹ mình, những người lao động chân tay, cho đến công nhân viên chức… họ cũng sẽ đau lưng. Mà những người lao động nghèo như ba mẹ mình thì làm gì có tiền để điều trị. Vậy là mong muốn làm được điều gì đó giúp họ lại lóe lên trong anh.

Quê hương là chùm khế ngọt…

Với tính quyết đoán anh từ bỏ công việc đang ổn định để tìm hướng đi riêng cho mình. Tuy không được nhiều sự ủng hộ của người thân và gia đình nhưng anh đã quyết tâm để đạt được.

Năm 2012, Phòng khám đầu tiên của anh được thành lập tại 298 Hùng Vương, Tam Kỳ, Quảng Nam, một căn nhà anh thuê . “Lúc đó anh cũng làm liều vì vốn mình ít ỏi nhưng vẫn cố gắng rồi dần sẽ hoàn thiện phòng khám.” – anh Hải chia sẻ.

Phòng khám đa khoa sống khỏe

Nhờ có chuyên môn về đông y, rồi tiếng lành đồn xa, phòng khám của anh dần đông bệnh nhân đến khám và điều trị. Bệnh nhân của anh đủ mọi tầng lớp từ công nhân viên chức, nông dân đến cả người nước ngoài. Hầu hết họ đều hài lòng với việc chữa trị của phòng khám.

Bệnh nhân dần đông lên cơ sở anh thuê không đủ để tiếp bệnh nhân, và anh lại phải tìm một cơ sở mới với diện tích lớn hơn để đảm bảo cho việc đón và điều trị cho người dân được tốt hơn.

Năm 2017, Công ty TNHH MTV Phòng khám đa khoa Sống khỏe (gọi tắt là Phòng khám đa khoa Sống Khỏe) chuyển sang cơ sở mới tại số 39 Hùng Vương, Tp. Tam Kỳ, Quảng Nam. Với phương châm Sức khỏe là vàng, ở cương vị giám đốc quản lý, anh Hải thành lập nhiều khoa phòng từ cấp cứu, khám nội, ngoại, sản phụ khoa, khám nhi, chụp X- Quang, siêu âm, khám chữa bệnh đông y, vật lý trị liệu. Anh đầu tư nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại để phục vụ cho người bệnh được tốt hơn.

Tuy nhiên việc điều trị bằng phương pháp Y học Cổ truyền, Vật lý trị liệu-phục hồi chức năng vẫn là điểm mạnh của phòng khám.

Phòng khám đa khoa Sống khỏe với cơ sở là tòa nhà 3 tầng rộng lớn, phòng khám tự tin có thể phục vụ chu đáo cho người bệnh có nhu cầu khám, chữa bệnh. Phòng khám mở cửa từ 8 giờ sáng đến 21 giờ đêm với 29 nhân viên, trong đó có 14 bác sỹ với chuyên môn tương ứng với các khoa phòng có thể đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh hằng ngày của người dân.

Bác sỹ với tấm lòng thiện nguyện

Không chỉ là một người có tâm trong nghề, đầu năm 2019, trên đường đi học bồi dưỡng chuyên môn ở Huế về quê, khi anh Hải điều khiển xe máy vừa lên đèo Hải Vân, anh chứng kiến vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng của một xe khách chở sinh viên tại một trường cao đẳng ở Kiên Giang đi thực tập bị lật rơi xuống vách đèo.

Nghe tiếng kêu cứu của những người bị nạn, anh liền dừng xe và trèo xuống vách núi cheo leo cùng người đi đường cứu nạn nhân ra khỏi xe. Trong đó, có một sinh viên bị đứt lìa cánh tay, anh đã cùng mọi người đi tìm cánh tay bị mất hi vọng có thể giúp nối lại cho người bị nạn.

Với chuyên môn của mình, anh đã nhờ một người lính biên phòng chạy xuống chân đèo mua thùng xốp và đá để giữ lạnh cánh tay. May mắn với nỗ lực tìm kiếm, cánh tay được tìm thấy và bệnh viện Đà Nẵng đã ghép thành công cánh tay đứt lìa cho sinh viên bị nạn.

Anh kể: “Mấy tiếng đồng hồ tham gia cứu nạn, anh vừa mệt vừa đói do đi về chưa kịp ăn gì nên lúc leo lên được trên đường lộ anh nằm nghỉ luôn bên đường rồi ngất lúc nào không hay. Sau có người kêu dậy mới tỉnh lại. Mệt rả người nhưng cứu được nhiều người anh cũng cảm thấy mãn nguyện”.

Anh nói: “Hành động mà người trong ngành như anh khi ai gặp phải cũng sẵn sàn cứu giúp. Với hành động cứu người, anh đã được UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế tặng giấy khen người tốt việc tốt”. Với anh đó là niềm hạnh phúc – anh Hải chia sẻ.

Ngoài ra, lúc còn làm việc tại Tp. Hồ Chí Minh, anh Hải cùng với những người bạn, đồng nghiệp lập một phòng khám Y học Cổ truyền từ thiện giúp đỡ các bệnh nhân nghèo không có tiền chữa trị tại bệnh viện.

Lớn lên từ khó khăn, gian khổ, anh Hải như cây xương rồng trên cát vươn mình đứng lên không bao giờ chịu khuất phục số phận. Mọi cố gắng của anh mấy chục năm qua giờ đây đã có kết quả. Thành công  ngày hôm nay của anh bắt đầu từ những tháng này gian khó chính là động lực.

Mọi cố gắng của anh của mấy chục năm qua giờ đây đã có kết quả. Thành công hôm nay của anh bắt đầu từ những năm tháng này, gian khó chính là động lực.