Giám sát hoạt động thương mại điện tử

Trung Nguyên

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 21/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.

Xuất hiện các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học tập tại nước ngoài, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử…, đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Quá trình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan gây vướng mắc trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kịp thời tham mưu, kiến nghị và đề ra các giải pháp khắc phục.

Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý các nội dung quảng cáo đăng tải trên báo chí, môi trường mạng, xuất bản phẩm, quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, thuê bao di động, thuê bao Internet, loại bỏ “sim rác”.

Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, Internet lưu giữ đầy đủ, chính xác, bảo mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên hạ tầng mạng, không cung cấp dịch vụ có nội dung lừa đảo; chủ động triển khai các biện pháp cảnh báo, hỗ trợ bảo vệ người sử dụng.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý, giám sát các trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân có hành vi huy động vốn, đầu tư trái phép, đổi tiền qua trung gian, quảng cáo mua bán hàng hóa, dịch vụ mua hộ hàng hóa, giới thiệu, quảng cáo đăng tin trên báo chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, xuất bản phẩm, quảng cáo… tích hợp trên các sản phẩm dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bộ Công Thương thường xuyên kiểm tra về nội dung, điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử; quản lý, giám sát hoạt động thương mại điện tử và các mô hình hoạt động kinh doanh trên ứng dụng công nghệ số, phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; phối hợp các bộ, ngành kiểm tra các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an các cấp kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh các loại hình kinh doanh dịch vụ như công ty tài chính, cầm đồ, môi giới việc làm, nhà đất, du học, đưa người đi lao động ở nước ngoài, thương mại và thanh toán điện tử… để phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bộ Tài chính chủ động phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán…; thực hiện nghiêm các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến định giá tài sản, giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính, bảo đảm căn cứ để khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định đối với việc ứng dụng các phương tiện thanh toán mới, tiên tiến, bảo đảm chặt chẽ, an toàn; tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời các hành vi gian lận, không đúng quy định pháp luật về hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán, phòng ngừa đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong các hoạt động như cho vay, thanh toán, chuyển tiền, nhận tiền…

Phối hợp Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan trong công tác xác minh, xử lý tội phạm; kịp thời có biện pháp phong tỏa, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản trong các vụ việc, vụ án.

Phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền về cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending), các hình thức thanh toán mới chưa có quy định của pháp luật.

Các cơ quan chức năng cơ chế, chính sách an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động, phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng…