Giảm 2% thuế VAT: Đòn bẩy để tăng trưởng kinh tế

Để chính sách giảm thuế này phát huy tối đa hiệu quả, thời gian giảm thuế VAT 2% cần được kéo dài sang tận tháng 6-2024 hoặc đến hết năm 2024.

Nếu chính sách giảm thuế 2% trong sáu tháng cuối năm 2023 thực hiện sẽ làm ngân sách giảm thu ước tính khoảng 24.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc giảm thuế này được đánh giá là sẽ mang lại hiệu quả vô cùng lớn, đó là giúp nền kinh tế tăng trưởng cao hơn.

Theo trình bày của Ủy ban Tài chính – Ngân sách trước Quốc hội vào chiều 24-5, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách tán thành với nội dung tờ trình là tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội trong năm 2023.

Việc này áp dụng đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% và giảm 20% mức tỉ lệ phần trăm để tính thuế VAT đối với cơ sở kinh doanh, bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Việc đề xuất giảm thuế VAT 2% cho thấy sự vào cuộc rất kịp thời của Chính phủ và ủy ban của Quốc hội trong bối cảnh tình hình kinh tế hiện nay.

Chính sách này sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tăng khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh, giúp DN giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Và khi giảm giá hàng hóa thì người dân cũng được thụ hưởng vì có thể tiết kiệm chi tiêu và áp lực lạm phát cũng giảm bớt.

Ước tính nếu áp dụng việc giảm thuế 2% VAT này trong sáu tháng cuối năm 2023, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 24.000 tỉ đồng. Thế nhưng việc giảm thuế VAT không gây thâm hụt nguồn thu mà trong lợi ích dài hạn sẽ gia tăng nguồn thu ngân sách.

Bởi lẽ khi giảm thuế, giá hàng hóa giảm, kích thích được tiêu dùng sẽ có tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

DN bán được sản phẩm, phục hồi trở lại, có lợi nhuận, giúp nhiều người lao động ổn định việc làm, thu nhập thì khoản thuế đóng góp ngược trở lại vào ngân sách sẽ không sợ thiệt. Nhìn xa thì kinh tế phục hồi, tăng trưởng thì nguồn thu mới bền vững.

Trở lại thời điểm tháng 2-2022, khi chính sách giảm VAT áp dụng cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đã góp phần giúp ngành thuế thu cả năm đạt hơn 124% so với kế hoạch.

Và nếu được thông qua và áp dụng từ tháng 7 thì tính ra chỉ còn nửa năm để việc giảm thuế VAT chỉ trong sáu tháng là quá ngắn. Để chính sách giảm thuế này phát huy tối đa hiệu quả, thời gian giảm thuế VAT 2% cần được kéo dài sang tận tháng 6-2024 hoặc đến hết năm 2024.

Còn nếu giảm thuế VAT chỉ nửa năm thì mức giảm cần sâu hơn, từ 10% xuống mức 5% vì chính sách cần thời gian thẩm thấu vào thực tế và “liều thuốc” mới đủ kích thích thị trường.

Bên cạnh đó, công tác quản lý giá phải rất sát sao, bảo đảm giá hàng hóa phù hợp giá thành sản xuất, tránh tình trạng thuế VAT giảm nhưng giá hàng hóa, dịch vụ lại tăng.

Đồng thời, cơ quan thuế các địa phương cần thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ DN về quy định giảm thuế VAT, tránh tình trạng thủ tục vướng mắc, không rõ ràng, mất thời gian để chính sách này đi vào thực tế.

Theo PLTPHCM