Giải bài toán hàng nhập lậu đội lốt hàng Việt

Minh Sơn

Câu chuyện bắt đầu râm ran ngay sau khi các cơ quan báo chí phanh phui vụ Tập đoàn Asanzo dùng hàng Trung Quốc dán mác hàng Việt bị “bóc mẽ”…

Ngay sau đó, các chuyên gia kinh tế cùng đưa ra cảnh báo, sẽ là giai đoạn mà các công ty Việt Nam cần phải tỉnh táo.

Bởi, thực trạng này sẽ là thảm họa nếu các doanh nghiệp cứ để hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc mượn danh hàng Việt Nam, sau đó xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác.

Điển hình, kể từ năm 2016 cho đến nay đã xuất hiện hàng loạt công ty, cụ thể: Trần Thoàn, Nguyên Tuấn, Khải Phong Sài Gòn, Nam Tiến, Việt Nhật… không chỉ nhập panel LCD mà còn nhập nồi cơm điện, máy xay sinh tố, bình thủy, lò nướng… từ Trung Quốc.

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2019, cơ quan này đã bắt giữ 491 vụ vi phạm pháp luật hải quan, hàng hóa vi phạm trị giá hơn 887 tỷ đồng.

Thực trạng về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa tiếp tục diễn biến phức tạp về cả quy mô và tính chất.

Gần đây nhất, ngay sau khi các cơ quan báo chí “phanh phui” về sự việc “râu ông nọ cắm cằm bà kia” với nhãn “Made in Vietnam” đã được dán lên những chiếc tivi Asanzo trong một thời gian dài.

Cái sai nhìn thấy rõ nhất từ phía doanh nghiệp là sự thiếu trung thực trước hết đối với người tiêu dùng và hành động này đã khiến sản phẩm và doanh nghiệp đánh mất niềm tin của người tiêu dùng.

Ti vi Asanzo ngay sau đó đã lập tức bị rời khỏi tất cả quầy, kệ của nhiều hệ thống điện máy trong cả nước.

Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, ở góc độ pháp luật thì một phần nguyên nhân khiến thị trường hàng hóa đang bị “đổi trắng thay đen” và tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn gian dối, có thể lợi dụng khoác lên mình chiếc áo hàng Việt là do Nhà nước chưa có quy định rõ ràng như thế nào mới được gắn nhãn “Sản xuất tại Việt Nam” (“Made in Viet Nam”).

Trải qua 10 hơn năm, Bộ Chính trị đã phát động với lời kêu gọi người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Điều này, thật sự có sức mạnh lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng.

Mặc dù vậy, từ khi phát động đến nay, Bộ Công Thương chưa có một quy định hay thông tư cụ thể nào để giúp người dân có thể định nghĩa chính xác thế nào là hàng Việt.

Ngoài ra, mỗi người tiêu dung hiểu một nghĩa khác nhau do chưa có một định nghĩa rõ ràng thế nào là hàng Việt. Thế nhưng, doanh nghiệp, do không có quy định nên họ tự do gắn lên trên sản phẩm của mình đủ loại nhãn mác như: Xuất xứ Việt Nam, Vietnam Value, Made in Vietnam, Sản xuất tại Việt Nam…

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần tang cường siết chặt các quy chuẩn, quy định cụ thể cho định nghĩa hàng Việt. Điều này, cũng là điều cấp thiết để tránh tình trạng doanh nghiệp lạm dụng kẽ hở, lập lờ trong việc nhập linh kiện từ nước ngoài về, chỉ gia công lắp ráp nhưng sau đó lại đề là sản phẩm của Việt Nam nhằm trục lợi niềm tin của người tiêu dùng.

Theo TS. Phạm Sỹ Thành – Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP), cho rằng, vấn đề hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam tạo ra nguy cơ lớn. Đây cũng là giai đoạn mà các công ty Việt Nam cần phải tỉnh táo.

Thực trạng này sẽ là thảm họa nếu các doanh nghiệp cứ để hàng hóa Trung Quốc mượn danh hàng Việt Nam, sau đó xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác. Đồng thời, Việt Nam cũng chịu nhiều tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, chứ không đơn giản hưởng lợi.

Đó là chủ nghĩa bảo hộ gia tăng gây bất lợi cho nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam; nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc giảm; nhiều mặt hàng của Trung Quốc không thể xuất khẩu sang Mỹ vì thuế cao sẽ được đẩy sang Việt Nam.

TS Thành nhấn mạnh: “Điển hình là xuất khẩu các hàng hóa như điện tử, điện thoại, máy tính…sang Trung Quốc sụt giảm. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong bốn tháng đầu năm nay giảm 5,8% so với cùng kỳ, trong đó điện thoại di động giảm 5,8% và thủy sản giảm 31,5%”.

Như vậy, trong khi chờ đợi các Bộ, ngành xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, thông tư phù hợp với thực tế của xuất xứ hàng Việt, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, thế giới hiện nay là thế giới phẳng, không thể phủ nhận Trung Quốc đang là công xưởng của cả thế giới.

Bản thân Samsung Việt Nam nhập rất nhiều linh kiện từ Trung Quốc và nhiều doanh nghiệp khác cũng làm tương tự. Tuy nhiên, người tiêu dùng quan tâm lúc này chính là sự sòng phẳng, minh bạch thông tin của nhà sản xuất đối với họ.