Gia tăng sáp nhập các cửa hàng tiện lợi

Đinh Dương – Thuỳ Duyên

Hiện nay, thị trường bán lẻ phân khúc cửa hàng tiện lợi đã chứng kiến các thương vụ mua bán và sáp nhập rất rầm rộ và thành công.

Bên cạnh nhiều thương hiệu như Metro, Oceanmart và sắp tới là Fivimart sắp “biến mất” khỏi bản đồ ngành bán lẻ Việt Nam. Theo đó, thị trường bán lẻ Việt Nam trong suốt những năm qua được xem là khu vực đầu tư sinh lợi lý tưởng. Đặc biệt, sau khi hàng loạt các tập đoàn bán lẻ ngoại bước vào và chiếm tới 50% thị phần.

Vào tháng 4 năm 2019, lĩnh vực bán lẻ đã chứng kiện việc chuyển nhượng thành công của Công ty cổ phần Cửa hiệu và Sức sống, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi Shop&Go đã chủ động đề nghị được nhượng lại toàn bộ chuỗi gồm 87 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động cho Công ty VinCommerce, thành viên của Tập đoàn Vingroup, chỉ với giá 1 USD.

Thương vụ chuyển nhượng sẽ được hoàn tất trong tháng 4/2019. Biến động bất ngờ này được xem là con sóng lớn đầu tiên trong năm 2019 – vốn được dự báo sẽ chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt tại mảng bán lẻ.

Theo TS. Lê Huy Khôi – Trưởng Ban Nghiên cứu dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, các DN bán lẻ Việt Nam có thể không bằng được DN ngoại về vốn, về quy mô. Nhưng điểm mạnh của các DN trong nước là nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng cũng như thói quen mua sắm của người dân Việt Nam.

Trong đó, TS. Khôi nhấn mạnh: “Phần lớn người tiêu dùng Việt Nam vẫn ưa cách mua sắm nhanh, tiện lợi do đó, việc lựa chọn điểm đông dân cư, phát triển thị trường ngách  là một cách lựa chọn khôn khéo đối với các DN bán lẻ nội”.

Cùng với đó, theo TS. Lê Huy Khôi, kênh bán lẻ truyền thống vẫn là một trong những kênh bán lẻ góp phần quan trọng trong tổng mức bán lẻ vì thói quen tiêu dùng của người Việt Nam vẫn rất coi trọng chợ truyền thống.

Do đó, trong chiến lược phát triển hệ thống phân phối hiện đại của Bộ Công Thương thời gian tới, chợ truyền thống vẫn có vai trò quan trọng…

Tương tự, một số chuyên gia kinh tế đã nhận định, thị trường bán lẻ đang chứng kiến cuộc đua cạnh tranh khốc liệt, nhất là mảng bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh. Vì vậy, nếu không có chiến lược, chính sách phù hợp, doanh nghiệp sẽ không tồn tại được và hoạt động M&A sẽ diễn ra với tốc độ phát triển nhanh chóng.