Gia tăng buôn bán động vật hoang dã trên mạng
Hành vi giao bán sản phầm từ ngà voi trên Facebook

Những nền tảng kinh doanh“miễn phí” cho phép người dùng dễ dàng liên lạc và có thể duy trì độ bảo mật danh tính đã trở thành một thị trường mở và linh hoạt để thực hiện hành vi trái pháp luật.

Đa dạng sinh học ở Việt Nam đứng thứ 16 trên thế giới. Tuy nhiên tình trạng bảo tồn về đa dạng sinh học hiện nay cũng là một vấn đề cấp bách của quốc gia. Sự suy giảm nguồn tài nguyên rừng bên cạnh nhu cầu sử dụng động vật hoang dã để phục vụ nhu cầu sống của cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng đã đẩy nhiều loài động vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Kết quả đến năm 2007 cho thấy, có ít nhất 4 loài động vật và 1 loài thực vật đã được xem là tuyệt chủng ở Việt Nam như loài Heo vòi, Tê giác 2 sừng, gần đây nhất (2012) là sự tuyệt chủng của loài Tê giác 1 sừng.

Theo báo cáo của Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), nửa đầu năm 2020, ENV tiếp nhận trung bình 8 cuộc gọi do người dân thông báo vi phạm về động vật hoang dã mỗi ngày.

Có đến 47 vụ liên quan đến buôn lậu/vận chuyển/buôn bán lớn động vật hoang dã, 425 vụ việc liên quan đến tàng trữ trái phép động vật hoang dã liên quan tới động vật sống. Trong đó có ít nhất 3 vụ bắt giữ vận chuyển sừng tê giác tổng khối lượng trên 30 kg.

Theo Tổng cục Hải quan, do dịch bệnh Covid, trong những tháng đầu năm 2021, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có chiều hướng giảm hơn so với năm 2020, tuy nhiên trên tuyến hàng không, số vụ vi phạm bị bắt giữ tăng với hàng có giá trị cao, dễ cất giấu như các sản phẩm động vật hoang dã nằm trong danh mục CITES như: ngà voi, vảy tê tê, sừng tê giác.

Đặc biệt, ngày 22/12/2020Cục Hải quan đã bắt giữ vụ vận chuyển sừng tê giác lớn nhất từ trước tới nay, tổng cộng 51 chiếc sừng (qua giám định sơ bộ nghi là sừng tê giác châu Phi), với tổng trọng lượng là 93,96 kg, giá trị lên đến 40 tỷ đồng.

Trong vài năm gần đây, hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã đã dần bắt nhịp với xu hướng số hóa, số lượng các tin bài rao bán động vật hoang dã trên mạng Internet đang gia tăng một cách đáng báo động.

Những nền tảng kinh doanh“miễn phí” cho phép người dùng dễ dàng liên lạc và có thể duy trì độ bảo mật danh tính đã trở thành một thị trường mở và linh hoạt để thực hiện hành vi trái pháp luật.

Chỉ trong năm 2019, ENV đã ghi nhận hơn 2.400 trường hợp quảng cáo động vật hoang dã trên Facebook, YouTube, Zalo, Tiktok và các trang mạng điện tử khác…

Con số này vẫn không có dấu hiệu giảm xuống trong những tháng đầu năm 2020 với 424 vụ vi phạm tính đến hết ngày 30/4/2020. Đây là một trong những thách thức đối với các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn và kiểm soát nạn buôn bán động vật hoang dã.

Hành vi giao bán sừng tê giác công khai trên youtube

Làm gì để giúp tê giác thoát khỏi bờ vực tuyệt chủng?

Tại một số quốc gia, đâu đó vẫn có những niềm tin về khả năng chữa bệnh của sừng tê giác, đặc biệt là khả năng chữa trị ung thư. Từ đó, sừng tê giác được mua bán với mức giá không tưởng. Một bộ phận khác thì muốn sở hữu sừng tê giác để trưng bày hoặc làm quà biếu như một sự chứng minh sự giàu có của mình.

Do đó, biện pháp bảo tồn hiệu quả giúp loài tê giác thoát khỏi bờ vực tuyệt chủng là cần giảm cầu đối với sừng tê giác.

Để giảm cầu sừng tê giác, các cơ quan chức năng cần áp dụng những biện pháp mạnh tay hơn, báo đài cần khai thác thông tin chân thực, không nên dừng lại ở khẩu hiệu “sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh”.

Thực hiện các thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu bình duyệt về những đặc tính y học của sừng tê giác như một bước tiến khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế.

Hiện nay, rất nhiều cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân có văn hoá sống lành mạnh có thể tổ chức, tham gia các hoạt động ủng hộ ngày động vật hoang dã bằng các giải chạy marathon và truyền cảm hứng, chung tay xây dựng tái tạo hệ sinh thái trong các khu bảo tồn.

Ngoài ra, mỗi cá nhân cần trang bị kiến thức đầy đủ, đúng đắn về các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, tiêu dùng thông thái tránh tiếp tay cho những hành vi trái với quy định của pháp luật.

Bộ Luật hình sự sửa đổi đã ban hành các quy định nghiêm khắc và chặt chẽ hơn đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ động, thực vật hoang dã. Cụ thể, pháp nhân hoặc doanh nghiệp bị cáo buộc vi phạm các quy định trên có thể bị xử phạt lên tới 15 tỷ đồng, bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; các cá nhân vi phạm có thể bị kết án đến 15 năm tù và bị phạt lên tới 2 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, vẫn còn những lỗ hổng luật pháp cần được xem xét như việc cá nhân tàng trữ trái phép ít hơn 50g sừng tê giác sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
“Bản án này cho thấy Chính phủ và các cơ quan hành pháp tại Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng trong việc chiến đấu chống lại nạn buôn bán động, thực vật hoang dã” – Bà Sarah Ferguson, Giám đốc Văn phòng tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam, khẳng định.

Chính phủ Việt Nam cần phải thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ nhằm đấu tranh với tội phạm buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng sừng tê giác bằng cách ghiêm túc thực thi các khung hình phạt đối với các hành vi vi phạm, công khai xử lý, phủ sóng thông tin vi phạm trên các kênh truyền thông nhằm răn đe rộng rãi.

Đồng thời xem xét, củng cố luật pháp và các hình phạt liên quan đến buôn bán trái phép sừng tê giác; chấm dứt quảng cáo và buôn bán sừng tê giác trên Internet.

Theo VECOM