Gần 200 đơn vị tham gia sàn thương mại điện tử Kon Tum

Trọng Tâm

Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển nhanh của thương mại điện tử Việt Nam đã trở thành công cụ kinh doanh hữu hiệu cho các doanh nghiệp, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các địa phương, nhất là các tỉnh vùng sâu vùng xa.

Đề cập đến vấn đề này, ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum chia sẻ với phóng viên Tạp chí Thương gia và Thị trường về phát triển kinh tế số, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh nhà.

PV: Xin ông cho biết qua gần năm năm thực hiện Quyết định 1563/ QĐ – TTg ngày 8/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020,  trong thời gian qua tỉnh Kon Tum đã đạt được những kết quả như thế nào”.?

Ông Lê Như Nhất: Thực hiện  Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ, ngay thời điểm đó  UBND tỉnh Kon Tum cũng đã ban hành Quyết định 1269, ngày 26-10-2016, nhằm đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử của tỉnh giai đoạn đoạn 2016-2020.

Với trách nhiệm là cơ quan được tỉnh giao chủ trì, Sở Công thương đã thành lập được sàn giao dịch thương mại điện tử Kon Tum, qua đó đến nay đã mời được 150 doanh nghiệp và 60 hợp tác xã tham gia giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Kon Tum.

Thời gian đầu lãnh đạo sở đã chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm phổ biến rộng rãi đến từng phòng ban của các địa phương, thông qua các kế hoạch tuyên truyền, mở các lớp tập huấn, hội thảo và tạo lập các gian hàng trực tuyến, cũng như tổ chức mời các doanh nghiệp tham gia chương trình phiên bán hàng trực tuyến thông qua sàn thương mại điện tử Kon Tum.

Tuy nhiên hiện nay nguồn nhân lực ứng dụng thương mại điện tử trong các doanh nghiệp hiện vẫn còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp nhỏ còn xem nhẹ vấn đề này cộng với đội ngũ cán bộ chuyên trách thương mại điện tử còn thiếu và yếu, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm, chú trọng giải pháp này trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đây được xem là những bất cập ảnh hưởng đến sự phát triển thương mại điện tử của tỉnh trong thời gian qua.

PV: Vừa qua Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử  quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 (Quyết định 645/QĐ – TTg/ 2020, ngày 15/5/2020 ), qua đó gắn kết chặt chẽ với các chiến lược, chính sách về định hướng phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia được ứng dụng rộng rãi, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và khu vực nông thôn thông qua thương mại điện tử, xin ông cho biết ngành Công thương tỉnh Kon Tum đã triển khai kế hoạch này như thế nào?

Ông Lê Như Nhất: Về kế hoạch này Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cũng đã xây dựng Kế hoạch số 3045/KT-UBND ngày 18 tháng 8 năm 2020 về việc triển khai chương trình thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025, trong đó có một số nhiệm vụ trọng tâm tập trung triển khai thực hiện.

Trước hết là tuyên tuyền, phổ biến và cập nhật về pháp luật liên quan đến hoạt động thương mại điện tử đối với cán bộ quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Kon Tum, thông qua các hoạt động tập huấn, đào tạo, tuyên truyền trên báo chí, phát thanh, truyền hình, báo điện tử…

Tiếp đến là hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, tham gia và triển khai các ứng dụng về thương mại điện tử như: Tiếp tục hỗ trợ miễn phí các doanh nghiệp có sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh tham gia Sàn thương mại điện tử tỉnh Kon Tum, các hệ thống thương mại điện tử trong nước;

Hỗ trợ các sản phẩm đủ điều kiện tham gia bán hàng trên các trang thương mại điện tử lớn của thế giới; Tăng cường giúp doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số ứng dụng thương mại điện tử; Xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ (công nghệ mã vạch, QR code, chip NFC, công nghệ blockchain…)

Về xây dựng hệ thống thương mại điện tử địa phương, bên cạnh duy trì hệ thống thương mại điện tử hiện có của địa phương như sàn thương mại điện tử còn có hệ thống các website thương mại điện tử.

Ngoài ra chúng tôi  cũng kết hợp các chương trình hỗ trợ khác cũng như các Đề án thương mại điện tử quốc gia hình thành và phát triển hệ thống thương mại điện tử địa phương hoàn chỉnh, xây dựng các chuỗi liên kết hàng hóa trong thương mại điện tử và kết nối hệ thống thương mại điện tử địa phương với các tỉnh trong và ngoài nước.

Tuy nhiên để thực hiện tốt hơn lĩnh vực này thì cần có sự tham gia và đồng hành giữa các chương trình phát triển thương mại điện tử địa phương và Trung ương, cũng như sự giúp đỡ của các ngành, các cấp trong việc phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.

Song song với đó, các cơ quan và chính quyền các cấp, các doanh nghiệp trong tỉnh cần phải quan tâm nhiều hơn nữa trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin  vào hoạt động của đơn vị mình, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là Khối doanh nghiệp nhận thức đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh, chăm sóc khách hàng, quảng bá giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

PV: Xin ông cho biết quá trình triển khai trong thời gian qua cũng như sắp tới có gặp những khó khăn hay bất cập gì không?

Ông Lê Như Nhất: Có những khó khăn mà ngành Công thương thường gặp trong quá trình triển khai. Thứ nhất, nguồn nhân lực ứng dụng thương mại điện tử trong các doanh nghiệp như đã nói, hiện vẫn còn hạn chế, đội ngũ cán bộ chuyên trách thương mại điện tử còn thiếu và yếu, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm, chú trọng công tác ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, công nghiệp công nghệ thông tin tại địa phương chưa phát triển, hiện tại các doanh nghiệp phát triển các phần mềm ứng dụng, các doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực công nghệ thông tin chủ yếu là làm dịch vụ, cung cấp sản phẩm với quy mô nhỏ lẻ.

Nhân lực công nghệ thông tin chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh, thiếu cơ sở đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin.

Kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử của địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế phát triển thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, việc triển khai ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp mới ở giai đoạn đầu nên hiệu quả chưa cao, chưa theo kịp và tương xứng với yêu cầu phát triển chung của cả nước.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và bộ phận thanh niên khởi nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của tình hình mới trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.

PV: Ngoài các vấn đề nêu trên, xin ông có những ý kiến thêm gợi mở cho phóng viên chủ đề để có các bài viết phản ánh được rõ nét tổng quan về vấn đề thực trạng và giải pháp về phát triển kinh tế chung của tỉnh Kon Tum trong năm 2021 và những năm tiếp theo?      

Ông Lê Như Nhất: Trong thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, tập trung tháo gỡ khó khăn, khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ, trong đó có kênh ứng dụng thương mại điện tử  và đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử trong hoạt động giao nhận hàng hóa là sản phẩm nông lâm sản của tỉnh là một vấn đề rất quan trọng và cấp thiết hiện nay.

Trong các giải pháp phát triển thương mại điện tử của địa phương giai đoạn 2021 – 2025 có những nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia ứng dụng thương mại điện tử, và đẩy mạnh các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân cũng là nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Công thương tỉnh đang triển khai nhằm tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản tiếp cận với các hoạt động thương mại điện tử.

Tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp hình thành các hình thức giao dịch trực tuyến, giao dịch không dùng tiền mặt. Hỗ trợ các giải pháp về logistic trong giao hàng, cũng như khai thác các cổng thông tin xuất khẩu trong nước cũng như thị trường ngoài nước nhằm giúp cho doanh nghiệp mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, một trong những bất cập trong thời gian qua đó là hành lang pháp lý về các vấn đề tài chính và thuế  trong hoạt động thương mại điện tử còn nhiều bất cập, bên cạnh đó cần đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử, đã gây nên những thiệt hại không nhỏ cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này, chúc ông ông năm mới nhiều sức khỏe, chúc ngành Công thương tỉnh Kon Tum năm 2021 gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.!