Facebook đang xây dựng cơ sở hạ tầng internet mới của Đông Nam Á

Thu Hương

Facebook đang có kế hoạch xây dựng hai tuyến cáp mới dưới biển với các đối tác để kết nối Indonesia, Singapore và Hoa Kỳ, đồng thời tăng cường dung lượng internet ở Đông Nam Á.

Mạng xã hội này sẽ hợp tác với Google và công ty viễn thông XL Axiata của Indonesia trên Echo, một tuyến cáp dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.

Công ty sẽ hợp tác với Telin, một công ty con của Telkom, Indonesia và tập đoàn Keppel của Singapore để phát triển một tuyến cáp riêng biệt có tên Bifrost, sẽ được hoàn thiện vào năm 2024.

Người phát ngôn của Facebook, người đã xác nhận kế hoạch với KrASIA, nói rằng công ty hợp tác với nhiều đối tác Indonesia và toàn cầu “để đảm bảo mọi người đều được hưởng lợi từ việc phát triển cơ sở hạ tầng quy mô và chuyên môn công nghệ được chia sẻ.”

Echo và Bifrost sẽ là những tuyến cáp xuyên Thái Bình Dương đầu tiên đi qua một tuyến đường đa dạng mới băng qua Biển Java và sẽ tăng công suất tổng thể xuyên Thái Bình Dương lên 70%, công ty cho biết.

“Những dự án này sẽ mang lại lợi ích cho mọi người trong khu vực và hỗ trợ tham vọng trở thành một trung tâm kỹ thuật số mới của Indonesia. Khi hoàn thành, các tuyến cáp này sẽ cung cấp dung lượng internet, khả năng dự phòng và độ tin cậy rất cần thiết trên khắp Indonesia, đồng thời hỗ trợ sự phát triển hơn nữa của 4G, 5G và truy cập băng thông rộng cho người dân và doanh nghiệp” người phát ngôn nói thêm

Facebook là nền tảng mạng xã hội được sử dụng rộng rãi nhất ở Đông Nam Á với khoảng 241 triệu người dùng trong khu vực, chiếm khoảng 60% trong số 400 triệu người Đông Nam Á đang trực tuyến.

Công ty đã đầu tư đáng kể để thu hút nhiều người dùng hơn đến với các nền tảng của mình, bao gồm Instagram và WhatsApp.

Vào tháng 9 năm 2018, công ty thông báo sẽ xây dựng một trung tâm dữ liệu ở Singapore với trị giá khoảng 1 tỷ đô la, đầu tiên ở châu Á. Cơ sở này dự kiến sẽ mở cửa vào năm tới và được thiết kế để trở thành “một trong những cơ sở tiên tiến và tiết kiệm năng lượng nhất trên thế giới”, công ty cho biết.

Công nghệ Hoa Kỳ đi sau

Facebook cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào Indonesia, nơi có 140 triệu người dùng, con số cao thứ ba trên toàn thế giới tính đến tháng 1 năm 2021, theo Statista.

Vào năm 2020, công ty đã công bố một số sáng kiến ​​để thúc đẩy cơ sở hạ tầng internet địa phương, bao gồm 3.000 km cáp quang trên 40 thành phố ở sáu tỉnh và các điểm phát WiFi công cộng bổ sung ở Greater Jakarta và Bali.

Facebook cũng nắm cổ phần trong chi nhánh thanh toán GoPay của Gojek, mặc dù liên minh này được cho là đang gặp khó khăn gần đây.

Nền kinh tế Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng, được thúc đẩy bởi dân số trẻ và di động. Theo Claude Achcar, đối tác quản lý của Actel Consulting, đây là điều thu hút những gã khổng lồ internet toàn cầu chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.

Ông cho biết, Alibaba là công ty đầu tiên mở một trung tâm dữ liệu ở Indonesia cách đây ba năm. Google đã ra mắt “khu vực đám mây” tại quốc gia này vào năm ngoái, trong khi Amazon Web Services theo sau với “edge location” (lưu trữ và phân phối data thông qua các trung tâm mạng lưới dữ liệu trên toàn thế giới) đầu tiên vào tháng trước. “Người Mỹ cần đẩy mạnh đầu tư để đạt được lợi thế” Achcar nói

Xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số

Kế hoạch mạng cáp ngầm xuất hiện ngay sau khi Facebook báo cáo hủy bỏ một dự án tương tự có thể kết nối California với Hong Kong và Đài Loan, trong bối cảnh lo ngại về an ninh và áp lực từ chính phủ Hoa Kỳ.

Mặc dù Facebook không tiết lộ chính phủ nào tham gia vào các dự án mới, nhưng Achcar cho rằng nó sẽ đưa gã khổng lồ công nghệ đến gần hơn với chính quyền địa phương.

“Facebook và Google có túi tiền lớn hơn và có thể đủ khả năng đầu tư với tầm nhìn dài hạn,” ông nói. “Những khoản đầu tư này cũng sẽ tiếp cận các khu vực xa xôi và cho đến nay chưa được phục vụ, điều này hấp dẫn các chính phủ”.

Achcar còn tin rằng khoản đầu tư của Facebook sẽ khiến những công ty khác làm theo. “Cho đến nay, các công ty internet Trung Quốc vẫn chưa xây dựng cáp ngầm, nhưng tôi nghĩ điều này có thể thay đổi trong tương lai không xa,” ông nói.

“Hiện tại, họ là những nhà đầu tư lớn vào các trung tâm dữ liệu và nền tảng điện toán đám mây trong khu vực, và cả trong hệ sinh thái địa phương”. Ông cho biết, các chính phủ Đông Nam Á không nên đứng về phía nào và hoan nghênh tất cả các khoản đầu tư vì chúng rất quan trọng đối với nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực.