Facebook bỏ sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt

T. Giang

Facebook đã thông báo sẽ không còn sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt để nhận diện mặt người trong ảnh và video

Ngày càng có nhiều lo ngại về khía cạnh đạo đức của công nghệ nhận dạng khuôn mặt với những câu hỏi được đặt ra về quyền riêng tư, thành kiến ​​chủng tộc và tính chính xác.

Các nhà quản lý vẫn chưa đưa ra một bộ quy tắc rõ ràng về việc này nên được dùng như thế nào, công ty cho biết.

Phần mềm nhận dạng khuôn mặt đã đối mặt với hàng loạt chỉ trích về tác động của nó lên người dùng.

Cho đến hiện tại, người dùng các ứng dụng truyền thông xã hội có thể chọn tham gia tính năng quét khuôn mặt của họ trong ảnh và thông báo cho họ nếu ai đó đăng ảnh của họ.

Trong một bài đăng trên blog, Jerome Pesenti, phó chủ tịch phụ trách trí tuệ nhân tạo của công ty nói: “Giữa những bất định đang diễn ra này, chúng tôi tin rằng việc hạn chế sử dụng nhận dạng khuôn mặt xuống chỉ trong một số trường hợp nhất định là phù hợp.”

Vào năm 2019, một nghiên cứu của chính phủ Mỹ cho thấy các thuật toán nhận dạng khuôn mặt kém chính xác hơn nhiều trong việc xác định khuôn mặt người Mỹ gốc Phi và Châu Á so với người da trắng.

Theo nghiên cứu do Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia thực hiện, phụ nữ Mỹ gốc Phi thậm chí còn bị nhận dạng sai nhiều hơn.

Năm ngoái, Facebook cũng đã giải quyết một tranh chấp pháp lý kéo dài về cách thức quét và tag vào ảnh.

Vụ án này diễn ra từ năm 2015 và công ty đã chấp nhận trả 550 triệu đôla cho một nhóm người dùng ở Illinois, những người cho rằng công cụ nhận dạng khuôn mặt đã vi phạm luật riêng tư của tiểu bang.

Các công ty công nghệ khác như Amazon và Microsoft đều đã cho ngưng việc bán sản phẩm nhận dạng khuôn mặt cho cảnh sát vì việc sử dụng công nghệ này đang ngày càng gây tranh cãi.

Facebook, nắm quyền điều hành mạng xã hội lớn nhất thế giới, đồng thời cũng sở hữu Instagram và dịch vụ nhắn tin Whatsapp, đã phải chịu áp lực ngày càng gia lớn từ các nhà quản lý và chính trị gia.

Facebook đang phải đối mặt với sự giám sát gia tăng từ các cơ quan quản lý bao gồm cả Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ, nơi đã đệ đơn kiện chống độc quyền cáo buộc các hành vi phản cạnh tranh.

Và tháng trước, một cựu nhân viên đã cáo buộc công ty về hành vi trái đạo đức. Frances Haugen đã công bố một số tài liệu nội bộ vốn được giấu kín mà theo bà là cho thấy việc Facebook đặt lợi nhuận lên trên an toàn của người dùng.

Giám đốc điều hành Mark Zuckerburg nói những lời của bà Haugen là một phần của nỗ lực phối hợp nhằm “tô vẽ một bức tranh sai lệch” về công ty.

Công ty gần đây đã công bố tên mới, Meta, cho công ty mẹ sau một loạt các vụ việc tiêu cực về Facebook.

Ông Zuckerberg cho biết thương hiệu hiện tại không thể “đại diện được cho mọi thứ mà chúng ta đang làm hôm nay, chứ đừng nói đến tương lai” và cần phải được thay da đổi thịt.