Đột phá trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực Thương mại điện tử

PV

Thương mại điện tử phát triển nhanh chóng và trở thành xu hướng tất yếu của thị trường trong thời đại số hiện nay. TMĐT mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và khách hàng mở rộng quy mô thị trường, tối ưu hoạt động kinh doanh…

Tuy nhiên, thương mại điện tử cũng gặp phải nhiều thách thức và rủi ro như: an ninh và bảo mật thông tin, chất lượng dịch vụ, pháp lý, thuế, văn hóa và thói quen tiêu dùng…

Do đó việc hiểu nắm vững kiến thức để vận hành, hoạt động thương mại điện tử là rất cần thiết. Vì nếu không có kiến thức sẽ làm tổn thất cho doanh nghiệp.

Trước thực trạng như vậy để đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử và kinh tế số. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số. Tổ chức chương trình tập huấn giảng viên nhằm hỗ trợ hoạt động đào tạo về nền tảng số và trí tuệ nhân tạo tại các trường đại học trên cả nước trong tháng 6/2023.

Theo Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, nhiệm vụ đối với TMĐT. Cùng với Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 chỉ rõ nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục đại học.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố then chốt. Đào tạo kiến thức, kỹ năng thương mại điện tử cho giáo viên các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, phát triển mạng lưới giảng viên, chuyên gia có kinh nghiệm về giảng dạy, truyền đạt kiến thức, kỹ năng về thương mại điện tử.

Đồng thời Tăng cường thực hành trong đào tạo các chuyên ngành công nghệ số, kinh tế số, xã hội số, đưa các nền tảng số, công nghệ số, đặc biệt là các nền tảng số của Việt Nam, công nghệ mở vào giới thiệu trong các chương trình đào tạo để sinh viên có điều kiện thực hành và tiếp cận thực tế”.

Để góp phần thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ đó, VECOM phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức Chương trình tập huấn giảng viên giảng dạy thương mại điện tử, kinh doanh số, kinh tế số và các ngành, chuyên ngành liên quan gồm ba khoá, được tổ chức tại ba khu vực và diễn ra vào các ngày cụ thể tại Hà Nội (5-6/6/2023), Đà Nẵng (7-8/6/2023) và Tp. Hồ Chí Minh (9-10/6/2023) với những mục tiêu sau:

Hỗ trợ giảng viên tiếp cận các chính sách, xu hướng mới của kinh doanh số và công nghệ liên quan tới đào tạo ngành thương mại điện tử, hỗ trợ các trường bổ sung, sửa đổi chương trình đào tạo, bài giảng, học liệu, thực tập và kiến tập cho sinh viên.

Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của giảng viên, đóng góp cho hoạt động xây dựng chính sách và pháp luật về kinh tế số, thương mại điện tử và đào tạo thương mại điện tử.

Thắt chặt quan hệ giữa các trường đại học, thúc đẩy sự hợp tác trong xây dựng và cải tiến chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng học liệu, trao đổi giảng viên.

Tạo lập mối liên kết giữa các trường đại học với các cơ quan hoạch định chính sách và pháp luật, các tổ chức và doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Chương trình tập huấn được tổ chức theo hướng tương tác mở, khuyến khích trao đổi, tranh luận giữa các học viên với khách mời và báo cáo viên theo ba chủ đề chính.

(1) Trao đổi, thảo luận các giải pháp nhằm nhanh chóng giới thiệu các nền tảng số nổi bật và trí tuệ nhân tạo (AI) vào chương trình đào tạo thương mại điện tử và kinh tế số.

(2) Trao đổi các chính sách và pháp luật hiện tại cũng như dự kiến ban hành về kinh tế số và thương mại điện tử tác động thế nào tới chương trình đào tạo.

(3) Thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học, cơ quan quản lý, hiệp hội và doanh nghiệp.

Các khoá tập huấn này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, bao gồm Vụ Kinh tế số (Bộ Thông tin và Truyền thông), Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Traffic, Shopee và các nền tảng số hàng đầu cũng như các công ty cung cấp các giải pháp về trí tuệ nhân tạo.

Đặc biệt, chương trình này là kết quả hợp tác chặt chẽ của hai đơn vị tổ chức cùng Mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử (VecomNet). Được thành lập từ giữa năm 2022, tới nay mạng lưới này đã có trên 30 thành viên là các trường đại học tiên phong trong đào tạo thương mại điện tử ở nước ta.

Các đối tượng tham gia chương trình này bao gồm lãnh đạo các trường, khoa và giảng viên giảng dạy các ngành, chuyên ngành hay học phần thương mại điện tử, kinh doanh số, kinh tế số, hệ thống thông tin quản lý, tiếp thị số, logistics.

Sau khi kết thúc khóa đào tạo, các học viên tham gia sẽ được cấp Chứng nhận về tham gia Chương trình tập huấn giảng viên giảng dạy thương mại điện tử, kinh doanh số, kinh tế số năm 2023 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương cấp.