Nạn nói xấu, bêu riếu, vu khống, trục lợi trên mạng xã hội đã lan tràn như một bệnh dịch và gây nhiều tổn hại cho cá nhân lẫn doanh nghiệp

Mạng xã hội càng phát triển thì mặt trái của nó càng bị kẻ xấu lợi dụng. Nói xấu, đặt chuyện, vu khống “đối thủ” hoặc doanh nghiệp (DN) trên mạng xã hội chưa bao giờ dễ như lúc này.

Vu khống trên mạng, thiệt hại ngoài đời

Hồi tháng 7 rồi, lần đầu tiên, 1 DN tại TP HCM là Công ty TNHH Sakura Beauty Việt Nam tổ chức họp báo nói rõ DN mình là nạn nhân của hiện tượng bôi xấu trên mạng xã hội.

Tại buổi họp báo, bà Trương Thị Nguyệt, Giám đốc công ty, cho biết đã làm đơn tố cáo gửi Bộ Công an, Công an TP HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM và nhiều cơ quan khác vì bị một tài khoản Facebook mang tên Diệp Xuân Hạ nói xấu nguồn gốc, sản phẩm của Sakura Nhật Bản, gây ảnh hưởng tới uy tín công ty từ tháng 2-2019.

“Sau khi bị bôi xấu, chúng tôi đã thực hiện lập vi bằng đối với các hành vi sai phạm và gửi đơn tố cáo đến nhiều cơ quan chức năng. Mặc dù những thông tin bịa đặt được chia sẻ trên môi trường ảo và đã được tài khoản Facebook Diệp Xuân Hạ gỡ bỏ nhưng thiệt hại của DN lại là thật vì khách hàng hoài nghi sản phẩm, kế hoạch kinh doanh bị ảnh hưởng” – bà Nguyệt nói.

Hồi tháng 8-2016, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Trần Tuấn Vĩnh (trú huyện Quỳ Hợp) về hành vi cung cấp nội dung sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự cá nhân.

Lý do xử phạt là trước đó, Trần Tuấn Vĩnh bị Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) tố cáo đã đăng tải trên Facebook (nickname Viet Dai) thông tin sai sự thật:

“Công ty Bia Hà Nội đã chính thức thừa nhận 73% cổ phần công ty đều do Trung Quốc nắm quyền. Sau khi công ty bị bán, công nhân người Việt Nam làm việc cho Công ty Bia Hà Nội cũng bị sa thải và thay thế bằng người Trung Quốc.”

“Vừa qua, lực lượng chức năng cũng bắt giữ một xe chở men bia Trung Quốc của Công ty Bia Hà Nội. Qua quá trình kiểm tra công ty đã không đưa ra được giấy tờ và nguồn gốc xuất xứ. Bắt buộc phải niêm phong chờ làm rõ…”.

Từ đơn tố cáo của Habeco, Bộ Công an đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Nghệ An tiến hành điều tra, xác định Trần Tuấn Vĩnh đăng tải nội dung trên chỉ vì muốn những người thân quen chỉ sử dụng loại bia mà gia đình Vĩnh làm đại lý.

Cũng trong năm 2016, Pepsi bị “tai nạn” khi mạng xã hội đăng tin thất thiệt 15 học sinh ở Tuyên Quang bị ngộ độc nước uống Sting (của Công ty Pepsi Việt Nam), trong đó 2 em tử vong, 13 em có biểu hiện bất thường, phải nhập viện (thực tế hình ảnh bệnh nhân nằm viện đăng trên Facebook được lấy từ một trang web ở Pakistan, hình ảnh đám tang 2 học sinh tử vong cũng là giả mạo).

Đến năm 2018, công ty này lại bị tài khoản Facebook Nguyễn Công Minh tung thông tin anh suy thận nặng là do thời gian dài đều đặn uống 3 chai Sting mỗi ngày.

Dù chưa được kiểm chứng thực hư thế nào nhưng chỉ sau 6 ngày đăng tải, bài viết đã nhận được 93.600 lượt xem và 65.114 lượt chia sẻ.

Mạo danh để trục lợi

Hồi tháng 10 năm ngoái, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình xuất hiện tin đồn về việc Phòng Giao dịch Hòn La – thuộc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Bắc Quảng Bình – bị phá sản.

Ngay sau khi có tin đồn, BIDV khẳng định đây là tin bịa đặt nhằm mục đích xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng nên đã báo cáo Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Bình. BIDV cũng phối hợp với cơ quan công an điều tra đối tượng tung tin đồn bịa đặt, có văn bản báo cáo Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngân hàng là một trong những lĩnh vực thường xuyên bị mạo danh nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo bởi các đối tượng tội phạm công nghệ cao.

Thời gian gần đây, các ngân hàng liên tục phát cảnh báo về việc các trang mạng, website, trên mạng xã hội mạo danh website của ngân hàng để dụ khách hàng truy cập vào nhằm đánh cắp thông tin.

Không ít khách hàng đã bị lừa khi truy cập vào các đường link giả mạo, lừa đảo và bị đánh cắp thông tin tài khoản, mất tiền trong tài khoản… Dù là giả mạo nhưng thông tin này ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín của không ít ngân hàng.

Ở lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, Saigon Co.op từng phải lên tiếng “đính chính” là không bán hàng trên Facebook, bởi có nhiều tài khoản Facebook cố tình giả mạo hoặc gắn tên các siêu thị Co.opmart để bán hàng kém chất lượng.

Ngay sau khi phát hiện, Saigon Co.op đã nhanh chóng báo cáo (report) để Facebook xóa các tài khoản giả này nhưng số các trang tương tự lại xuất hiện ngày càng nhiều, buộc Saigon Co.op phải cầu cứu các cơ quan chức năng.

Bóc mẽ, dìm hàng đối thủ không thương tiếc

Hơn một năm trước, mạng xã hội từng dậy sóng vì cuộc chiến giữa 2 nhãn hiệu Milo và Ovaltine.

Chiến lược marketing của hai bên theo hướng “chỉ thẳng mặt” đối thủ và có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh và cách thức sử dụng truyền thông, mạng xã hội… đã khiến cho cả 2 thương hiệu gánh chịu các ý kiến trái chiều.

Thời điểm đó, ngay khi Milo đặt slogan “Nhà vô địch làm từ Milo” với phông xanh lá thì đối thủ Ovaltine đặt biển quảng cáo với kích cỡ to hơn kèm dòng chữ “Chẳng cần nhà vô địch, chỉ cần con thích’’.

Một trong 2 nhãn hiệu còn được cho là đã nhờ các KOLs (những người có tầm ảnh hưởng) đăng bài viết trên tài khoản Facebook cá nhân hoặc Fanpage “đá xéo” slogan của đối thủ. Thậm chí, phía Ovaltine còn được cho cố tình chỉ trích Milo đi theo “căn bệnh thành tích”.

Trong hình ảnh quảng cáo của Ovaltine, các cậu bé, cô bé thuộc “Team xanh” (mang màu thương hiệu Milo) thường trong tinh thần thi đấu, bị ám ảnh bởi đối thủ, huy chương vàng, thứ bậc… còn “Team đỏ” (màu thương hiệu Ovaltine) trong trạng thái thích thú, hưng phấn, tìm tòi, khám phá với khẩu hiệu “Năng lượng hạnh phúc của Ovaltine”.

Công ty mẹ (Nestlé) của nhãn Milo đã gửi công văn đến các cơ quan quản lý đề nghị xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm Luật Quảng cáo đối với đối thủ FrieslandCampina (đơn vị sở hữu Ovaltine).

Nestle cho rằng chiến dịch quảng bá sản phẩm theo kiểu “dìm hàng” trên các kênh từ online, offline, mạng xã hội… đã vi phạm pháp luật Việt Nam và gây thiệt hại trực tiếp cho mình.

Chưa kể, FrieslandCampina còn bị tố sao chép trái phép ý tưởng của Nestlé, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng… Tuy nhiên, đến giờ, người tiêu dùng vẫn chưa rõ bản chất vụ lùm xùm này.

Ngoài ra, những hành vi “bóc mẽ” đơn vị khác khi chưa có sự trao đổi, đối soát lại cũng là hành vi bị đánh giá là “chơi chưa đẹp”.

Hồi tháng 6-2019, Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt – First News họp báo công bố tình trạng sách giả, sách in lậu chất lượng kém được tiêu thụ trên không gian mạng, trong đó có các sàn thương mại điện tử (TMĐT) Lazada, Shopee, Sendo. First News cũng cho biết đã gửi cảnh báo nhiều lần đến các sàn nhưng dường như không được quan tâm.

Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào thời điểm đó, các sàn nêu trên đều khẳng định không hề nhận được cảnh báo của First News về việc sách giả, sách in lậu được tiêu thụ công khai trên sàn như thông tin công bố của công ty sách này.

“Nếu phía First News phát hiện có sách giả được bày bán và có thông báo đến chúng tôi thì chúng tôi sẵn sàng rà soát để xử lý. Tiếc là đơn vị này không thông báo cho chúng tôi, cũng không hề mời chúng tôi đến họp báo” – đại diện một sàn bức xúc.

Theo NLĐ

Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/doanh-nghiep-khon-don-vi-bi-noi-xau-20191208224407733.htm