Ngành bán lẻ và bài toán khẳng định chỗ đứng hàng Việt Nam

Minh Sơn – Thuận Lợi

Qua hơn 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt hiện đã có những bước đột phá rất đáng kể tại thị trường nội địa. Thế nhưng, vẫn còn bộc lộ nhiều thách thức nhằm đòi hỏi cần các biện pháp nhằm để hàng Việt có chỗ đứng vững trên thị trường.

Việc của Big C ra thông báo tạm dừng nhập hàng may mặc của nhà cung cấp Việt Nam với lý do tái cơ cấu hoạt động, hay trước đó chưa lâu nhà bán lẻ Pháp Auchan rút chân khỏi thị trường là những biểu hiện cho thấy sự chật vật để cạnh tranh của một số nhà bán lẻ ngoại hiện nay.

Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2019, thị trường bán lẽ Việt Nam lại chứng kiến sự tăng tốc mở rộng độ phủ của các doanh nghiệp bán lẻ nội thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập M&A. Điều này khẳng định, bức tranh thị phần đã có sự thay đổi đáng kể với ưu thế nghiêng về doanh nghiệp nội.

Mảng siêu thị – đại siêu thị, nhà bán lẻ Việt đang chiếm gần 70% số điểm bán. Cùng với đó, trung tâm thương mại cũng áp đảo khi riêng cái tên VinCommerce đã chiếm hơn 60% điểm bán rộng khắp cả nước.

Đồng thời, với mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đang ngày càng phát triển mạnh, con số này cũng áp đảo với gần 80% số điểm bán là của VinCommerce, Thế giới di động và Satrafoods…

Sau giai đoạn được các tỷ phú nước ngoài thâu tóm, kết quả kinh doanh của các chuỗi như Big C hay MM Mega Market lại có dấu hiệu sa sút tại thị trường Việt Nam.

Lợi nhuận một số siêu thị của Big C sụt giảm 10% so với giai đoạn trước khi chuyển giao. MM Mega Market báo lỗ hơn 100 tỷ đồng. Trong khi một đại gia bán lẻ khác là Lotte Mart cũng báo lỗ lũy kế 800 tỷ đồng.

Các nhà bán lẻ nội đã thống kê và có kết quả phần nào khả quan hơn. Trong năm 2018, công ty mẹ Saigon Coop vẫn đạt lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo giới quan sát, vẫn chưa thể nói rằng nhà bán lẻ nội đã kinh doanh hiệu quả hơn so với doanh nghiệp ngoại.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, dù sở hữu độ phủ ít hơn nhưng doanh nghiệp nước ngoài lại nổi trội hơn về khả năng áp dụng các phương thức bán lẻ mới, hiện đại để thu hút người tiêu dùng Việt Nam.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, hàng Việt vẫn đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức. Áp lực cạnh tranh ngày càng cao do sự thâm nhập, cạnh tranh mạnh mẽ của hàng hóa nhập khẩu từ các nước tham gia các FTA, tâm lý sính hàng ngoại còn tồn tại ở một số bộ phận người tiêu dùng nhất là người có thu nhập cao.

Hoạt động mở rộng và thâu tóm hệ thống phân phối hiện đại của doanh nghiệp nước ngoài khiến hàng Việt mất dần chỗ đứng.

Bên cạnh đó, còn có một số doanh nghiệp, nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận, vì lợi ích trước mắt làm ăn gian dối sản xuất hàng hóa kém chất lượng, đưa ra tiêu thụ gây mất lòng tin của người tiêu dùng.

Sản phẩm nông sản thực phẩm đang đối mặt với các thách thức lớn như chưa kiểm soát được dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, dư lượng kháng sinh, kích thích tăng trưởng, hóa chất bảo quản… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Để hàng Việt Nam thực sự có chỗ đứng ngày trên sân nhà, bên cạnh hệ thống phân phối, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng phải đặt chất lượng, chữ tín lên hàng đầu.