Điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư

Thanh Tuấn

Cụm công nghiệp Mỹ Phước Tây được khởi công xây dựng trên khu đất thuộc ấp Long Phước, xã Mỹ Phước Tây, TX Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Đây là một trong những vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Khu vực có vị trí địa lý, kinh tế, chính trị thuận lợi nằm cách thành phố Hồ Chí Minh 70 km về hướng Nam, cách thành phố Cần Thơ 90 km về hướng Bắc. Là cửa ngõ giao thương giữa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ.

Dự án được công nhận, cấp giấy phép theo quyết định số 5043/QĐ-UBND ngày 24/12/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc phê duyệt Quy hoạch ngành công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020.

Danh mục quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp (CCN) dự kiến sau khi rà soát giai đoạn 2013 – 2020 của Bộ Công Thương theo Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/03/2012; Quyết định số 1340/QĐ-UBND ngày 28/5/2015 Quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thị xã Cai Lậy đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 2157/2013/QĐ-UBND ngày 05/9/2013 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Cai Lậy đến năm 2030.

CCN Mỹ Phước Tây được quy hoạch hiện đại, thân thiện với môi trường. Định hướng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm hệ thống đường giao thông nội bộ và giao thông đối ngoại, nhà máy cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, trạm y tế, hệ thống thông tin liên lạc… và các dịch vụ phục vụ khu công nghiệp.

Cụm công nghiệp Mỹ Phước Tây chụp qua vệ tinh

Với diện tích khoảng 50 ha, CCN Mỹ Phước Tây rất thuận lợi về giao thông, cả đường bộ lẫn đường thủy. Khu vực có vị trí chiến lược khi nằm giữa hai trung tâm kinh tế năng động nhất Việt Nam là Thành phố Hồ Chí Minh với nguồn lực dồi dào về tài chính, khoa học kỹ thuật, lao động cao cấp và thành phố Cần Thơ là đô thị hạt nhân hiện đại và phát triển nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, CCN Mỹ Phước Tây có vị trí nằm tại Thị xã Cai Lậy, vùng đất với định hướng phát triển trở thành đô thị trung tâm phía Tây của tỉnh, hình thành trục phát triển kinh tế – đô thị Cai Lậy – Mỹ Tho – Gò Công.

Thị xã Cai Lậy được xem là trung tâm giao lưu kinh tế quan trọng từ vùng Nam sông Tiền và vùng Đồng Tháp Mười hướng về TP Mỹ Tho và TP HCM. Mặt khác, Tiền Giang còn có 32 km bờ biển và hệ thống các sông Tiền, sông Vàm Cỏ Tây, sông Soài Rạp, kênh Chợ Gạo… nối liền các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh và là cửa ngõ ra biển Đông của các tỉnh ven sông Tiền và Campuchia.

Hạ tầng giao thông phát triển, thuận lợi giao thông thủy, bộ – nhất là từ khi đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương đi vào hoạt động, đã rút ngắn đáng kể thời gian đi lại giữa TP Hồ Chí Minh – Tiền Giang nên có thể xem Tiền Giang là vùng ngoại vi của TP Hồ Chí Minh; trong khi đó, là một tỉnh đất hẹp, người đông, tỷ lệ lao động qua đào tạo không ngừng được nâng lên, đã tạo cho Tiền Giang có nhiều thuận lợi trong việc thu hút đầu tư cũng như phát triển thương mại, dịch vụ.

CCN Mỹ Phước Tây với tổng vốn đầu tư dự kiến hàng trăm tỷ đồng, sẽ là điểm đến chiến lược, lựa chọn tối ưu cho các nhà đầu tư và xuất nhập khẩu tại khu vực phía Nam.

Vị trí đắc địa sẽ giúp các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp Mỹ Phước Tây dễ dàng tận dụng hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, thị trường tiêu thụ của TP.HCM, thuận lợi khi nhập nguyên liệu và xuất khẩu thành phẩm ra vào.

Được biết, CCN Mỹ Phước Tây đang trong thời gian thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là cơ hội, điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, mang lại việc làm cho hàng nghìn công nhân.