Để thu thuế thương mại điện tử xứng tiềm năng

Sau tám tháng triển khai,có 42 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuếvà nộp thuế qua cổng thông tin điện tử từ nhiều quốc gia.

Đây là tín hiệu đáng mừng. Thế nhưng làm thế nào để thu thuế thương mại điện tử xứng với tiềm năng vẫn là bài toán không hề dễ.

Sáu nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) lớn là Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT) đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam.

Trong tổng số thuế mà các đơn vị nộp hơn 3.444 tỉ đồng có 1.900 tỉ đồng được các NCCNN khai, nộp trực tiếp qua cổng thông tin điện tử (TTĐT)dành cho NCCNN. Phần còn lại do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay (Facebook là 1.748 tỉ đồng, Google là 979 tỉ đồng).

Đây là một bước chuyển quan trọng khẳng định hiệu quả thu thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.

Tuy nhiên, với mục tiêu đến năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GDP của Việt Nam, tổng số thuế thu được như trên vẫn còn khiêm tốn. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc từng khẳng định: “Chúng ta đang thất thu rất lớn đối với sàn TMĐT và kinh doanh công nghệ”.

Thực tế, công tác quản lý thuế vẫn chưa kiểm soát được lĩnh vực TMĐT đang bùng nổ mạnh mẽ. Làm thế nào để thực hiện thu thuế đối với các hoạt động TMĐT như giao dịch qua hệ thống P2P (giữa khách hàng với khách hàng), các phần mềm trao đổi vẫn là thách thức.

Chưa kể hình thức quảng cáo trên mạng xã hội nhưng thanh toán bằng tiền mặt rất khó kiểm soát.

Mặt khác, không ít trường hợp kinh doanh TMĐT mang tính nhỏ lẻ, không đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, không xác định được địa điểm, thời gian kinh doanh.

Có nhiều trường hợp sử dụng website để bán hàng nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai doanh thu tính thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp…

Ước tính doanh thu TMĐT Việt Nam đạt 35 tỉ USD vào năm 2025, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Như thế có thể khẳng định nguồn thu ngân sách từ TMĐT sẽ tăng lên rõ rệt nếu chínhsách thuế được hoàn thiện và công tác thực thi phát huy hiệu quả.

Ngày 1-10, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 889 về nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thiện cơ sở pháp lý; chia sẻ dữ liệu chung; xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia; phối hợp thu thuế và thu các khoản khác…

Công điện này cho thấy tầm quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của công tác thu thuế đối với hoạt động TMĐT.

Để nhanh chóng cải thiện thu thuế trong lĩnh này, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các tổ chức, lĩnh vực liên quan, rút kinh nghiệm từ thực tiễn và tham khảo những mô hình đã chứng minh hiệu quả.

Tại một số nước tiên tiến, ngoài việc kinh doanh, sàn TMĐT có trách nhiệm theo dõi việc tuân thủ đóng thuế của người bán trong và ngoài nước.

Người bán hàng phải đăng ký thuế VAT ở nước sở tại, nếu vi phạm thì chịu chế tài nặng, thậm chí xử lý hình sự. Lập các tổ chuyên trách gồm những chuyên gia công nghệ thông tin để quản lý thuế TMĐT…

Các biện pháp trên là những gợi ý để từng bước cải thiện việc thu thuế TMĐT tương đồng với tiềm năng, đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế số của Việt Nam.

Theo PL TPHCM