Để thanh toán điện tử tiện ích hơn nữa cho người dân

Đối với thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, NHNN dự kiến một số nội dung.

Thứ nhất, sẽ tập trung triển khai các giải pháp để đa dạng các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể là phát triển các đại lý thanh toán tại vùng sâu, vùng xa.

Hiện nay, chúng ta đã cho phép thí điểm mô hình này giữa Ngân hàng MB với Viettel, giữa Vietcombank với Momo và chúng ta đã có gần 72.000 đại lý thanh toán, tức là cũng tương đối hỗ trợ cho người dân không chỉ trong việc giao dịch điện tử hoàn toàn qua hệ thống công nghệ hiện đại mà vẫn có các điểm tiếp xúc trực tiếp để có thể thực hiện rút tiền hoặc cung ứng các dịch vụ khác.

Đối với các vùng sâu, vùng xa, hệ thống mobile money sẽ góp phần rất nhiều trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Về phía đại diện ngân hàng, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Sacombank cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi số cũng như ứng dụng các phương tiện thanh toán đa dạng và tiện ích cho khách hàng, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, ông Tâm cũng đề xuất một số giải pháp:

Việc cùng nhau số hóa bởi đây là công việc phải đi cùng nhau chứ không thể riêng lẻ để làm sao phát triển được thêm ngày càng nhiều điểm thanh toán nhỏ lẻ nhất, một điểm yếu hiện nay, để khuyến khích người dân sử dụng thanh toán.

Bên cạnh đó, chúng tôi đề nghị có thể xem lại mức phí ưu đãi đối với khu vực vùng nông thôn hoặc có thể miễn giảm thuế, ưu đãi thuế đối với các đại lý chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.

Chúng tôi cũng đã liên kết với VNPost phát triển các điểm thu hộ tiền mặt để phục vụ cho các hoạt động phía sau thanh toán. Ở các vùng có thể không phủ sóng hết các điểm giao dịch của các ngân hàng thì có thể phát triển thông qua liên kết với VNPost.

Một điểm nữa, theo chúng tôi cần có sự quan tâm hơn chính là công tác truyền thông để tạo sự hấp dẫn thu hút khách hàng.

Theo VGP