Để người dân được sống trong môi trường không còn bệnh lao

Lê Phương

Các hoạt động phòng chống lao tại Phú Thọ được triển khai tất cả các huyện, thị, thành, và các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm mạn tính nguy hiểm đối với sức khỏe và tính mạng người mắc bệnh, nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất lớn. Mặc dù đã có nhiều biện pháp nhằm khống chế bệnh lao xong đến nay bệnh lao vẫn luôn là bệnh đặc biệt nguy hiểm có số người tử vong cao trong số các bệnh truyền nhiễm. 

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam hiện là một trong số các nước có tỷ lệ mắc bệnh lao cao, ước tính có khoảng 46 người chết do lao mỗi ngày. Trong những năm qua, với những nỗ lực trong hoạt động dự phòng và áp dụng các kỹ thuật mới trong điều trị, ngành y tế tỉnh Phú Thọ đã đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Kết quả công tác phòng chống lao trên địa bàn tỉnh đã góp phần làm giảm số mắc, giảm lây nhiễm lao trong cộng đồng, giảm số người bệnh lao kháng thuốc và giảm người bệnh tử vong do lao trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, mạng lưới phòng, chống lao được tăng cường từ tỉnh đến cơ sở với một bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, 100% trung tâm y tế huyện, thành phố có phòng chuyên môn và 100% xã, phường, thị trấn có cán bộ chuyên trách và cộng tác viên.

Nhằm đạt mục tiêu nâng cao tỷ lệ người bệnh lao được điều trị khỏi, giảm tỷ lệ người bệnh lao bỏ điều trị và tỷ lệ lao kháng thuốc trên địa bàn, trong nhiều năm qua triển khai các hoạt động phòng chống lao tại tất cả các huyện, thị, thành, và các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh theo đúng chương trình phòng chống lao quốc gia.

Xác định yếu tố quan trọng trong công tác phòng chống lao là phải làm thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao để bản thân họ chủ động hơn trong việc phát hiện, phòng chống bệnh lao cho chính mình và mọi người trong cộng đồng

Ngoài ra cần sự tham gia ngày càng tích cực của cả hệ thống chính trị-xã hội vào hoạt động phòng chống lao, nâng cao chất lượng phát hiện và điều trị bệnh lao.

Công tác truyền thông phòng chống bệnh lao được đẩy mạnh thông qua việc tổ chức mít tinh, diễu hành hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3, phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh xã, phường thị trấn, phát tờ rơi, tranh gấp, truyền thông trực tiếp tại cộng động….

Nhờ các hoạt động truyền thông, tư vấn trong quá trình điều trị mà nhận thức người dân tăng lên rõ rệt, tỷ lệ người bệnh bỏ điều trị đã và đang giảm dần. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát dịch tễ bệnh lao ở tuyến huyện được thực hiện định kỳ.

Ch­ương trình Chống lao năm 2018 được duy trì hoạt động đạt hiệu quả, hầu hết các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và v­ượt kế hoạch. Đặc biệt tổng số khám: 29899/25000 bằng 119,6% so với kế hoạch Sở Y tế giao.

Đối với Lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học mới, tỉ lệ khỏi bệnh: 95,5%. Công tác giám sát được thực hiện đúng kế hoạch đã hỗ trợ các tuyến triển khai hoạt động CTCL đạt hiệu quả.

Kết hợp y tế tư nhân trong hoạt động chống lao trên địa bàn

Công tác phòng chống lao hiện nay còn gặp nhiều thách thức như bệnh lao có chiều hướng tăng trở lại trong hơn mười năm gần đây, đồng thời xuất hiện thêm những nguy cơ mới như số người bệnh lao kháng thuốc tăng, bệnh lao kết hợp nhiễm HIV/AIDS gây tử vong rất nhanh…

Khắc phục những khó khăn, thách thức, hướng tới mục tiêu để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống lao, tăng tỷ lệ điều trị và chữa khỏi bệnh cho người mắc bệnh lao trên địa bàn, tích cực hành động để góp phần tiến tới thanh toán bệnh lao ở Việt Nam.

Trọng tâm hoạt động của Chương trình phòng chống lao năm 2019, tiếp tục củng cố, kiện toàn mạng lưới phòng chống lao các tuyến. Đảm bảo duy trì thường xuyên, có chất lượng các hoạt động của chương trình triển khai tại bệnh viện và các tổ chống lao tuyến huyện.

Đẩy mạnh kết hợp y tế tư nhân trong hoạt động chống lao trên địa bàn. Tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung ương tập trung đào tạo, tập huấn nâng cao nâng cao năng lực mạng lưới về chuyên môn và quản lý chương trình.

Bên cạnh đó cũng cần tăng cường giám sát chủ động của tuyến trên đối với tuyến dưới. Phát hiện kịp thời các tồn tại, yếu kém và có biện pháp, giải pháp xử lý hiệu quả.

Làm tốt công tác xét nghiệm sàng lọc, phát hiện mới, BN lao kháng thuốc, BN lao/HIV. Công tác điều trị cũng cần nâng cao chất lượng ngay tại bệnh viện đối với các thể lao và các bệnh về phổi, hỗ trợ quản lý, điều trị tại cộng đồng. Đặc biệt cần đa dạng hóa các loại hình và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện.

Chú trọng đầu tư toàn diện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nhân lực tập trung vào chuyên khoa sâu, ứng dụng kỹ thuật mới. Và cuối cùng là tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, tuyên truyền về bệnh lao và các bệnh phổi tại cộng đồng bằng nhiều hình thức để nâng cao kiến thức của người dân về bệnh lao và các bệnh phổi.

Để công tác phòng, chống lao trên địa bàn đạt hiệu quả, góp phần đạt mục tiêu người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao, đẩy nhanh tiến trình đạt mục tiêu vì thế giới không còn người bệnh lao vào năm 2030, cũng là chủ đề của Ngày thế giới phòng, chống bệnh lao năm nay, rất cần sự chung tay của các cấp, ngành và cộng đồng cùng ngành y tế đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về căn bệnh này, giúp phát hiện sớm bệnh lao, tạo điều kiện để người bệnh lao được điều trị đúng, đủ thời gian, giảm gánh nặng chi phí và các nguy cơ về sức khỏe, kiểm soát nguồn lây trong cộng đồng./.