Đẩy mạnh đào tạo về Thương mại điện tử tại cơ sở Giáo dục nghề nghiệp

Đỗ Thu Thủy, Bùi Thị Thanh Phượng, Phan Nguyễn Phong Luân
Trường Cao đẳng Công Thương Tp. Hồ Chí Minh

1. Thực trạng đào tạo Thương mại điện tử tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

1.1. Các đơn vị đào tạo Thương mại điện tử hiện nay
Hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực Thương mại điện tử (TMĐT) đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh số hóa đang phủ sóng tất cả các ngành nghề. Theo ước tính trong năm 2021 thì hoạt động TMĐT đạt tốc độ tăng trưởng vượt 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD và sẽ còn tăng cao trong những năm tiếp theo khi Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19 (VECOM, 2022a). Điều này đặt ra yêu cầu về việc đào tạo nguồn nhân lực TMĐT có chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn của doanh nghiệp về cả kiến thức, kỹ năng lẫn thái độ làm việc.

Bên cạnh hơn 30 trường Đại học đào tạo cử nhân TMĐT thì các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng nắm bắt xu hướng này khi tiến hành đào tạo ngành TMĐT với một số trường tại khu vực phía Nam có thể kể đến như trường Cao đẳng (CĐ) Sài Gòn , CĐ FPT Polytechnic , CĐ Kinh tế Đối ngoại , CĐ Đại Việt Sài Gòn , CĐ Bách Khoa Sài Gòn , CĐ Công nghệ Thông tin TP. HCM , CĐ Văn Lang Sài Gòn … hoặc dự kiến mở ngành như trường CĐ Công Thương TP. HCM. Có thể thấy rằng hoạt động đào tạo ngành TMĐT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng rất phong phú và sôi động bởi tính chất của ngành đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giữa kiến thức và thực tiễn công việc. Do đó, khi theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì sinh viên ngành TMĐT sẽ có cơ hội được thực hành, thao tác thực tế nhiều hơn để nắm vững kỹ năng và thích nghi tốt với công việc thực tế sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuy chưa chính thức đào tạo ngành TMĐT nhưng cũng đã quan tâm trang bị kiến thức về lĩnh vực này cho sinh viên thông qua các học phần hoặc chuyên đề có liên quan đến TMĐT. Đa phần các trường có đào tạo ngành TMĐT kể trên đều đưa môn học TMĐT vào chương trình đào tạo của các ngành học khác. Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục chưa có ngành TMĐT cũng tiến hành giảng dạy học phần này cho sinh viên thuộc khối ngành kinh tế, tiêu biểu như tại trường CĐ Công Thương TP. HCM thì môn học TMĐT đã được đưa vào chương trình đào tạo của bốn ngành học như Quản trị kinh doanh tổng hợp, Quản trị kinh doanh xuất nhập khẩu, Tiếng Anh thương mại và Điện tử công nghiệp. Ngoài ra cũng có thể kể đến một số trường khác như CĐ Bách Khoa Nam Sài Gòn, CĐ Xây dựng TP. HCM, CĐ Miền Nam…

1.2. Nội dung môn học TMĐT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì môn học TMĐT thông thường được thiết kế với khối lượng 03 tín chỉ và được giảng dạy trong thời gian khoảng 45 đến 60 tiết học. Với các ngành học không chuyên về TMĐT thì thời lượng giảng dạy này là tương đối phù hợp để đảm bảo sinh viên có thể tiếp thu được lượng kiến thức khá nhiều liên quan đến các vấn đề kinh doanh trong lĩnh vực này.

Các kiến thức chủ yếu được chia thành các nội dung chính: tổng quan về TMĐT, các hình thức kinh doanh TMĐT, khách hàng của TMĐT, hoạt động marketing trong TMĐT và việc thanh toán trong TMĐT. Một số đơn vị còn bổ sung thêm các nội dung khác để sinh viên có cái nhìn tổng quát hơn như an ninh mạng, chính sách pháp luật về TMĐT, nền tảng công nghệ thông tin về TMĐT…
Do tính chất của môn học cần có sự phối hợp giữa kiến thức và thực tiễn nên thời ngoài thời gian học lý thuyết thì sinh viên cũng được tạo điều kiện để thực hành các nội dung liên quan.

Các nội dung thực tế tại mỗi trường cũng có sự khác nhau do phụ thuộc vào đặc điểm của người giảng dạy nhưng đa phần đều hướng đến việc giúp người học hình dung một cách cụ thể về những công việc cần làm khi kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT.

Một số hoạt động phổ biến và bổ ích có thể kể đến như: xây dựng gian hàng trên các sàn TMĐT, tạo lập trang thông tin cho doanh nghiệp trên các nền tảng mạng xã hội, khảo sát thị trường TMĐT, thiết kế các ấn phẩm quảng bá sản phẩm…

2. Hoạt động đào tạo TMĐT tại trường Cao đẳng Công thương Tp. Hồ Chí Minh

2.1. Hoạt động đào tạo chính khóa.
Việc đào tạo kiến thức TMĐT tại trường Cao đẳng Công thương TP. HCM đã được triển khai từ năm 2014. Ban đầu học phần này dành cho sinh viên chuyên ngành Quản trị kinh doanh xuất nhập khẩu, hiện nay đã mở rộng sang một số chuyên ngành khác như Tiếng Anh, Quản trị kinh doanh tổng hợp… Kiến thức được truyền đạt trong 1 học phần 3 tín chỉ (tương đương với 45 tiết học).
Sinh viên được cung cấp các kiến thức nền tảng về TMĐT thông qua 6 chương học:
– Tổng quan về TMĐT
– Cơ sở hạ tầng của TMĐT
– Mô hình kinh doanh TMĐT
– Khách hàng điện tử
– Marketing điện tử
– Thanh toán điện tử
Cùng với việc trang bị các kiến thức chuyên môn, sinh viên được thực hiện các bài tập nhóm, bài tập thực hành cá nhân như: lập kế hoạch kinh doanh TMĐT, lập kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, thực hành kinh doanh trên mạng xã hội… để phát triển kỹ năng kinh doanh trên các nền tảng số khác nhau như website, thiết bị di động, và các kên mạng xã hội phổ biến như Facebook, Tiktok.
Từ những kiến thức và kỹ năng được tích lũy từ môn học, sinh viên đã áp dụng được linh hoạt vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp như tìm kiếm khách hàng trên TMĐT, thực hiện các kế hoạch Marketing trực tuyến, xây dựng kế hoạch kinh doanh trên nền tảng TMĐT.
Các kiến thức TMĐT còn được lồng ghép trong nhiều môn học khác như Tin học căn bản, Marketing, Quản trị bán hàng, Quản trị nhân sự…trải dài trong suốt 3 năm học của sinh viên khối ngành Kinh tế.

2.2. Hoạt động đào tạo ngoại khóa
Bên cạnh các giờ học chính khóa, trường Cao đẳng Công thương Tp.HCM còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa nhằm tăng cường khả năng tương tác, ứng dụng TMĐT của sinh viên. Các Khoa chuyên ngành tích cực tổ chức các hoạt động thực tế doanh nghiệp giúp các bạn sinh viên được trực tiếp tham quan và trải nghiệm các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có hoạt động sử dụng các công cụ điện tử và mạng Internet trong quá trình kinh doanh và điều hành doanh nghiệp.
Hơn nữa, nhà trường luôn khơi gợi việc ứng dụng các công cụ điện tử và mạng Internet trong việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên như cuộc thi thiết kế Video giới thiệu về trường, cuộc thi khoảnh khắc HITU được tổ chức năm 2021 thu hút các bạn sinh viên ở tất cả các ngành đào tạo của Trường tham gia và thể hiện.

Hằng năm từ năm 2020, trường đã tham gia sân chơi “Khởi nghiệp Startup Kite” do Tổng cục Giáo dục dạy nghề phát động. Với hơn 20 ý tưởng khởi nghiệp tham dự mỗi năm và ý tưởng kinh doanh số chiếm hơn 60% ý tưởng dự thi, cùng với các buổi training và workshop với các chuyên gia và chủ doanh nghiệp đang thực hiện số hóa trong các lĩnh vực khác nhau, nhà trường luôn ưu tiên thúc đẩy sinh viên tiếp cận đến các xu hướng và công nghệ mới nhất trong lĩnh vực Thương mại điện tử ở tất cả ngành nghề đào tạo.

3. Những hướng phát triển

3.1. Đào tạo các ngành TMĐT
Môn học TMĐT hiện đang là môn học đặc trưng của chương trình đào tạo khối ngành Kinh tế tại hầu hết các cơ sở giáo dục đào tạo nghề. Việc mở rộng môn học này đến các đối tượng sinh viên có sẵn nền tảng kiến thức cơ bản là việc không quá khó khăn. Một số ngành đào tạo có thể đưa môn học TMĐT vào chương trình giảng dạy như ngành Công nghệ thông tin, ngành Ngoại ngữ, ngành Kế toán – Tài chính – Ngân hàng vẫn đang được thử nghiệm bước đầu tại trường Cao đẳng Công thương Tp. Hồ Chí Minh và mang lại một số phản hồi tích cực đến từ sinh viên.

3.2. Đào tạo ngắn hạn
Một khóa đào tạo ngắn hạn dự kiến được diễn ra trong 6 đến 8 tuần nhằm cung cấp cho người học, có thể là đối tượng là sinh viên hoặc những người đã đi làm hay thậm chí là chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tìm kiếm hướng đi mới cho công ty của họ, cách tạo ra doanh thu trong “thương mại số”. Cụ thể, chương trình học sẽ xoay quanh việc xác định lợi thế cạnh tranh và cơ hội kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm và trải nghiệm khách hàng trong hoạt động thương mại của công ty. Việc tham gia vào khóa học này sẽ giúp những cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể có sự chuẩn bị tốt, đón đầu các xu hướng phát triển TMĐT sắp tới.

3.3. Cập nhật thêm các môn học chuyên sâu
Các môn học chuyên sâu bổ trợ trong lĩnh vực TMĐT ngày càng được chú ý hơn như Digital marketing, Phát triển chiến lược bán lẻ đa kênh, Thanh toán trực tuyến … cũng đang được xem xét đưa vào chương trình đào tạo của Ngành Quản trị kinh doanh hoặc Thương mại điện tử. Điều này giúp sinh viên tiếp tục nghiên cứu sâu hơn vào ngành TMĐT ở các năm học tiếp theo, giúp các em định hình và phát triển kỹ năng cũng như định hướng nghề nghiệp vững vàng hơn sau khi ra trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2022a), Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2022: Làn sóng thứ 2 của Thương mại điện tử, truy cập ngày 25 tháng 08 năm 2022, từ <https://vecom.vn/bao-cao-chi-so-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-2022>

[2] Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2022b), Báo cáo đào tạo Thương mại điện tử 2022: Những bước tiến nổi bật, truy cập ngày 25 tháng 08 năm 2022, từ https://vecom.vn/thong-cao-bao-chi-hop-bao-cong-bo-bao-cao-dao-tao-tmdt-nam-2022

[3] Chương trình đào tạo các ngành Quản trị kinh doanh, Tiếng Anh thương mại trường Cao đẳng Công thương TP.HCM