Đầu năm, “ông lớn” nói chuyện làm ăn

Các doanh nghiệp lớn đều kỳ vọng kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm mới Nhâm Dần, từ đó tận dụng cơ hội đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines

Chủ động xây dựng kịch bản mở cửa thị trường

Hàng không là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19.

Để linh hoạt ứng phó với diễn biến, ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong năm 2021, Vietnam Airlines đã chuyển đổi trọng tâm lĩnh vực kinh doanh từ vận tải khách sang hàng hóa, đồng thời tìm kiếm, tận dụng mọi cơ hội trong hoạt động vận tải khách như duy trì các chuyến bay hồi hương, tìm thị trường mới (như đường bay tới Mỹ), liên tục điều chỉnh sản phẩm quốc tế theo tiến độ mở cửa của Chính phủ và chủ động phối hợp các cơ quan, hiệp hội du lịch, các địa phương triển khai chương trình kích cầu đi lại nội địa ngay khi tình hình dịch bệnh khả quan.

Trong chiến lược khôi phục hoạt động năm mới Nhâm Dần 2022, Vietnam Airlines đã xây dựng các kịch bản khác nhau để tiên lượng khó khăn, chuẩn bị nguồn lực và linh hoạt điều chỉnh hoạt động.

Tùy vào mỗi kịch bản, tốc độ phát triển mạng bay, đội bay sẽ khác nhau nhưng sẽ bám sát các định hướng chiến lược là đạt mục tiêu thị phần vận tải hành khách của Vietnam Airlines Group 23%-25% tại thị trường quốc tế và hơn 50% tại thị trường nội địa.

Đặc biệt, năm 2022 sẽ tiếp tục là một năm hãng đẩy mạnh chuyển đổi số để vừa bắt kịp xu hướng phát triển, vừa đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Nhiệm vụ trước mắt của hãng là tiếp tục tiên phong, chủ động báo cáo, phối hợp các cơ quan nhà nước để xây dựng chính sách mở cửa thị trường và giải pháp phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng mở lại các đường bay khi được phép trên tinh thần linh hoạt điều hành, vừa bảo đảm an toàn khai thác, vừa góp phần khôi phục nền kinh tế, xã hội của đất nước.

Ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)

Nắm bắt cơ hội khi kinh tế hồi phục mạnh

2021 là một năm khó khăn đối với Việt Nam, do chịu những ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh nhiều thách thức đó, Techcombank vẫn cố gắng đạt kỷ lục hơn 1 tỉ USD lợi nhuận trước thuế (tương đương khoảng 23.240 tỉ đồng) cho thấy sự đúng đắn trong lựa chọn và nỗ lực thực thi mô hình kinh doanh của ngân hàng.

Thu nhập hoạt động cả năm tăng 35,4% và tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) dẫn đầu ngành đạt mức 50,5%. Đồng thời, chúng tôi không ngừng tập trung vào chuyển đổi và đầu tư vào công nghệ số để đáp ứng nhu cầu của tập khách hằng ngày càng tăng nhanh, góp phần tiếp tục thúc đẩy giá trị giao dịch ngân hàng điện tử, tăng ở mức ấn tượng 81%.

Đánh giá về năm 2022, chúng tôi lạc quan nhưng vẫn rất thận trọng. Việc chính phủ quyết tâm đẩy mạnh tiêm chủng giúp Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, cho phép quản lý tốt tình hình dịch bệnh dù có nhiều khó khăn liên quan đến biến thể Omicron.

Tình hình kinh doanh cũng khả quan hơn và việc đi lại giữa các nước cũng đang dần được nới lỏng. Techcombank luôn duy trì việc quản lý rủi ro thận trọng, tối ưu hóa chi phí, đầu tư vào con người và số hóa, nhờ đó có vị thế tốt để nắm bắt mọi cơ hội khi nền kinh tế dự kiến phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm Nhâm Dần.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM – Saigon Co.op:

Đẩy mạnh phát triển thương hiệu Việt

Hai năm qua là khoảng thời gian đầy biến động đối với lĩnh vực phân phối bán lẻ hiện đại nói chung. Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước đang trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, phải mất khoảng 9-12 tháng mới có thể phục hồi.

Do vậy, ngành bán lẻ năm 2022 vẫn cần lực đẩy rất lớn. Theo khảo sát của Sapo về triển vọng, xu hướng bán lẻ năm 2022 thì có 46,7% nhà bán hàng tin tưởng thị trường bán lẻ sẽ phục hồi; 14,5% nhà bán hàng kỳ vọng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm mới.

Đại dịch cũng đã thúc đẩy người tiêu dùng chuyển dần từ mua sắm truyền thống sang mua sắm trực tuyến. Theo Kantar Worldpanel, thị phần cho các cửa hàng truyền thống đã giảm từ 6%-10% trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9 năm ngoái.

Trong bối cảnh dịch bệnh, chuyển đổi số, bán hàng đa kênh trở thành phương án được nhiều nhà bán hàng sử dụng nhất. Song song với đó, sự chuyển dịch hình thức thanh toán và phương thức vận chuyển trở thành điểm nhấn trong ngành bán lẻ.

Năm nay, xu hướng hiện đại hóa kênh bán hàng truyền thống, thay đổi mô hình mua nhanh bán gọn sẽ sớm đi vào thực tiễn. Một xu hướng nữa là chiến lược bán lẻ đặt khách hàng cá nhân lên hàng đầu.

Các nhà bán lẻ tối ưu hóa trải nghiệm để giữ chân khách hàng và áp dụng nhiều chỉ số đánh giá quá trình bán hàng sẽ có được lợi thế tốt hơn để chiếm lĩnh thị trường.

Để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, Saigon Co.op sẽ đẩy mạnh phát triển các loại hình thương mại hiện đại, các kênh phân phối tiên tiến đối với tiêu thụ hàng Việt, bảo đảm phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới như: online, e-commerce, thanh toán không tiền mặt, thanh toán không tiếp xúc…

Ngoài ra, để chuỗi cung ứng hoạt động nhịp nhàng và chuỗi giá trị hàng Việt thể hiện được vị thế của mình, cần có sự liên kết chặt chẽ theo vùng, có sự phân công chuyên môn hóa giữa các địa phương trong việc phát triển sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt; tránh sự chồng chéo, cục bộ giữa từng địa phương, từng ngành trong phát triển chuỗi giá trị thương hiệu Việt nói chung.

Theo NLĐ

https://nld.com.vn/kinh-te/dau-nam-ong-lon-noi-chuyen-lam-an-20220201073559235.htm