Dấu mốc quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương đưa Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Ảnh: VGP

Chiều qua, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu đã thực hiện nghi thức khai trương đưa Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) vào vận hành chính thức tại địa chỉ dichvucong.gov.vn.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng đánh giá cao việc tổ chức lễ khai trương với tinh thần mạnh dạn làm rồi tiếp tục cải tiến, nâng cấp. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Chính phủ điện tử nhằm hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Việc phát triển Chính phủ điện tử nói chung và cung cấp dịch vụ công trực tuyến nói riêng tại Việt Nam đã có những tiến bộ. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc đánh giá năm 2018 Việt Nam xếp hạng thứ 88/193 quốc gia, trong đó, chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến là chỉ số được đánh giá cao nhất đạt 0,74/1.

Đến hết quý III/2019, số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được cung cấp tại các bộ, cơ quan Trung ương là 1.720 dịch vụ; tỷ lệ phát sinh hỗ trợ trực tuyến là 47,7% và tại các địa phương là 46.660 dịch vụ; tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến là 17,3%.

Tuy nhiên, số lượng dịch vụ công phát sinh hồ sơ trực tuyến còn ít. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Người dân vẫn còn phàn nàn, kêu ca, doanh nghiệp có những khó khăn.

Theo Thủ tướng, việc xây dựng cổng dịch vụ công các cấp và cổng dịch vụ công quốc gia có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng, phát triển các hệ thống Chính phủ điện tử, là kênh giao tiếp điện tử giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước, là điểm để người dân, doanh nghiệp tương tác với chính quyền trên môi trường điện tử.

Ảnh: VGP

Những nước thành công trong xây dựng Chính phủ điện tử đều coi Cổng dịch vụ công là một trong những hệ thống trụ cột được chú trọng xây dựng và liên tục nâng cấp để hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Cổng dịch vụ côngy là một công cụ để cơ quan Nhà nước nâng cao chất lượng phục vụ, “góp phần quan trọng chống nhũng nhiễu tiêu cực trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính”, Thủ tướng nói.

Việc khai trương công dịch vụ công quốc gia là một dấu mốc quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử. Trước mắt, đưa những dịch vụ được người dân, doanh nghiệp quan tâm và có tần suất giao dịch nhiều lên Cổng.

Các dịch vụ công tiếp theo sẽ tiếp tục được thực hiện sau khi các bộ, ngành, địa phương rà soát, nâng cấp, bảo đảm tính chính xác, hiệu quả, thuận tiện.

Cổng dịch vụ công quốc gia ra đời đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử theo hướng thực chất hơn, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng đây mới chỉ là thành công bước đầu. Chúng ta còn nhiều việc phải làm. Chỉ mới có 8 dịch vụ công được kết nối trong tổng số hàng ngàn dịch vụ cần kết nối và chủ yếu vẫn ở cấp độ 3.

Mục tiêu là sớm nhất cần cung cấp ở cấp độ 4 và mở rộng sang các dịch vụ khác, nhất là những dịch vụ được đông đảo người dân sử dụng.

Đây là công việc thường xuyên, liên tục không có điểm dừng, với mục tiêu xuyên suốt là lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo chất lượng cung cấp dịch vụ công của các cơ quan hành chính Nhà nước, tổ chức cung cấp dịch vụ công.

Để Cổng dịch vụ công quốc gia hoạt động thực chất, liên tục và có hiệu quả, Thủ tướng lưu ý một số việc.

Mặc dù Cổng dịch vụ công quốc gia đã xây dựng, đã kết nối với cổng dịch vụ công của các ngành, các cấp, các dịch vụ công trực tuyến nhưng việc xử lý và trả kết quả vẫn phải do các bộ, cơ quan bộ, ngành, địa phương thực hiện theo thẩm quyền.

Tuyệt đối không để tâm lý, tình trạng các ngành, các cấp thấy có Cổng dịch vụ công quốc gia rồi thì lơi lỏng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của mình, ngược lại cần đẩy mạnh hơn nữa, Thủ tướng nói. “Chúng ta nên nhớ rằng tỉnh và bộ, ngành phải là đơn vị cung cấp dịch vụ công là chính”.

Quá trình thực hiện xử lý các thủ tục hành chính cần sự liên thông giữa các đơn vị trong nội bộ, giữa các cơ quan liên bộ, ngành, để có thể tiếp tục đơn giản hóa cải cách thủ tục hành chính thì các thông tin liên quan đến người dân, doanh nghiệp phải được chia sẻ giữa nội bộ của các cơ quan Nhà nước.

PV