Đào tạo ngành Thương mại điện tử tại trường đại học Kinh tế Quốc dân

PGS TS. Tạ Văn Lợi – Đinh Lê Hải Hà

Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế,Trường Đại học Kinh tế quốc dân

  1. Giới thiệu

Ngành Thương mại điện tử trình độ đại học (mã ngành 7340122) được mở và tuyển sinh khóa đầu tiên tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân từ năm 2018, với quy mô tuyển sinh hàng năm là 60 sinh viên hệ chính quy/khóa. Khóa sinh viên hệ chính quy đầu tiên đã có 34 sinh viên tốt nghiệp, khảo sát không chính thức cho thấy 100% cử nhân mới tốt nghiệp đã có việc làm tốt, phù hợp với ngành đào tạo, có thể thích ứng tốt với môi trường làm việc năng động và có nhiều cơ hội thăng tiến nghề nghiệp.

Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế thuộc trường đại học Kinh tế Quốc dân là đơn vị có bề dày truyền thống lâu đời trong đào tạo ngành liên quan đến thương mại được nhà trường giao trách nhiệm phụ trách các môn học ngành và chuyên sâu về Thương mại điện tử. Viện được coi là đơn vị có năng lực hoàn thiện chương trình và nội dung đào tạo kịp thời nhất với 5 ngành đào tạo: Kinh doanh Thương mại, Kinh doanh quốc tế, Kinh tế quốc tế, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng và Thương mại điện tử. Môn học Thương mại điện tử đã được hình thành từ năm 2007 với đầy đủ học liệu giáo trình, tài liệu hướng dẫn giảng dậy, ôn tập… và được giảng dạy cho nhiều thế hệ sinh viên các ngành đào tạo có liên quan của Nhà trường.

  1. Thực tiễn đào tạo ngành TMĐT tại trường Đại học Kinh tế quốc dân

Về số lượng sinh viên theo học:

Ngay từ khi tuyển sinh khóa đầu tiên (khóa 60), ngành thương mại điện tử đã thuộc nhóm ngành có điểm đầu vào cao top đầu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, chứng tỏ sự quan tâm của xã hội đối với ngành học đang là xu thế của thị trường lao động cũng như nền kinh tế hiện nay. Việc mở ngành đào tạo Thương mại điện tử, một mặt phù hợp với chiến lược phát triển chung của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, mặt khác đáp ứng kịp thời và có hiệu quả nhu cầu về nguồn nhân lực đối với lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Đến nay, có 240 sinh viên hệ chính quy đang theo học ngành Thương mại điện tử tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Con số sinh viên đăng ký học môn học Thương mại điện tử lớn hơn nhiều, khoảng 600 sinh viên/kỳ. Số lượng sinh viên khóa đầu tiên tốt nghiệp từ ngành này là 34 sinh viên, trong đó 7 sinh viên tốt nghiệp hạng Xuất sắc, 22 hạng Giỏi và 5 hạng Khá.

Bên cạnh đó, từ năm 2021, Viện là đơn vị đầu mối của Trường Đại học Kinh tế quốc dân trong việc triển khai Chương trình hợp tác đào tạo với Đại học Waikato danh tiếng của New Zealand, đào tạo cử nhân kinh doanh ngành Kinh doanh số (Digital Business), với số  lượng sinh viên khóa đầu tiên là 35 sinh viên. Với Chương trình đào tạo hiện đại của Đại học Waikato, các sinh viên sẽ  được tiếp thu nền tảng đào tạo với chất lượng tốt nhất.

Về năng lực đào tạo:

Với bề dày lịch sử hơn 65 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo cử nhân các chuyên ngành Kinh tế thương nghiệp, Kinh tế vật tư, Quản trị kinh doanh thương mại, Thương mại quốc tế, Kinh tế quốc tế, Quản trị kinh doanh quốc tế và Hải quan.

Đồng thời, Viện đã xây dựng được đội ngũ cán bộ giảng dạy có chất lượng, với 3 giáo sư, 17 phó giáo sư, 16 tiến sĩ, nhiều giảng viên tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài. Với đội ngũ cán bộ giảng dạy có chuyên môn cao và phương pháp tốt như hiện nay, Viện có khả năng thực hiện được những nhiệm vụ đổi mới đào tạo trong giai đoạn tới theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như của Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Song song với hoạt động giảng dạy, Viện không ngừng tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học. Đội ngũ cán bộ giảng dạy của Viện đã thực hiện nhiều đề tài khoa học từ cấp cơ sở đến cấp Nhà nước, trong đó có nhiều đề tài và dự án liên quan đến Thương mại điện tử và chuyển đổi số. Công tác bồi dưỡng, tư vấn ngày càng phát triển và bảo đảm chất lượng phục vụ các nhu cầu ngày càng đa dạng của xã hội.

Từ khi thành lập đến nay, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế đã và đang có sự hợp tác chặt chẽ, mật thiết với thế giới nghề nghiệp là cộng động các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử. Các nội dung hợp tác bao gồm: nghiên cứu thực tiễn về thương mại điện tử; thực tập và tham quan nghiên cứu thực tiễn; đóng góp ý kiến cho xây dựng Chương trình đào tạo và Chương trình môn học của ngành Thương mại điện tử; bồi dưỡng kiến thức kinh tế và quản trị kinh doanh, thương mại điện tử và chuyển đổi số; các doanh nghiệp tham gia tài trợ cho các hoạt động của sinh viên, cấp học bổng cho các sinh viên có kết quả học tập xuất sắc…

Về Chương trình đào tạo và chương trình môn học:

Chương trình đào tạo ngành Thương mại điện tử được theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, tham khảo các CTĐT tiên tiến của nước ngoài cũng như các trường trong nước, tham vấn ý kiến của thế giới nghề nghiệp về chương trình đào tạo, chương trình môn học,  nội dung thực hành, thực tế… Từ khi bắt đầu đào tạo ngành Thương mại điện tử, CTĐT được định kỳ rà soát 2 năm/lần để đáp ứng yêu cầu cập nhật về kiến thức, nội dung, đáp ứng chuẩn đầu ra của CTĐT và yêu cầu của thế giới nghề nghiệp.

Tổng số tín chỉ của CTĐT hiện hành là 130 tín chỉ, trong đó kiến thức giáo dục đại cương là 44 tín chỉ, kiến thức giáo dục chuyên nghiệp là 85 tín chỉ (trong đó kiến thức ngành và chuyên sâu về Thương mại điện tử tới 60 tín chỉ) với CTĐT được thiết kế cho 4 năm. Các môn học được giảng dạy trong CTĐT như Thương mại điện tử căn bản, Giao dịch Thương mại điện tử, Thanh toán trong Thương mại điện tử, Marketing trên internet, Chính phủ điện tử, An toàn và bảo mật thông tin, Mạng xã hội… là những môn học cần thiết, với đề cương môn học được xây dựng công phu, cập nhật, hiện đại. Giáo trình và tài liệu tham khảo lấy từ các giáo trình và sách tham khảo nước ngoài, được nhà trường thẩm định và cho phép sử dụng.

Bên cạnh đội ngũ giảng viên cơ hữu giàu kinh nghiệp, Viện cũng mời các giảng viên đến từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương tham gia giảng dạy các môn học trên cho sinh viên. Bên cạnh đó, sinh viên cũng thường xuyển được giảng viên của các bộ môn tổ chức các chuyến thực hành, thực tế tùy theo nội dung và yêu cầu của môn học nhằm tăng cường kỹ năng và khơi dậy sự yêu thích, say mê và thái độ làm việc đối với ngành nghề. Các doanh nghiệp như AEON, Sendo, EZ Clound, Sapo hay VNPay là những địa chỉ quen thuộc mà sinh viên ngành Thương mại điện tử của Viện đến thực tế, thực hành.

Câu lạc bộ ECC

ECC là câu lạc bộ thương mại điện tử của sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Tuy mới chỉ được thành lập gần 1 năm, nhưng ECC đã gặt hái được những kết quả hoạt động ấn tượng, là “sân chơi” bổ ích và lý thú về nghề nghiệp cho các bạn sinh viên yêu thích ngành đào tạo này. Câu lạc bộ đã phối hợp với Học viện AEON tổ chức đào tạo về Thương mại điện tử, tổ chức seminar về nghề thương mại điện tử, tổ chức các chuyến tham quan thực tiễn cho các thành viên câu lạc bộ nhằm tăng cường gắn kết giữa các thành viên và mối liên hệ với các doanh nghiệp.

  1. Định hướng phát triển

Trong thời gian tới, trong định hướng đào tạo của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, ngành Thương mại điện tử tiếp tục mở rộng quy mô đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo. Để đạt được mục tiêu này, các giải pháp chủ yếu chúng tôi hướng đến là:

  • Phát triển năng lực đội ngũ giảng viên; thông qua: tuyển dụng giảng viên mới được đào tạo bài bản từ nước ngoài; phát triển đội ngũ giảng viên hiện tại thông qua Chương trình hợp tác đào tạo cử nhân kinh doanh ngành Kinh doanh số với Trường Đại học Waikato, New Zealand;
  • Phát triển hệ thống giáo trình học liệu, tập trung vào giáo trình và học liệu hiện đại, chuẩn tắc từ các trường đại học nước ngoài;
  • Kiểm định Chương trình đào tạo ngành Thương mại điện tử;
  • Chú trọng hợp tác về đào tạo và phát triển Chương trình đào tạo với các tổ chức, hiệp hội như Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, và các doanh nghiệp;
  • Tăng cường hợp tác đào tạo thông qua trao đổi giảng viên, trao đổi sinh viên và các hoạt động hợp tác khác với các cơ sở đào tạo về thương mại điện tử trong nước và quốc tế; trước hết là thông qua Mạng lưới đào tạo Thương mại điện tử.
  • Tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tiễn về thương mại điện tử, kinh doanh số và chuyển đổi số.

 Danh mục tài liệu tham khảo

  1. Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đề án mở ngành đào tạo Thương mại điện tử, 2018
  2. Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Chương trình đào tạo ngành Thương mại điện tử K60 – K63.
  3. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Báo cáo đào tạo Thương mại điện tử 2022.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *