Đào tạo ngành thương mại điện tử tại Đại học Kinh tế TP.HCM nhằm đáp ứng nguồn nhân lực trong thời kỳ chuyển đổi số

Thái Kim Phụng- Lê Thành Trung

Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Tóm tắt:

Tốc độ phát triển nhanh của ngành TMĐT Việt Nam thời gian qua kéo theo nhu cầu nguồn nhân lực TMĐT ngày càng cao. Tuy nhiên, nhân lực về TMĐT chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh còn lại nhân lực TMĐT còn yếu và thiếu, do đó cần đẩy mạnh phát triển nhân lực ở các tỉnh, ở vùng sâu, vùng xa để góp phần thúc đẩy sự phát triển của TMĐT trên diện rộng.

Bài viết này sẽ làm rõ nhu cầu nhân lực cả về qui mô và chất lượng, đánh giá thực trạng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam trong thời gian qua, và đặc biệt là cách tiếp cận đào tạo ngành TMĐT của Đại học Kinh tế TP.HCM nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực TMĐT chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế của TP.HCM và các tỉnh khu vực phía Nam.

  1. Đặt vấn đề

Tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành Thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam ngày càng đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nhiều doanh nghiệp (DN) mới tham gia vào cuộc cạnh tranh với các sàn TMĐT lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Zalora… cùng với các quỹ đầu tư trong nước cũng như nước ngoài vào các sàn giao dịch hàng hóa và các trang TMĐT càng làm cho thị trường TMĐT Việt Nam trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

Cùng với sự phát triển nhanh và ổn định của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 7%, TMĐT đã trở nên phổ biến và trở thành kênh mua sắm thường xuyên của một bộ phận đáng kể người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ 9x tại hai thành phố lớn nhất nước. TMĐT đã và đang đóng góp tích cực vào hiệu quả kinh tế của đất nước, tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành này dẫn đến nhu cầu nhân lực ngày càng cao. Thực tế cho thấy các DN Việt Nam hiện đang cần nguồn lao động có trình độ về công nghệ thông tin và TMĐT.

Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), căn cứ kết quả khảo sát hàng năm đối với một bộ phận ứng dụng thường xuyên TMĐT, có hơn 80% DN tham gia khảo sát (tương đương hơn 1.000 DN) cho thấy, nhu cầu nhân lực TMĐT được đào tạo là rất cần thiết đối với chính DN đó. Nhu cầu này sẽ tăng lên rất nhiều trong giai đoạn tới, đặc biệt khi Việt Nam trở thành quốc gia có hàm lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh lớn.

Điều này dẫn đến việc tiến hành các hoạt động trao đổi thương mại qua mạng ngày càng phổ biến. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT, thực tế yêu cầu nguồn nhân lực TMĐT cần có vốn kiến thức bao quát ở nhiều lĩnh vực như kinh tế, công nghệ thông tin, quản trị và ngoại ngữ nên đòi hỏi thời gian đào tạo dài, các lớp đào tạo ngắn hạn và dạy nghề chỉ là những chính sách đối phó tạm thời nguồn cung nhân lực trong ngắn hạn, nhưng thể giải quyết triệt để bài toán thiếu thốn nguồn nhân lực chất lượng cao trong dài hạn.

Do đó, đào tạo chính quy dài hạn tại các cơ sở giáo dục đại học là kim chỉ nam cho việc gia tăng nguồn nhân lực TMĐT cả về chất và lượng. Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chú trọng tăng cường các hoạt động đào tạo chính quy TMĐT nhằm gia tăng nguồn nhân lực chất lượng cao.

  1. Nhu cầu nhân lực TMĐT

TMĐT được coi là lĩnh vực phát triển sôi động nhất trong thị trường kinh tế số Việt Nam và đang trở thành một công cụ không thể thiếu đối với DN để mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của DN. Một số mục tiêu quan trọng định hướng phát triển TMĐT quốc gia tới năm 2025 được Bộ Công Thương đặt ra như sau: quy mô thị trường TMĐT đạt 55% dân số với tổng giá trị mua sắm trực tuyến hàng hóa và dịch vụ đạt trung bình 600 USD/người/năm; doanh số TMĐT (gồn hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) với người tiêu dùng cá nhân tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD và chiếm 10% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Ngoài ra, Bộ cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 50%; chi phí trung bình cho chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chặng cuối chiếm 10% giá thành sản phẩm trong TMĐT; 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng có hóa đơn điện tử; xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về TMĐT.

Thêm vào đó, sẽ có 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% DN vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT; 40% DN tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng.

Để đạt được mục tiêu đã đề ra thì việc phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chính quy về TMĐT là tất yếu đối với Chính phủ, các Bộ ngành, các trường Đại học (ĐH), Cao đẳng trong cả nước.

Theo số liệu báo cáo thống kê về chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2020 (Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam – VECOM), nguồn nhân lực về TMĐT, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, vẫn đang là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm chú trọng để phát triển. Triển khai TMĐT đòi hỏi nhóm lao động chuyên trách này vừa có kiến thức về công nghệ lại phải hiểu biết về thương mại để nắm bắt kịp thời các xu hướng mới và ứng dụng một cách hiệu quả nhất.

Thống kê cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp có lao động chuyên trách về TMĐT không thay đổi nhiều so với các năm trước, thậm chí tiếp tục giảm nhẹ (năm 2019 có 27% doanh nghiệp cho biết có lao động chuyên trách về thương mại điện tử và giảm 1% so với năm trước). Xét về quy mô doanh nghiệp thì nhóm các doanh nghiệp lớn luôn có tỷ lệ lao động chuyên trách về TMĐT cao hơn hẳn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều này phản ảnh khi quy mô đạt tới một ngưỡng nào đó phù hợp thì việc mở rộng và có những bộ phận chuyên trách sẽ giúp đem lại hiệu quả cao hơn so với hình thức kiêm nhiệm.

Tỷ lệ doanh nghiệp lớn có lao động chuyên trách về TMĐT chiếm 41% trong số các doanh nghiệp lớn tham gia khảo sát, tỷ lệ này ở nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ là 26%. Xét về tỷ lệ lao động chuyên trách trong các nhóm lĩnh vực kinh doanh khác nhau, nhóm ngành nghề Y tế – giáo dục – đào tạo có tỷ lệ lao động chuyên trách về TMĐT lớn nhất (46% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có lao động chuyên trách về TMĐT), tiếp sau đó là nhóm ngành nghề Công nghệ thông tin – truyền thông (45%) và lĩnh vực Giải trí (44%). Doanh nghiệp Xây dựng có tỷ lệ lao động chuyên trách về TMĐT thấp nhất (17%).

Hình 1: Tỷ lệ lao động chuyên trách về TMĐT phân theo lĩnh vực năm 2019
Nguồn: Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020

Khảo sát qua các năm cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng về TMĐT và công nghệ thông tin vẫn dao động trên dưới 30% và không có sự thay đổi lớn (năm 2019 có 30% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng này, năm 2018 là 28% và năm 2017 là 31%, năm 2016 là 29%).

Trong số đó thì Kỹ năng quản trị website và sàn giao dịch TMĐT đang được doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất và cũng gặp khó khăn lớn nhất trong quá trình tuyển dụng (49% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn về việc tuyển dụng nhân sự có kỹ năng này), tương tự với các kỹ năng khác lần lượt như sau:

Kỹ năng khai thác, sử dụng các ứng dụng TMĐT 46%, Kỹ năng xây dựng kế hoạch, triển khai dự án TMĐT 45%, Kỹ năng quản trị cơ sở dữ liệu 45%, Kỹ năng cài đặt chế độ, ứng dụng, khắc phục sự cố thông thường của máy vi tính 41%, Kỹ năng tiếp thị trực tuyến 39%, Kỹ năng triển khai thanh toán trực tuyến 29%.

Hình 2: Nhu cầu kỹ năng công việc được doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất về TMĐT
Nguồn: Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020

Kế hoạch phát triển nhân lực TMĐT của chính phủ giai đoạn 2021-2025 (trong kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia) phấn đấu đến năm 2025, có 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo về TMĐT; 1 triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT.

  1. Thực trạng phát triển nhân lực TMĐT tại Việt Nam

Thực trạng nguồn nhân lực (Báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam 2021), DN gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng về TMĐT và CNTT ngày càng tăng trong vòng 3 năm trở lại đây, vì vậy cần đẩy mạnh đào tạo theo hình thức chính quy và không chính quy. Nhân lực về TMĐT trên khắp quốc gia không được phân bổ đồng đều, khi phần lớn nhân lực TMĐT tập trung ở những nơi có chỉ số phát triển TMĐT cao, điển hình là thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Trong khi các tỉnh còn lại, thường có chỉ số phát triển TMĐT thấp hoặc chưa có nhiều điều kiện hỗ trợ phát triển TMĐT, thì nguồn nhân lực còn yếu cả về chất và lượng, do đó rất cần các chương trình định hướng hành động nhằm thúc đẩy sự phát triển nhân lực ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa nhằm đạt được sự phát triển của TMĐT trên diện rộng và bình đẳng giữa các khu vực.

Cụ thể, cần tổ chức nhiều khoá đào tạo ngắn hạn, các lớp tập huấn, các cuộc hội thảo hay nói chuyện chuyên đề ở nhiều cấp khác nhau, nhiều địa phương khác nhau nhằm phổ biến cho mọi người dân, mọi đối tượng và mọi thành phần kinh tế những kiến thức cơ bản nhất về Internet/website và TMĐT. Bên cạnh đó, cần triển khai các chương trình đào tạo về TMĐT ở bậc đại học, cao đẳng trên địa bàn các tỉnh, thành phố để nâng cao kiến thức cho đội ngũ nhân lực TMĐT. Các cơ sở giáo dục đào tạo ĐH, cao đẳng cần trang bị khối kiến thức kinh tế, tổ chức kinh doanh trên mạng Internet, vận dụng thành thạo các công cụ tìm kiếm, khai thác thông tin, đối tác, mở rộng thị trường kinh doanh, và trang bị cho người học kỹ năng giao dịch TMĐT; Vận dụng các kiến thức về mạng máy tính, an ninh mạng, chữ ký số trong giao dịch và thanh toán điện tử, bảo mật và bảo toàn thông tin; xây dựng mô hình thực tế ảo để giúp cho sinh viên có thể thao tác, giao dịch, xử lý ứng dụng nhanh chóng.

Người học cũng cần được trang bị nghiệp vụ kinh doanh cụ thể trong giao dịch ký kết hợp đồng mua bán, khai báo hải quan, thanh toán, vận tải và bảo hiểm hàng hóa nhằm mục đích đào tạo được nguồn nguồn nhân lực giỏi kỹ năng, kiến thức và tay nghề đáp ứng nhu cầu phát triển ngành TMĐT.

Doanh nghiệp TMĐT đang kì vọng có nhiều nguồn nhân lực được đào tạo bài bản theo hình thức chính quy và không chính quy. Hình thức đào tạo TMĐT hiện nay: theo đơn đặt hàng (37%), ngắn hạn tập trung (33%), chính quy dài hạn (16%), trực tuyến (9%). Nguồn nhân lực TMĐT hiện nay: được đào tạo chính quy (< 30%), được đào tạo từ các ngành kinh doanh, thương mại, CNTT (55%), được đào tạo từ các ngành nghề khác (% còn lại). Những con số trên phản ánh công tác đào tạo chính quy nguồn nhân lực TMĐT hiện nay mới chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu thực tế.

Trong thời gian qua, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất lộ trình triển khai hoạt động với mục tiêu hướng tới mở rộng việc xây dựng ngành TMĐT tại một số trường và ban hành khung chương trình đào tạo TMĐT trình độ đại học, cao đẳng. Đến nay đã có nhiều trường tham gia đào tạo TMĐT, cụ thể như sau:

Trên cơ sở nghiên cứu các chương trình đào tạo ngành TMĐT, nhận thấy xu hướng đào tạo ngành TMĐT tập trung vào 3 quan điểm trong đào tạo nguồn nhân lực cho TMĐT:

  • Hướng đào tạo thứ nhất: tập trung chủ yếu vào Công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) và kiến thức cơ bản, nền tảng về kinh doanh, thương mại (hướng này có thể gọi là TMĐT dựa trên công nghệ). Thực chất nhân lực được đào tạo theo hướng này là nguồn nhân lực có tính then chốt để đảm bảo những điều kiện công nghệ và kỹ thuật (về những yếu tố trang bị phần cứng và phần mềm ứng dụng, thiết kế và tạo lập website, bảo đảm vận hành hệ thống thông tin…) cho DN tham gia TMĐT. Có thể nói hướng đào tạo này bắt nguồn từ các khoa thuộc lĩnh vực CNTT.
  • Hướng đào tạo thứ hai: đào tạo chủ yếu về kinh doanh/thương mại và phần cơ bản các kiến thức, kỹ năng vận hành, khai thác và sử dụng CNTT nhằm triển khai các giao dịch, thực hiện các hoạt động TMĐT trong tổng thể chiến lược và kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp. Chương trình đào tạo theo hướng này được xây dựng và triển khai tập trung vào Khoa Kinh tế, Thương mại hoặc Quản trị kinh doanh.
  • Hướng đào tạo thứ ba: đào tạo mang tính liên ngành giữa CNTT-TT và Kinh doanh, thương mại. Theo hướng đào tạo này yêu cầu người triển khai phải am hiểu cả lĩnh vực CNTT-TT và Kinh doanh, thương mại hoặc phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa những người triển khai trong các lĩnh vực liên quan. Để xây dựng đội ngũ đào tạo TMĐT theo cách tiếp cận liên ngành, các cơ sở đào tạo thành lập đội ngũ giảng dạy liên bộ môn, liên khoa gồm các giảng viên thuộc các lĩnh vực Quản trị kinh doanh, Marketing và CNTT. Đây cũng là cách tiếp cận xây dựng chương trình đào tạo của Trường Đại học Kinh tế TP. HCM (Đại học UEH).
  1. Chương trình đào tạo TMĐT tại Trường Đại học Kinh tế TP. HCM

Trường Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH) hiện nay bao gồm 2 cơ sở đào tạo chính (TP.HCM và Phân hiệu Vĩnh Long) với vị thế là một trong những trường trọng điểm, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực khu vực phía Nam, luôn đổi mới nhằm nâng cao uy tín và thương hiệu trường đã có trong nhiều năm qua với những chương trình đào tạo đa ngành, có tính ứng dụng cao.

Chương trình đào tạo TMĐT đã được nghiên cứu xây dựng và đưa vào giảng dạy tại UEH từ năm 2016. Chương trình đào tạo TMĐT đa dạng với nhiều loại hình, bao gồm cả đào tạo chính quy dài hạn và các khóa bồi dưỡng ngắn hạn.

  1. a) Chương trình đào tạo dài hạn

Mục tiêu: Chương trình đại học ngành TMĐT tại UEH được xây dựng theo chuẩn tiên tiến quốc tế với mục tiêu đào tạo cử nhân ngành TMĐT có kiến thức toàn diện về TMĐT, có chuyên môn, năng lực và kỹ năng nghề nghiệp vững vàng, cung cấp nguồn nhân lực TMĐT chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội trong thời đại mới.

Kiến thức được trang bị: Ngoài hai nhóm kiến thức nền tảng về Công nghệ thông tin như: Cơ sở lập trình, Cơ sở dữ liệu, Dịch vụ mạng Internet, các hệ thống thông tin kinh doanh và kiến thức cơ bản về Kinh doanh, quản lý như: Marketing, Hành vi khách hàng, Quản trị quan hệ khách hàng, Quản trị chuỗi cung ứng,… sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức chuyên sâu về TMĐT, bao gồm: Chiến lược kinh doanh TMĐT, Quản trị dự án TMĐT, Xây dựng Website TMĐT, Công nghệ trong TMĐT, Luật TMĐT, Bảo mật và an toàn thông tin trong TMĐT, Các hệ thống thanh toán điện tử, Digital Marketing, Nghiên cứu thị trường TMĐT, Kinh doanh thông minh (Business Intelligence), Khai phá dữ liệu TMĐT,…

 Kỹ năng đạt được:

  • Xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh điện tử và các dự án TMĐT tại doanh nghiệp.
  • Xây dựng, phát triển và quản trị các website và các sàn giao dịch TMĐT.
  • Khai thác và sử dụng các ứng dụng công nghệ mới trong TMĐT.
  • Sử dụng các công cụ Digital Marketing để quảng bá sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu cho doanh nghiệp.
  • Giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động TMĐT, bao gồm: pháp lý trong TMĐT, thanh toán điện tử, bảo mật và an toàn thông tin trong giao dịch TMĐT,…
  • Đo lường, đánh giá hiệu quả của toàn bộ hoạt động TMĐT tại doanh nghiệp.

Cơ hội nghề nghiệp:

  • Chuyên viên hoặc quản lý tại các doanh nghiệp cung cấp giải pháp TMĐT.
  • Chuyên viên hoặc quản lý tại các tổ chức, các đơn vị kinh doanh có triển khai hoạt động TMĐT.
  • Nhà quản trị hoạt động Digital Marketing tại các đơn vị kinh doanh.
  • Chuyên viên hoặc quản lý tại các cơ quan nhà nước chuyên quản lý hoạt động TMĐT.
  • Nghiên cứu, giảng dạy chuyên ngành TMĐT tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.
  1. b) Chương trình đào tạo ngắn hạn

Các khóa đào tạo ngắn hạn nhằm đáp ứng nhu cầu công việc cho nhân viên và cán bộ quản lý ở các lĩnh vực kinh doanh online, tiêu biểu như:

  • Giải pháp phát triển kinh doanh online
  • Chiến lược và công cụ Digital Marketing
  • Giải pháp SEO (Search Engine Optimization)
  • Xây dựng và quản trị Website TMĐT cho doanh nghiệp
  • Bảo mật và thanh toán trong TMĐT
  1. Kết luận

Bài viết này đã phân tích nhu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển TMĐT, đánh giá thực trạng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực TMĐT tại Việt Nam trong thời gian qua, và giới thiệu các chương trình đào tạo TMĐT của Trường Đại học Kinh tế TP. HCM nhằm đáp ứng như cầu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế.

Nguồn nhân lực cho TMĐT và đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là vấn đề lớn gây cản trở cho quá trình phát triển TMĐT của Việt Nam, đòi hỏi cần triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển được nguồn chất lượng mạnh cả về chất và lượng, góp phần thúc đẩy lĩnh vực TMĐT phát triển, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế. Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực TMĐT có chất lượng, cần có sự phối hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp TMĐT, doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ TMĐT, các cơ quan quản lý nhà nước và các Sở ban ngành có liên quan.


Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020 và 2021, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam
2. Hoàng Thị Thúy (2019), Phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí điện tử Tài chính.
3. Nhân lực ngành Thương mại điện tử: Cơ hội và thách thức. Truy cập tại: https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-nguon-nhan-luc/nhan-luc-nganh-thuong-mai-dien-tu-co-hoi-va-thach-thuc.html.
4. Trần Ngọc Diệp (2020), Giải pháp phát triển thương mại điện tử nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/giai-phap-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cua-nen-kinh-te-viet-nam-83545.htm
5. Dương Ngọc Hồng (2020), Thương mại điện tử trong phát triển kinh tế tại Việt Nam. Truy cập tại: https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/thuong-mai-dien-tu-trong-phat-trien-kinh-te-tai-viet-nam-330340.html.
6. Đỗ Thanh Bình và Đặng Văn Thắng (2021), Nhu cầu về đào tạo thương mại điện tử tại Việt Nam. Truy cập tại: https://ictvietnam.vn/nhu-cau-ve-dao-tao-thuong-mai-dien-tu-tai-viet-nam-20210315100846214.htm
7. Đặng Văn Sáng (2021), Phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử trong bối cảnh kinh tế số. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phat-trien-nguon-nhan-luc-thuong-mai-dien-tu-trong-boi-canh-kinh-te-so-82951.htm