Trọng Tâm

Thời gian qua, Covid-19 tác động đến nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, mảng thương mại điện tử lại có bước phát triển mạnh mẽ, kéo theo sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
Vì vậy nên hiện nay nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử được xem là “cứu cánh” cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh, bù đắp phần nào việc sụt giảm doanh số.
Được xem là trung tâm kinh tế – thương mại của khu vực miền Trung và Tây Nguyên, trong những năm qua, Đà Nẵng luôn được xem là địa phương đứng đầu trong nhóm địa phương có Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) cao nhất khu vực miền Trung – Tây Nguyên cũng như cả nước, chỉ sau TP – Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Nơi đây đồng thời tập trung nhiều trường đại học, cơ sở đào tạo nghiên cứu với công nghệ thông tin và truyền thông tiên tiến. Do đó, sự phát triển thương mại điện tử tại thành phố Đà Nẵng có tác động lan toả rất lớn đối với toàn bộ khu vực.
Theo lãnh đạo Sở Công thương, doanh nghiệp Việt chưa thực sự khai thác tốt và phát huy có hiệu quả lợi thế mà thương mại điện tử mang lại.
Sự thành công của thương mại điện tử không phải là sự phát triển đi lên của từng doanh nghiệp riêng lẻ mà là sự kết nối các doanh nghiệp với nhau, kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng, kết nối thị trường trong nước, quốc tế…
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, hoạt động này vẫn còn những hạn chế. Trong thời gian tới, ngành Công thương sẽ triển khai nhiều giải pháp, hoạt động hơn nữa để đẩy mạnh hình thức kinh doanh này.
Đại diện siêu thị Big C Đà Nẵng cho biết, để thích ứng với những khó khăn mà dịch bệnh gây ra, nhất là thời gian thực hiện lệnh giãn cách xã hội, đơn vị đã tăng cường hoạt động bán hàng qua điện thoại, qua mạng và giao hàng tại nhà cũng là giải pháp tốt nhất để duy trì hoạt động kinh doanh, bù đắp phần nào việc sụt giảm doanh số.
Theo ông Hồ Đức Tiến, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Mayaca, mặc dù doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa để đăng ký gian hàng trên sàn nhưng mới chỉ dừng lại ở hình thức quảng cáo là chính, hoạt động giao dịch mua bán, cung ứng dịch vụ trên sàn chưa mạnh.
Nếu doanh nghiệp không tự mình đẩy mạnh việc quảng bá thì rất ít bạn hàng, người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thông qua sàn thương mại điện tử.
Tương tự bà Phan Như Yến, Giám đốc Công ty CP Intimex Đà Nẵng (chủ chuỗi siêu thị Danavi Mart) cho biết, mua bán trực tuyến thực sự lên ngôi trong thời điểm Covid-19 diễn biến căng thẳng, giúp cho hệ thống siêu thị Danavi Mart duy trì được nguồn khách hàng khá ổn định mặc dù doanh số vẫn sụt giảm mạnh.
Không nằm ngoài xu thế chung, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố cũng nhanh nhạy tham gia sâu hơn vào “sân chơi” thương mại điện tử ngay trong mùa dịch bệnh cũng như đẩy mạnh hơn nữa thời kỳ “hậu” Covid-19..
Với mục tiêu nâng cao năng lực triển khai thương mại điện tử cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể (gọi chung là doanh nghiệp), góp phần tạo ra sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao nhận thức và kỹ năng của người tiêu dùng khi tham gia thương mại điện tử, hỗ trợ và bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia mua bán trực tuyến.
Vừa qua trong Chương trình Kết nối hàng Việt – OCOP Đà Nẵng 2020 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng hôm 12/11/2020, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng đã ký Thoả thuận hợp tác phát triển thương mại điện tử.
Đặc biệt tại chương trình này Sở Công Thương TP – Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử tổ chức trên 60 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các ngành hàng như: nông sản, lương thực thực phẩm, thực phẩm chế biến, đồ uống, dược liệu, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm đặc trưng vùng miền ở các tỉnh thành miền Trung – Tây Nguyên.
Những nội dung hợp tác chủ yếu bao gồm: Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thương mại điện tử và chuyển đổi số. Tập huấn kỹ năng kinh doanh trực tuyến và tổ chức sự kiện; phối hợp trong quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Với mục tiêu chính của sự hợp tác này là thúc đẩy phát triển giao dịch thương mại trực tuyến, góp phần phát triển kinh tế – thương mại; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Trong thời gian tới sẽ triển khai nhiều giải pháp, hoạt động hơn nữa để đẩy mạnh hình thức kinh doanh này, đồng thời giúp cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các ứng dụng giải pháp thương mại điện tử, để đưa sản phẩm ra thị trường một cách nhanh nhất, đáp ứng với nhu cầu hiện nay.