Đã đến lúc khởi nghiệp đi vào thực chất

Nguyễn Trang

Giai đoạn trước khởi nghiệp bị phong trào quá và khiến cho nhiều startup bị lầm tưởng cho rằng gọi được vốn là đã thành công nhưng đến giờ chính phủ và bản thân các bộ ngành thấy rằng đã đến lúc phải đi vào thực chất.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận xét về tình trạng khởi nghiệp của Việt Nam thời gian qua tại sự kiện Startup Life – Hội thảo Khởi nghiệp và Kinh doanh Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với tổ chức Xlabs – Wecreate Vietnam đã tổ chức ở Hà Nội vừa qua.

Các startup đã sáng tạo hơn

Nền kinh tế thế giới đang gặp khó khăn, hầu hết các nền kinh tế lớn đang tăng trưởng rất chậm do những vấn đề phức tạp như cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và sự kiện Anh rời khỏi EU.

Tuy nhiên, theo nhận định của các tổ chức quốc tế đánh giá nền kinh tế của Việt Nam vẫn đạt được tăng trưởng 6,8 – 6,9%. Về góc độ kinh tế vĩ mô, theo bà Thủy “đây là thông tin đáng mừng cho các doanh  nghiệp bởi một nền kinh tế duy trì được sử ổn định ở mức tăng trưởng thì cũng giúp cho các doanh nghiệp yên tâm để phát triển”

Ngoài ra Việt Nam vừa qua cũng đã ký kết các hiệp định quốc tế quan trọng, đây cũng là điểm cộng để doanh nghiệp tận dụng cơ hội này.

Môi trường đầu tư kinh doanh, xu thế doanh nghiệp khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp được bà Thủy đánh giá “vẫn đang ở mức rất cao”. Trong 9 năm nay đã có 102 nghìn doanh nghiệp thành lập, nếu tính cả doanh nghiệp quay lại kinh doanh cũng lên đến hơn 120 nghìn doanh nghiệp.

Đặc biệt trong số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp có những điểm sáng, có nhiều mô hình kinh doanh mới.

“Đấy là một điều các cơ quan chính phủ rất vui khi các doanh nghiệp đã nghiên cứu xem thị trường cần gì để giải quyết nhu cầu từ vấn đề bà nội chợ đi làm không có thời gian để nấu nấu cơm cho đến nền tảng edoctor”.

“Phải nói rằng doanh nghiệp Việt Nam cũng rất cập nhật, khu vực có mô hình nào thì Việt Nam cũng có, cập nhật rất nhanh”, bà Thủy cho biết.

“Không như giai đoạn trước, gần như thành lập doanh nghiệp đi vào số lượng nhưng giai đoạn này chúng tôi đánh giá đã có nhiều mô hình kinh doanh mới và vốn trung bình của doanh nghiệp đã tăng lên.

Hiện nay vào khoảng 13 tỷ/ doanh nghiệp và đặc biệt dựa trên mô hình kinh doanh hiệu quả và có sáng tạo hơn”

Cho rằng khởi nghiệp là một bài toán của cả cộng đồng, không phải cá nhân hay tổ chức nào một minh có thể làm được, bà Thủy cho rằng, “vai trò của các tổ chức từ cộng đồng cũng rất quan trọng vì sẽ sát sườn với các startup và sẽ biết được startup vướng gì”.

“Chúng tôi hy vọng các hoạt động này sẽ tiếp tục đẩy mạnh để startup thực sự có được chỗ dựa, không bị bơ vơ và tìm được đúng người lúc cần để trong giai đoạn đầu tiên khó khăn có thể thành công bước đầu”

Quan điểm lệch lạc

“Phong trào khởi nghiệp hiện nay vẫn tồn tại những quan điểm lệch lạc về khởi nghiệp, có những suy nghĩ sai lầm rằng chỉ cần nhóm khởi nghiệp được báo chí biết đến và được rót vốn đầu tư là đã thành công”, bà Ngô Thị Hoài, Giám đốc Chương trình Wecreate Việt Nam nhận định

Đồng tình với bà Thủy khi cho rằng startup hiện nay cần đi vào thực chất, giải quyết được những vấn đề của xã hội cũng như nhu cầu của mọi người, bà Hoài cho biết,

“Việt Nam cần nhiều hơn nữa những doanh nghiệp đem lại những giá trị đích thực cho cuộc sống, giải quyết những vấn đề đích thực của thị trường. Và, cũng cần nhiều hơn nữa những doanh nghiệp sản xuất tạo ra việc làm, thu nhập cho người dân, tạo ra sức mua, tạo ra sự phát triển ổn định của nền kinh tế Việt Nam.”

Để startup và doanh nghiệp thực sự phát triển bền vững, bản thân chủ doanh nghiệp cần tuân thủ nguyên tắc, cần có những kiến thức nhất định và cần tạo ra sự đa dạng, những giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp.

Người chủ doanh nghiệp cần tri thức để xây dựng mô hình kinh doanh bền vững, theo đuổi những giá trị đích thực khi bắt đầu khởi nghiệp.

Vì vậy, Wecreate – một sáng kiến hợp tác của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và tổ chức phi chính phủ Griffin Worx được triển khai tại 5 nước trên thế giới chú trọng đến việc kết nối và đưa đến cho những người chủ doanh nghiệp, những người sáng lập của các nhóm khởi nghiệp những kiến thức cần có trong quá trình khởi nghiệp.

Wecreate Việt Nam đã phát triển được mạng lưới 215 mentor tại Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh và Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hơn 2.000 lượt người đã tham dự hơn 100 hoạt động tại 4 khu vực này.

Chương trình đã góp phần xây dựng, kết nối hệ sinh thái bao trùm, hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp hướng tới thành công, phát triển bứt phá, góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho đất nước.

Cho đến nay, bản quyền chương trình đã được chuyển giao cho Doanh nghiệp xã hội XLABS thực hiện tại Việt Nam

Sự kiện Startup Life – Hội thảo Khởi nghiệp và Kinh doanh Việt Nam nhằm giúp các startup tìm ra hướng đi và giải pháp thích hợp để xử lý có hiệu quả những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp mình, tăng trưởng đột phá và phát triển bền vững,

Đây là sự kiện tổng hợp dành cho cộng đồng khởi nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam thông qua các hoạt động đa dạng: trưng bày sản phẩm, hội thảo, lớp học mini về các chủ đề nổi cộm nhất.

Đồng thời, đem lại cho các startup những thông điệp hoàn toàn mới, những thông tin cập nhật và kinh nghiệm thực tế phong phú đến từ các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, các doanh nhân dày dạn kinh nghiệm thương trường

Với tinh thần tiếp thục thúc đẩy “khát vọng kinh doanh Việt” Năm 2019 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với tổ chức Xlabs – Wecreate Vietnam đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp, kết nối, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp, startup, đặc biệt các startup  có khả năng tạo tác động xã hội.

Chương trình đã hỗ trợ các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, doanh nhân, các nhóm startup nâng cao năng lực, phát triển kinh doanh và tăng tốc thông qua các buổi đào tạo về mô hình kinh doanh, huấn luyện kinh doanh tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Các buổi đào tạo, tập huấn được chương trình  Facebook Community Leadership Program hỗ trợ.