Cuộc chiến khốc liệt trên thị trường ví điện tử

Han Sovy

Các ông lớn ví điện tử ngoại đang lộ rõ tham vọng chiếm lĩnh thị trường ví điện tử Việt.

Kết quả về tính phổ biến của các loại ví điện tử năm 2018

Cùng với làn sóng phát triển nhanh chóng của công nghệ nói chung, lĩnh vực fintech gần đây đang thể hiện nhiều tiềm năng của mình tại Việt Nam, trong đó, đáng chú ý là khuynh hướng ngày càng tăng về số lượng người dùng ví điện tử. Ghi nhận trong nửa đầu năm 2018, thị trường ví điện tử Việt Nam đã và đang chứng kiến nhiều chuyển biến nổi bật đến từ cả doanh nghiệp nội địa lẫn ngoại địa trước tình xu thế mới đặt ra.

Chưa đầy 10 năm, kể từ khi được cấp phép thử nghiệm hồi 2009, thanh toán điện tử tính đến nay đã trở thành một hình thức, một sản phẩm thiết yếu cho nhu cầu “nhanh-gọn hóa” các dịch vụ trong đời sống hiện đại.

Theo khảo sát từ Ngân hàng Nhà nước, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đã vượt ngưỡng 90 triệu chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017 – đạt 93% so với năm 2016 và 153% so với năm 2015, với dự đoán tiếp tục tăng mạnh trong năm 2018.

Bên cạnh những diễn biến sôi động từ khu vực thương mại điện tử, thị trường ví điện tử
tại Việt Nam cũng đang ghi nhận nhiều phản ứng tích cực, trong đó, số lượng người dùng liên tục tăng cao và tiềm năng cạnh tranh lớn của một số thương hiệu Việt trong bức tranh chung trước sự tham gia của các sản phẩm quốc tế chính là hai điểm sáng đáng chú ý.

Ngoài “hậu thuẫn” lớn từ nền tảng di động đang ngày càng mở rộng và thông minh, sức hút của các sản phẩm ví điện tử trên thị trường Việt Nam hiện nay được nhận xét có xuất phát từ sự quan tâm nhiều hơn của doanh nghiệp đến yếu tố trải nghiệm số của người dùng. Theo đó, ví điện tử được xây dựng và đem ra thị trường không chỉ là một sản phẩm tiện ích, thực tế mà còn là công cụ mang đến cảm giác thú vị, thời thượng khi thanh toán so với quy trình truyền thống.

“Điểm chạm” này cũng chính là một trong những chìa khóa làm nên các chiến dịch quảng cáo thành công (nhất là sản phẩm TVC) của các thương hiệu ví điện tử top đầu như MoMo với “Muốn hiện đại, xài MoMo” hay Samsung Pay với “Chạm là thanh toán”.

Sở hữu tốc độ tăng trưởng nhanh và tương đối ổn định, nhiều khả năng thị trường này sẽ chạm “điểm vàng” trong thời gian ngắn sắp tới. Dự đoán này càng được củng cố thêm khi “Đề án phát triển việc thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 – 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%, gián tiếp đưa ví điện tử trở thành một trong những hình thức thiết yếu trong quan hệ thanh toán tiêu dùng.

Cuộc so găng nội – ngoại

Theo dự án “Khảo sát và bình chọn ví điện tử tiêu biểu Việt Nam năm 2018” do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức tháng 4 vừa qua, sức cạnh tranh của nhiều ví điện tử Việt Nam không hề thua kém hàng ngoại khi góp mặt tại các vị trí tốp đầu thuộc các hạng mục chính, mặc dù khảo sát đã đặt ra các tiêu chí đánh giá khá cao dựa trên sự cố vấn của các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử và đại diện phương tiện truyền thông.

Theo đó, ví điện tử MoMo (trực thuộc CTCP Dịch vụ di động trực tuyến) được người dùng bình chọn là là ‘Ví điện tử số 1 Việt Nam’ năm 2018, Samsung Pay (trực thuộc Công ty TNHH Điện tử Samsung Vina) đứng đầu hạng mục ‘Phương thức thanh toán di động độc đáo’ trong khi ví điện tử BankPlus (trực thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội) thể hiện ưu thế về công nghệ khi đứng đầu ở khu vực ‘Giải pháp thanh toán di động đa năng’.

Các thương hiệu khác như Air Pay, Zalo Pay, Ví Việt, PayPal cũng là những gương mặt “quen thuộc” xuất hiện trong top 5 các hạng mục của khảo sát. Kết quả trên phần nào đã cho thấy được thực tế phát triển “nở rộ”, áp đảo về số lượng của các doanh nghiệp nước nhà trên thị trường ví điện tử.

Thị trường ví điện tử Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh

Ưu thế về lượng, song thực tế chỉ một vài trong số hơn 20 ví điện tử Việt Nam được biết đến và sử dụng phổ biến khiến nhiều người không khỏi đặt ra câu hỏi về khả năng cạnh tranh của phần lớn các sản phẩm nội còn lại.

Ngoài MoMo (hướng đến thông minh hóa, năng động hóa dịch vụ), Zalo Pay (tận dụng nền tảng Big Data và thương hiệu từ Zalo) , Bank Plus (được Viettel và MBBank “bảo trợ”) hay Payoo (lợi thế từ lượng người dùng lớn và phạm vi rộng khắp của các cửa hàng tiện ích), những cái tên khác trên thị trường như 1Pay, Bảo Kim, Vimo, Mobivi, eDong, Ví FPT, eMonkey, Pay365, TopPay… vẫn còn gặp hạn chế trên chặng đường “lấy lòng” thị trường vì chưa xây dựng được khả năng nhận diện, chiến lược hiệu quả hoặc ưu thế cạnh tranh thật sự nổi bật.

Ở khía cạnh khác, nhờ đầu tư cho công nghệ, thương hiệu và yếu tố địa phương hóa, các sản phẩm ngoại, dù ra đời sau và khiên tốn về số lượng, lại đang thể hiện sự “dai sức” trong cuộc đua ví điện tử so với các đối thủ từ nội địa.

Đơn cử, với định hướng liên tục hoàn thiện công nghệ, Samsung Pay vừa qua lại có cập nhật với hệ thống ngân hàng mở rộng và nhiều tính năng hoàn toàn mới.

Theo đó, người dùng Samsung Pay nay có thể thực hiện giao dịch với thẻ nội địa từ 11 ngân hàng và thẻ quốc tế từ Vietinbank, Sacombank, TP Bank, Maritime Bank, Ngân hàng Sài Gòn (SCB), FE Credit… thay vì 6 ngân hàng cho thẻ nội điạ và 3 ngân hàng đối với thẻ quốc tế như trước đây.

Về công nghệ, ngoài 3 ưu điểm nổi bật về thanh toán di động như đơn giản, an toàn và tiện lợi, Samsung Pay tiếp tục giúp người dùng tận hưởng một lối sống đầy tiện ích với những tính năng hoàn toàn mới như thanh toán bằng đồng hồ thông minh Gear S3, rút tiền ATM qua điện thoại (các chủ thẻ của ngân hàng Shinhan đã có thể thực hiện rút tiền bằng Samsung Pay tại các máy ATM một cách tiện lợi mà không cần thẻ) và tích hợp thẻ thành viên (các loại thẻ thành viên, thẻ tích điểm, thẻ ưu đãi… có thể gói gọn trong Samsung Pay)

Còn với ví điện tử GrabPay của Grab, sau một thời gian xuất hiện như 1 công cụ thanh toán điện tử cho các dịch vụ vận chuyển của mình, gần đây đã phát triển thêm tính năng P2P (peer-to-peer) tại Malaysia và Singapore cũng như hỗ trợ thanh toán tại điểm mua sắm và nhà hàng dành cho thị trường Singapore.

Đối với Việt Nam và các thị trường khác tại Đông Nam Á, nguồn tin từ Grab cho biết đang có kế hoạch làm việc với phía lãnh đạo và đối tác để khai thác các dịch vụ tương tự từ GrabPay, hướng đến mục tiêu mang đến công cụ tài chính toàn diện (financial Inclusion) cho cộng đồng người tiêu dùng.

Nhiều dự đoán cho rằng GrabPay chắc chắn sẽ là đối thủ nặng ký trong cuộc đua phát triển ví điện tử sau khi mở rộng tính năng thanh toán tại Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung.

Vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá về giữa các ví điện tử có mặt tại Việt Nam, song với sự quan tâm của các doanh nghiệp nước ngoài vào “miếng bánh” này, ở mức độ nhất định, cuộc đua ví điện tử dường như đã trở nên sôi động, yêu cầu về thái độ nhập cuộc “tỉnh táo” từ các doanh nghiệp trong nước do đó cũng cần thiết hơn.

Để có vị trí cạnh tranh so với các ông lớn nước ngoài, sản phẩm nội phải tận dụng tốt hơn yếu tố địa phương cũng như đầu tư thêm về nhiều mặt, trong đó có công nghệ, chiến lược quảng bá và xây dựng hệ sinh thái đối tác.

Tính đến thời điểm này, đã có 15 ngân hàng và 3 tổ chức chuyển mạch thẻ tham gia vào mạng lưới thanh toán di động Samsung Pay, chiếm 75% thị trường thẻ thanh toán nội địa.