CPTPP mang lại cơ hội rất lớn và thách thức là có thể kiểm soát

Hoàng Nguyên

Tham gia các FTA là cơ hội để tăng năng suất lao động, giảm dần việc gia công lắp ráp

Với CPTPP các doanh nhiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường  với quy mô dân số 499 triệu dân, chiếm 13,5% GDP toàn cầu và 14,4% quy mô thương mại so với toàn thế giới.

Đánh giá việc  tham gia Hiệp định CPTPP với doanh nghiệp , Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Ngô Chung Khanh cho biết tại buổi họp báo, ngày 05/4/2019, của Bộ Công Thương, đây là cơ hội có tầm quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam

Tuy nhiên với vai trò quản lý nhà nước,  cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường kinh doanh, được ông Khanh đề cập đầu tiên khí nói về những thông tin cơ bản liên quan đến kế hoạch và tình hình triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP của Bộ Công Thương

Theo đó, các cam kết sâu rộng trong lĩnh vực dịch vụ – đầu tư sẽ giúp Việt Nam có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài.

Về xuất khẩu hàng hóa, với quy mô dân số 499 triệu dân, chiếm 13,5% GDP toàn cầu và 14,4% quy mô thương mại so với toàn thế giới, Hiệp định CPTPP sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu khi các nước giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của ta.

Vẫn theo ông Khanh,  doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi.

Đối với 3/10 nước hiện ta chưa có FTA là Ca-na-đa, Pê-ru và Mê-hi-cô, những lợi ích trong việc tiếp cận thị trường, kể cả về hàng hóa và dịch vụ của 3 nước này là rất đáng kể.

Với mức độ cam kết mở cửa thị trường nêu trên, theo nghiên cứu chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 4,04% đến năm 2035.

Đồng thời, dự báo đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 tỷ đô-la Mỹ lên 80 tỷ đô-la Mỹ, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

Khái quát cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nâng tầm nền kinh tế rõ hơn qua các con số.

Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt hơn 74 tỷ đô-la Mỹ năm 2018 trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2018 đạt 480,17 tỷ đô-la Mỹ.

Với quy mô kim ngạch thương mại này, tham gia các FTA này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp khi chuỗi cung ứng mới hình thành, là điều kiện quan trọng để nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế, tăng năng suất lao động, giảm dần việc gia công lắp ráp, tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.

Với thị trường  như thế, ngay cả gặp những thách thức như sức ép cạnh tranh, là vấn đề đầu tiên đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam, nó chính là động lực cho các doanh nghiệp liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Thách thức quan trong hơn về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế, ông Khanh cho biết, các cam kết nhiều lĩnh vực toàn diện của các Hiệp định này cũng đặt ra yêu cầu cải cách thể chế, các quy định trong nước liên quan của Việt Nam cho phù hợp với các cam kết quốc tế.

Tuy nhiên, cơ bản những sửa đổi, điều chỉnh này phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước.

“Tham gia CPTPP mang lại cơ hội là rất lớn và thách thức là có thể kiểm soát được nếu ta có kế hoạch và lộ trình thực hiện phù hợp kèm theo hành động quyết liệt của tất cả các chủ thể gồm Chính phủ, doanh nghiệp và người dân”, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Ngô Chung Khanh nói.