Cơ hội “vàng” của xuất khẩu thủy sản Việt Nam khi EVFTA chính thức được ký kết

Thanh Phong – Văn Nhạn

Ngày 30.6 tới đây, EVFTA sẽ ký kết. Theo đó, sẽ mở ra cơ hội “vàng” cho Việt Nam để gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào EU. Trong đó, thủy sản là ngành dự báo sẽ có nhiều lợi thế để bứt phá từ hiệp định này.

Việt Nam có ngành hàng thuỷ sản xuất khẩu chủ lực là con tôm vào EU đang chịu mức thuế từ 4 – 11%. Ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam được ký kết, mức thuế này sẽ được gỡ bỏ. Trong thời gian tới, các sản phẩm tôm khi xuất khẩu vào EU sẽ được hưởng thuế suất 0%. Đây là cơ hội để nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm thủy sản nước ta vào một thị trường tiềm năng như EU.

Hàng năm, xuất khẩu tôm của một doanh nghiệp vào EU đạt khoảng 30 triệu USD. Đồng thời, doanh nghiệp phấn khởi và đưa ra mục tiêu cao hơn khi sắp tới EU cắt giảm các dòng thuế quan. Với giá trị xuất khẩu đạt hơn 1,4 tỷ USD mỗi năm, hiện EU là thị trường lớn thứ 2 nhập khẩu thủy sản Việt Nam. Vị trí này sẽ được nâng cao hơn nếu ngành thủy sản nước ta biết tận dụng tốt các cơ hội do Hiệp định thương mại tự do này mang lại.

Vào cuối tháng 6 năm 2019, Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) sẽ chính thức được ký kết. Trong vòng 7 năm, có tới gần 100% dòng thuế được cắt giảm về 0%.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2019, Việt Nam đang bước vào thời kỳ mới với các FTA thế hệ mới, Chương trình hành động của Chính phủ trong thời gian tới yêu cầu ngành nông nghiệp, trong đó có thuỷ sản. Cùng với đó, cần nâng tầm của mình lên giai đoạn mới. Đây sẽ không còn là câu chuyện của Trung ương, địa phương với doanh nghiệp mà là chung tầm nhìn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, nhấn mạnh: “Trong năm 2019, cần khắc phục cho được những hạn chế, trước hết là công tác phát triển thị trường. Xuất khẩu nông sản, thuỷ sản năm 2019 có thể tăng lên hay không? Năng lực sản xuất đáp ứng được nhưng phải khai thác được thị trường các nước tham gia CPTPP, EVFTA… Do vậy, cần phải tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở cửa thị trường, khai thác cơ chế ưu đãi thuế quan và khắc phục các hàng rào kỹ thuật”.