Chuyển đổi số nhưng chúng tôi vẫn phải in hàng đống giấy tờ thủ tục thuế, quá xót cho môi trường
Người dân làm thủ tục thuế - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Với mỗi dự án dù lớn hay nhỏ, chúng tôi phải tuân theo quy trình 7 bước của cơ quan thuế. Mọi thanh toán tiền mặt đều phải in thành 1 tờ duyệt chi, đủ chữ ký của thủ quỹ, kế toán, người nhận tiền, kể cả cho những món 10.000 – 20.000 đồng..

Chúng tôi là một doanh nghiệp nước ngoài, đầu tư vào lĩnh vực gia công phần mềm ở Việt Nam. Hiển nhiên chúng tôi rất vui mừng khi đọc rất nhiều thông tin trên báo chí về việc Chính phủ Việt Nam quyết tâm “số hóa”, thậm chí còn có ngày 10-10 chuyển đổi số quốc gia.

Tuy nhiên làm trong ngành công nghệ số này, chúng tôi lại đang chứng kiến cảnh ngược đời của hành trình “đảo ngược số hóa”, khi rất nhiều thứ chúng tôi lưu trữ số đang bị yêu cầu “IN RA GIẤY”.

Với đặc thù của ngành lập trình phần mềm, hầu như tất cả các trao đổi của công ty chúng tôi và khách hàng khắp nơi trên thế giới đều chỉ dùng văn bản chia sẻ, hay đính kèm tập tin, hay trao đổi email, chat. Không ai yêu cầu nhau phải in ra, ký chữ ký tươi, mực xanh hay bút đỏ rồi gửi bưu điện đi lòng vòng.

THẾ NHƯNG… để chứng minh mình là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm (để được hưởng các ưu đãi về thuế), với mỗi dự án dù lớn hay nhỏ, chúng tôi phải tuân theo quy trình 7 bước của cơ quan thuế, từ chứng từ báo giá, đến hợp đồng, đến bằng chứng đã hoàn thành đơn hàng gửi cho khách, đến nghiệm thu…

Không nói đến việc quy trình 7 bước này thực tế không hợp lý, vì không phải doanh nghiệp nào cũng làm việc với khách hàng theo các bước ấy, điều nói ở đây là để phục vụ mục đích kiểm tra thuế, chúng tôi phải in hết tất cả chứng từ liên quan đến các bước này ra.

Kế đến, do quy định của thủ tục kế toán, tất cả mọi thanh toán tiền mặt của chúng tôi, dù rằng thủ tục nội bộ là chỉ cần sếp duyệt qua email, nhưng đều phải in hết ra thành một tờ duyệt chi, đủ chữ ký của thủ quỹ, kế toán, người nhận tiền, kể cả cho những món 10.000 – 20.000 đồng để mua chanh mua muối.

Nhìn đống giấy ngồn ngộn dùng để in những nội dung không cần thiết, chúng tôi xót xa cho môi trường, cho cây rừng vô kể. Đó là chưa kể đến bao chi phí nhân công tăng thêm cho phòng kế toán để in ra, sắp xếp, lưu trữ những giấy tờ này.

Chúng tôi hiểu rằng để chuyển mình, cần có những bước đi đầu tiên, làm thí điểm vài chỗ, rồi nhân rộng ra. Vậy thì, nên chăng Chính phủ Việt Nam chọn ngay cái ngành đầu tiên, rõ ràng nhất, dễ dàng số hóa nhất, là ngành phần mềm nói riêng và công nghệ nói chung, để thử nghiệm thay đổi những thủ tục đã không còn hợp thời liên quan?

Theo Tuổi Trẻ