Chuyển đổi số mang tính sống còn của doanh nghiệp

Nguyễn Minh

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Kinh tế số và thương mại điện tử là nền tảng quan trọng giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào thị trường toàn cầu.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ tại Diễn đàn “Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, Tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Công Thương và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đồng  tổ chức ngày 28/7.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, thế giới đang bước vào giai đoạn biến đổi khó lường dưới tác động của dịch bệnh. Bên cạnh những thách thức thì cũng có cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang tới.

Cần được lan tỏa

Phát triển bền vững và bao trùm đang trở thành yêu cầu quan trọng nhất của mọi nguồn kinh tế. Để làm được điều này, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, các hộ kinh doanh gia đình có thể tham gia vào nền thương mại toàn cầu đang trở thành yêu cầu hết sức quan trọng.

“Thị trường toàn cầu không chỉ là sân chơi riêng của các doanh nghiệp lớn, mà phải là nơi để các lợi ích được lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ gia đình. Thước đo đánh giá sự thành công của hội nhập là có kéo được khu vực kinh tế như các hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ tham gia vào thị trường toàn cầu hay không”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA đều có điều khoản riêng về thương mại điện tử.

Trong đó đề cao cam kết của các chính phủ trong việc thúc đẩy thương mại điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thương mại điện tử qua biên giới, đảm bảo lợi ích, bí mật thông tin của người tiêu dùng cùng với quyền tự do của các doanh nghiệp thương mại điện tử trong việc triển khai kinh doanh.

“Đây là yêu cầu đối với các nền kinh tế tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đồng thời cũng là cơ hội cho thương mại điện tử phát triển, đặc biệt là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ có thể tham gia vào thị trường toàn cầu”, TS. Vũ Tiến Lộc nói.

Vẫn theo TS. Vũ Tiến Lộc, nền tảng này không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia và phát triển trong môi trường toàn cầu hóa, mà còn là mô hình kinh doanh kỹ thuật để cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể ứng phó linh hoạt với những thay đổi của tình hình kinh tế thế giới.

Như dịch bệnh Covid-19 là tác nhân khiến thế giới phải đứng trước những biến đổi khôn lường.

Do đó, thực hiện nền tảng thương mại điện tử, chuyển đổi số sẽ là yêu cầu quan trọng và mang tính chất sống còn của các doanh nghiệp, không chỉ với các doanh nghiệp lớn mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp nhỏ để nâng cao năng lực cạnh tranh và nhanh chóng thích nghi với những biến đổi của môi trường kinh doanh thời gian tới.

Tự tin tham gia thị trường toàn cầu

Tuy nhiên, theo TS. Vũ Tiến Lộc, cho đến thời điểm hiện nay, vấn đề chuyển đổi số cũng như áp dụng thương mại điện tử vẫn còn khá “xa lạ” đối với nhiều doanh nghiệp của Việt Nam.

Có quan điểm cho rằng, đây là việc của các doanh nghiệp lớn và không nhìn nhận việc này cũng chính là yêu cầu đối với các doanh nghiệp nhỏ.

Để thực hiện nghị quyết của Chính phủ trong việc thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, thì cần phải tăng cường hơn nữa các hoạt động, vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp.

Ảnh minh họa (Internet)

Bên cạnh đó cần triển khai các chương trình trợ giúp cho các doanh nghiệp, cùng với tạo hệ sinh thái cho nền kinh tế số phát triển tại Việt Nam. Một trong những yêu cầu quan trọng nhất là tính lan tỏa các thực tiễn tốt của các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô về khả năng tiếp cận kỷ nguyên số.

Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp thành lập bộ phận riêng phụ trách kinh tế số, và có riêng bộ phận đặc trách chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nhìn nhận bộ phận tham mưu và các cán bộ đó như “cánh tay phải” của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc định hình và định hướng cho sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.

“Có thể nói rằng, với nền tảng hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể từng bước đưa các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình cùng tham gia vào nền kinh tế số và phát triển thị trường trên phạm vi toàn cầu”, TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, cùng với cơ hội từ EVFTA, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C).

“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg cũng như Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025 đều xác định rõ chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam nhằm đẩy mạnh hiện đại hoá hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

“Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin từ rất sớm để cải cách thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Quá trình chuyển đổi số hay điện tử hoá trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đã góp phần làm giảm khối lượng công việc và hồ sơ giấy phải lưu tại cơ quan, tổ chức xử lý thủ tục hành chính”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết.

Nhờ vậy, đã góp phần tăng chất lượng dịch vụ công và thời gian để giải quyết các hồ sơ của các thủ tục hành chính.

Lợi ích to lớn của chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.