Chu Lai đại bản doanh của tổ hợp công nghiệp thành công hàng đầu của cả nước.

Nguyên Hoàng

Ảnh: VGP

Phát biểu tại buổi lễ, khởi công các dự án đầu tư tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, sáng 24/3 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, gần 20 năm trước, ít ai có thể hình dung một vùng đất cằn cỗi, hoang hóa như Chu Lai lại có thể trở thành nơi đặt đại bản doanh của một trong những tổ hợp công nghiệp thành công hàng đầu của cả nước.

Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp của Thaco tại Chu Lai đạt gần 42 ngàn tỉ đồng, đảm bảo công ăn việc làm cho gần 9 ngàn, đóng góp gần 16 ngàn tỉ đồng thu ngân sách địa phương.

Từ hơn 15 năm, trước khi Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI ra đời, Thaco nói riêng, khu kinh tế mở Chu Lai nói chung đã góp phần khẳng định một cách đúng đắn từ rất sớm vai trò động lực quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là đối với một trong những vùng đất mà người xứ Quảng hay gọi là “chó ăn đá, gà ăn sỏi” ở khúc ruột miền Trung.

“Tại sao Chu Lai thành công, điều gì cần rút ra từ câu chuyện này, kể cả những bài học thực tiễn, những tư duy chiến lược cần đúc rút”, Thủ tướng đặt vấn đề và khái quát 6 điểm chính rút ra từ trường hợp Chu Lai, Thaco.

Trước hết, tài nguyên quan trọng hàng đầu của Chu Lai nói riêng, cả nước nói chung, không nằm dưới lòng đất hay ngoài biển khơi, mà ở trong chính khối óc, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và khát vọng vượt lên chính mình của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Đó là lí do từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, vận động, đánh thức tinh thần khởi nghiệp, khát vọng dân tộc trong mỗi doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Muốn thành công, địa phương cần vận động bằng được những con sếu đầu đàn, có khả năng đi trước dẫn đường. Vận động được nhà đầu tư chỉ là bước đi thành công đầu tiên trên một hành trình dài.

Địa phương, đặc biệt là cấp lãnh đạo phải luôn đồng hành, sát cánh cùng nhà đầu tư, coi uy tín doanh nghiệp là chính uy tín của mình, xem khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của chính mình và mỗi thành quả mà doanh nghiệp đạt được cũng là thành quả của chính địa phương.

Ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư phải xây dựng cho mình tư tưởng tương tự. Chìa khóa quan trọng để thực hiện được điều này là công thức 3 bên cùng thắng, tức win-win-win chứ không chỉ win-win: Giữa Đảng bộ, chính quyền – cộng đồng doanh nghiệp – nhân dân địa phương; đồng thời giữ vững nguyên tắc “3 trong 1” là kinh tế – xã hội và môi trường trong mọi lựa chọn chiến lược và mô hình phát triển.

Thành công nhung cũng phải không ngừng đổi mới sáng tạo trong cách tiếp cận trong cùng một vấn đề, trong chính những việc mình đã và đang làm rất tốt.

Đặc biệt Thủ tướng nhấn mạnh, trong mọi đột phá về chiến lược thì đột phá về phương diện thể chế – cơ chế – chính sách luôn đóng vai trò tiên quyết. Điều này không chỉ phụ thuộc vào những chuyển động từ cấp Trung ương, mà địa phương cũng là chất xúc tác chiến lược, đóng góp những ví dụ thực tiễn quan trọng cho những hoạch định chiến lược và chính sách cấp Trung ương.

“Nếu ai đó còn băn khoăn điều này thì hãy nhớ lại lịch sử đổi mới của Việt Nam, kể từ chính sách khoán hộ của Kim Ngọc cho đến giai đoạn đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của địa phương.

Chính những chuyển động sâu sắc, hiệu lực và hiệu quả ở cấp địa phương (còn gọi là năng động, sáng tạo) đã góp phần quan trọng vào thành quả đổi mới chung của cả nước, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng”.

Thủ tướng dẫn chứng và nhấn mạnh: “Còn có những bài học quan trọng nữa nhưng hôm nay tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh những bài học này; để từ đó soi chiếu trở lại bối cảnh Chu Lai trong giai đoạn phát triển mới”.

“Đứng tại nơi đây, tôi đang hình dung rõ ràng về một Chu Lai không chỉ là khu sản xuất cơ khí ô tô nổi tiếng mà trong tương lai gần sẽ đóng góp quan trọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm đồ gỗ nội thất của thế giới và một Chu Lai khởi nghiệp để trở thành trung tâm chế biến nông lâm sản chất lượng cao của cả nước, có khả năng vươn tới những thị trường tiêu dùng, có sức cầu lớn ở các nước ASEAN, Đông Bắc Á, G7 và G20…”