Chính sách đúng hướng giúp kinh tế Việt Nam giảm tác động tiêu cực

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, các chính sách điều hành đúng hướng, kịp thời đã giúp Việt Nam tránh được các cú sốc từ bên ngoài, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng.

Các cân đối vĩ mô được bảo đảm

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng trong quý III và quý IV/2022, nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam có khả năng tăng trưởng chậm lại khiến cầu hàng hoá có thể bị ảnh hưởng. Điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Việc đứt gãy nguồn cung do dịch COVID-19 tiếp tục xảy ra, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là với các DN phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào.

Đáng lưu ý, trong bối cảnh nhiều nước chạy đua tăng lãi suất, để kiểm soát lạm phát, thì hệ thống ngân hàng ở Việt Nam cũng sử dụng công cụ này. Tuy lãi suất có tăng thời gian qua nhưng cần ghi nhận ngành ngân hàng duy trì lãi suất cho vay một cách hợp lý, không để xảy ra tình trạng tăng nóng, gây lạm phát.

Theo chuyên gia, tín dụng tăng trưởng nhanh nhưng vẫn cẩn trọng để đến cuối năm không vượt quá cao so với mức 14-15%, đáp ứng đủ cho nhu cầu tăng trưởng.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng nhìn vào diễn biến kinh tế quý I, II/2022, có nhiều điểm sáng. Trong đó, khu vực dịch vụ, du lịch tăng trưởng mạnh mẽ; xuất khẩu tăng trưởng tới 17,5% là điểm đáng ghi nhận.

Vị chuyên gia này tin tưởng, trong thời gian tới, khi tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, kinh tế Việt Nam sẽ đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

Về vấn đề lương thực, hiện nhiều nước xảy ra tình trạng gặp khó khăn trong cung ứng lương thực và có thể tác động lớn tới tăng trưởng kinh tế.

Còn ở Việt Nam, nông nghiệp phát triển tốt, là bệ đỡ quan trọng cho nền kinh tế trong lúc khó khăn. Giá cả lương thực thực phẩm không tăng quá cao và vẫn có nhiều sản phẩm xuất khẩu tạo thêm một yếu tố tăng trưởng trong tương lai…

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh đồng tình với quan điểm của Chính phủ trong việc quản lý thị trường bất động sản (BĐS) và chứng khoán. Việc tăng cường, quản lý chặt hơn lĩnh vực BĐS và chứng khoán là cần thiết nhằm tránh tình trạng “bong bóng”.

“Nếu BĐS không tăng trưởng sẽ làm ách tắc các ngành liên quan, tạo sức ép lạm phát. Việc các nhà đầu tư mang nợ xấu có thể kéo hệ thống tài chính tiền tệ đi xuống…

Do đó, Chính phủ đang có bước đi hợp lý bảo đảm kiểm soát lạm phát đi đôi với các chính sách hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ không để ảnh hưởng đến đà tăng trưởng đang hồi phục”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói.

Tận dụng cơ hội, vượt thách thức khi chuỗi cung ứng gặp khó khăn

Nhấn mạnh việc tận dụng cơ hội thương mại quốc tế, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thường Lạng cho rằng bối cảnh kinh tế quốc tế biến động, Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp cần hết sức chú trọng đến việc gia tăng năng lực cạnh tranh.

Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu trên rất cả các thị trường và tất cả mặt hàng, tổ chức các hội chợ, diễn đàn để tìm thêm đối tác mới bên cạnh duy trì đối tác truyền thống. Phát huy mạnh hơn vài trò các sàn giao dịch hàng hoá, khai thác sâu vai trò các nền tảng thương mại điện tử.

Tăng cường nghiên cứu và thâm nhập sâu thị trường đối tác là thành viên các hiệp định thương mại tự do, hỗ trợ doanh nghiệp tìm đối tác, đáp ứng kịp thời yêu cầu về hàng rào kỹ thuật, vệ sinh, quy tắc xuất xứ, mã số vùng trồng.

Do chuỗi cung ứng nhiều nơi trên thế giới bị ảnh hưởng do dịch bệnh, đặt ra các thách thức cũng như cơ hội cho các DN Việt Nam. Vì vậy, cần động viên, khuyến khích doanh nghiệp Việt đầu tư bên cạnh việc sản xuất hàng xuất khẩu, tiến tới hợp tác, tiếp nhận tốt công nghệ sản xuất cũng như mô hình quản lý nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong bối cảnh rủi ro khủng hoảng lương thực toàn cầu, Việt Nam cũng cần tính toán để có khối lượng nguồn hàng dự trữ hợp lý, nâng cao chất lượng và hệ thống phân phối, bảo quản để hoạt động thương mại quốc tế đạt hiệu quả.

Bên cạnh các đối tác truyền thống, Việt Nam cần mở rộng với các đối tác mới. Ví dụ như triển khai đàm phán các ký kết hiệp định thương mại với các nước Trung Đông- nơi dân số thu nhập cao.

Đây là thị trường về thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm và dịch vụ hầu như chưa được doanh nghiệp Việt khai thác. Vì thế cần có định hướng chiến lược hiệu quả hơn cho khu vực này.

Trong điều kiện lạm phát tại nhiều nước đang cao hơn Việt Nam, xu hướng thiếu hàng hoá ở nhiều nơi nên chúng ta cần kết nối với đối tác để xây dựng chuỗi cung ứng.

Cần ổn định đồng tiền Việt Nam để tạo thuận lợi trong ổn định chi phí xuất khẩu của doanh nghiệp, ổn định và mở rộng thị trường, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận. Các chương trình hỗ trợ tài khóa và tiền tệ của Chính phủ là hết sức cần thiết.

Các DN cần tận dụng cơ hội có chiến lược đầu tư bài bản hơn, để có các sản phẩm mới, bản sắc có tiềm năng xuất khẩu cao trong dài hạn.

“Nếu đầu tư thỏa đáng về vốn, kỹ thuật và thị trường, Việt Nam sẽ có thêm hàng ngàn sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của đối tác trong thời gian tới”, chuyên gia Nguyễn Thường Lạng kỳ vọng.

Theo VGP

https://baochinhphu.vn/chinh-sach-dung-huong-giup-kinh-te-viet-nam-giam-tac-dong-tieu-cuc-102220724170042636.htm