Chính phủ yêu cầu nâng tỉ lệ tham gia bảo hiểm xã hội lên 45%
Chính phủ yêu cầu các bên liên quan có các giải pháp nâng chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội lên 85% - Ảnh: HÀ QUÂN

Phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45%, khoảng 35% người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Đó là yêu cầu của Chính phủ trong nghị quyết 06 về phát triển thị trường lao động linh hoạt và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế – xã hội.

Thêm hàng triệu người tham gia bảo hiểm xã hội

Nghị quyết 06 nêu rõ hàng triệu lao động bị giảm giờ làm, giảm thu nhập, tạm dừng việc, mất việc làm, thất nghiệp do dịch COVID-19. Gần 2 triệu lao động phải rời khỏi thị trường lao động. Từ đó, có tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn…

Do vậy, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh thành tiếp tục triển khai các giải pháp đột phá về phát triển nguồn nhân lực. Chẳng hạn như nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thông qua thẻ học nghề cho người lao động.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỉ trọng lao động nông nghiệp chỉ khoảng 25%. Tốc độ tăng năng suất lao động trên 6,5%/năm. Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%.

Khoảng 25% lực lượng lao động được đào tạo lại, đào tạo thường xuyên. Tỉ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%. Trong khi đó, tỉ lệ lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45%, khoảng 35% người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp…

Để thực hiện tốt, Chính phủ lưu ý tăng cường thanh tra, kiểm tra và có chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm về ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội và các chế độ an sinh xã hội khác cho người lao động.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hết năm 2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 17,5 triệu người (trên 38% lực lượng lao động trong độ tuổi). Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt trên 14,3 triệu người (khoảng 31%) lực lượng lao động.

Chính phủ lưu ý bổ sung chức năng trung tâm chất lượng cao để hình thành 3 trung tâm quốc gia đào tạo, thực hành chất lượng cao tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM - Ảnh: HÀ QUÂN

Hướng tới người nghèo, cận nghèo, hải đảo

Trong nghị quyết, Chính phủ nhấn mạnh việc nghiên cứu, đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng lao động đặc thù, lao động yếu thế, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người sinh sống ở địa bàn nghèo, khó khăn, bãi ngang, ven biển, hải đảo…

Các bên liên quan có trách nhiệm tăng cường nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, việc làm xanh, việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính phủ lưu ý ưu tiên bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai các chương trình giải quyết việc làm, đào tạo nghề.

Trong đó, đào tạo nghề tập trung cả về chất, lượng, cơ cấu, trình độ. Nhất là các ngành nghề khoa học – kỹ thuật – công nghệ và chuyên ngành mới trong chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain)…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện nghị quyết này.

Theo Tuổi Trẻ