Chia sẻ dữ liệu công nghệ vệ tinh dẫn đường toàn cầu

Hệ thống các trạm định vị vệ tinh quốc gia đang được triễn khai nằm trong Dự án “Xây dựng mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam”

Theo Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam, dự án nhằm mục tiêu ứng dụng các dịch vụ, tiện ích mà công nghệ vệ tinh dẫn đường toàn cầu (GNSS) đem lại trong ngành Tài nguyên và Môi trường nói chung và đo đạc bản đồ nói riêng. Ngoài ra, còn đáp ứng các yêu cầu về định vị độ chính xác cao của các ngành khác như giao thông, xây dựng, nông nghiệp…

Mạng lưới trạm định vị toàn cầu (trạm CORS) sẽ trực tiếp giải quyết các bài toán đòi hỏi độ chính xác cao trong nghiên cứu trái đất, quan trắc dịch chuyển mảng kiến tạo, dự báo động đất, quan trắc lún trên diện rộng và đặc biệt là có khả năng cung cấp vị trí chính xác cỡ centimet đang rất cần thiết trong đo đạc bản đồ hiện nay.

Ứng dụng quan trọng nhất của công nghệ này trong đo đạc bản đồ, quản lý đất đai chính là việc sử dụng số liệu cải chính mà hệ thống cung cấp để đo động thời gian thực (Network Real Time Kinematic – NRTK) với độ chính xác cỡ 2 – 4 cm đáp ứng được hầu hết độ chính xác của tất cả các loại bản đồ hiện nay.

Hiện nay đã có hơn 280 tổ chức cá nhân đăng ký sử dụng dịch vụ RTK qua RTCM của Cục. Số lượng thiết bị thường xuyên kết nối sử dụng khoảng 20 thiết bị và chắc chắn sẽ tăng lên khi hệ thống tại khu vực miền Trung và Nam bộ đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, công nghệ này còn được ứng dụng trong thành lập bản đồ địa hình với độ chính xác vị trí trong đo đạc bản đồ địa hình thường có yêu cầu thấp hơn nhiều so với bản đồ địa chính. Tuy nhiên, trong bản đồ địa hình, yếu tố độ cao lại đóng vai trò quan trọng.

Theo quy hoạch, toàn bộ lãnh thổ Việt Nam sẽ có khoảng 160 trạm CORS. Dự án này mới chỉ xây dựng 65 trạm, các khu vực còn lại cần có sự góp sức của UBND các tỉnh, các Sở Tài nguyên Môi trường trong việc chêm dày mạng lưới trạm CORS trên cơ sở 24 trạm Geoditic CORS của Bộ Tài nguyên và Môi trường để chia sẻ dữ liệu dùng chung.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hệ thống các trạm định vị vệ tinh quốc gia là công nghệ quan trọng không chỉ ứng dụng cho ngành đo đạc và bản đồ, quản lý đất đai mà trong tương lai sẽ còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác như khí tượng thủy văn, khoa học trái đất, vận tải, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng, giao thông…

Vì vậy cần tăng cường quảng bá công nghệ này đến các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp để đẩy mạnh việc chia sẻ, dùng chung dữ liệu và ứng dụng phục vụ sự phát triển của nhiều lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

PV