Chìa khóa số hóa cho chi tiêu của người Nhật

Minh Đức (Theo Nikkei)

Chẳng bao lâu nữa, tiêu dùng của các hộ gia đình Nhật Bản có thể sẽ được thúc đẩy mua sắm thỏa thích, khi chính phủ đưa ra các khoản hỗ trợ tiền mặt sau khi đại dịch tấn công nền kinh tế. Nhưng trong khi đó, thống kê cho thấy tiêu dùng của Nhật Bản giảm mạnh nhất trong số các nền kinh tế tiên tiến.

Doanh số bán lẻ hàng tháng ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến đều cao hơn so với thời gian trước đại dịch. Nhưng ở Nhật, vẫn dưới mức trước khi đại dịch xảy ra khi tiết kiệm của người dân hiện ở mức cao kỷ lục.

Để khiến mọi người chi tiêu nhiều hơn trong những khoản tích trữ này, nỗ lực số hóa hơn nữa nền kinh tế sẽ là điều cần thiết.

Trong quý 2, chi tiêu hộ gia đình hàng năm ở Nhật Bản đạt tổng cộng 266 nghìn tỷ yên (2,5 nghìn tỷ đô la), giảm 9% so với quý trước. Doanh số bán lẻ hàng tháng trong tháng Bảy thấp hơn 3% so với tháng Sáu.

Các nền kinh tế tiên tiến khác đang phục hồi nhanh hơn. Doanh số bán lẻ của các thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế đã tăng trung bình trên mức trước đại dịch vào tháng Sáu.

Nhưng dữ liệu di động của Google cho thấy nhiều người dân ở những quốc gia này đã không đến các khu mua sắm trong tháng 6 và tháng 7, điều này cho thấy số lượng lớn người đang mua sắm trực tuyến. Khoản hỗ trợ tiền mặt từ các chính phủ cũng thúc đẩy chi tiêu trực tuyến.

Ở Nhật Bản, đại dịch virus corona đã tấn công đất nước này vào mùa xuân, khiến người dân phải ở nhà và không tiêu tiền. Tokyo đã gấp rút thực hiện các chính sách hỗ trợ các hộ gia đình. Một trong những chính sách quan trọng là phát tiền mặt: 100.000 yên (khoảng 950 đô la) / người.

Mặc dù điều này sẽ làm sụt giảm tiền trong kho bạc của Nhật Bản khá lớn, nhưng chính sách này vẫn không khiến các hộ gia đình chi tiêu nhiều như chính phủ mong đợi.

Tiền mặt và tiền gửi của các hộ gia đình đã đạt mức kỷ lục 1,030 nghìn tỷ yên vào cuối tháng 6, tăng 30 nghìn tỷ yên so với ba tháng trước đó, hoàn toàn trái ngược với Hoa Kỳ, nơi người tiêu dùng đã và đang chi tiêu tiền mặt được chính phủ hỗ trợ và thúc đẩy nền kinh tế.

Vậy điều gì đang kìm hãm sự bùng nổ tiêu dùng ở Nhật Bản? Một số ý kiến cho rằng cần có nhiều sự phát triển hơn nữa trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Theo một cuộc khảo sát năm 2019 của công ty nghiên cứu Statista của Đức, 16% người Nhật cho biết họ đã không mua bất cứ thứ gì trên Internet trong năm trước.

Đây là mức cao nhất trong số các nền kinh tế tiên tiến và cao thứ 4 trong số 45 nền kinh tế, gồm cả các nền kinh tế đang phát triển.

Mặc dù con số này cho thấy Nhật Bản hiện đang tụt hậu trong việc áp dụng thương mại điện tử, nhưng cũng chỉ ra rằng một khi số hóa bắt đầu, đây lại là tiềm năng rất lớn để tăng chi tiêu hộ gia đình.

Ví dụ, công ty nội thất Nhật Bản Nitori đã bắt đầu mở rộng kinh doanh thương mại điện tử bằng cách sử dụng công nghệ thực tế tăng cường.

Thông qua ứng dụng điện thoại thông minh, khách hàng có thể thử nghiệm các loại đồ nội thất khác nhau trong phòng của họ. Loại công nghệ kỹ thuật số mới này đã tạo ra sự khác biệt tích cực cho doanh thu bán hàng của Nitori.

Từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay, doanh thu bán hàng trực tuyến của công ty này tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, công ty phân tích dữ liệu Nhật Bản Nowcast và nhà phát hành thẻ tín dụng JCB có dữ liệu cho thấy doanh số thương mại điện tử ở Nhật Bản đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, kể từ tháng 4.

Với việc đại dịch đã xảy ra nhiều tháng nay, người tiêu dùng cảm thấy mệt mỏi với việc ở nhà và sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn. Tuy nhiên, để chứng kiến ​​sự phục hồi hình chữ V trong nền kinh tế Nhật Bản, chính phủ và các công ty cần sử dụng các công nghệ chuyển đổi kỹ thuật số để kích thích khu vực hộ gia đình.