ChatGPT và cơn bão công nghệ có lấn vai người thầy?
Nguyễn Thúy Uyên Phương

ChatGPT và nhiều nền tảng công nghệ khác cho học sinh nguồn tiếp cận tri thức rộng lớn. Nếu người thầy không tự học công nghệ, đồng nghĩa họ sẽ đứng yên.

Học sinh hiện nay là thế hệ sinh ra hoàn toàn trong thời đại công nghệ, vì vậy khả năng sử dụng công nghệ rất tốt. Nhiều thầy giáo tâm sự với tôi rằng họ rất áp lực khi nhiều học sinh đã biết hơn mình rất nhiều nhờ các ứng dụng như Google, Netflix, YouTube… Công nghệ đã cho các em nguồn tiếp cận tri thức rộng lớn, đôi khi rộng hơn cả người thầy.
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương

“Tôi luôn tin vào sức mạnh của công nghệ và khả năng ứng dụng công nghệ vào giáo dục, nhưng để nói rằng công nghệ sẽ thật sự biến đổi giáo dục một cách mạnh mẽ, đôi khi tôi cảm giác ngày ấy còn xa. Dù vậy, khi tiếp cận với ChatGPT, tôi cảm nhận rằng tương lai kia sẽ đến sớm hơn rất nhiều”.

Đó là những góc nhìn của chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương – nhà sáng lập Trường Tomato Children’s Home – xung quanh chủ đề giáo viên và công nghệ.

Thách thức lớn cho người thầy truyền thống

* Từng trực tiếp hỏi đáp với ChatGPT, bà cảm nhận thế nào về AI này?

– Tôi bắt đầu hỏi ChatGPT những câu hỏi mang tính “ngoại giao” như “AI sẽ thay đổi giáo dục thế nào?”, “Là người làm giáo dục, tôi nên sử dụng AI ra sao?”. Vài phút sau, những câu trả lời tôi nhận lại chứa rất nhiều nội dung, được diễn đạt trôi chảy và lập luận thuyết phục.

Tôi thử thách ChatGPT ở mức độ cao hơn: giao viết một bài luận tiến sĩ về các phương pháp giáo dục mới mà tôi đang theo học ở ĐH Illinois (Mỹ). ChatGPT đã giải quyết gần như hoàn hảo, đúng theo chuẩn bài luận tiến sĩ.

Đáng nói hơn, ChatGPT chỉ mất 5 phút, trong khi tôi tốn ít nhất một buổi. Con tôi hôm ấy cũng đặt đề bài ChatGPT kể câu chuyện dựa vào ba từ khóa có sẵn, một phút sau đã có một câu chuyện rành mạch và hấp dẫn.

* Nhìn lại những ngày đầu bước vào hoạt động giáo dục đến nay, bà nhận thấy công nghệ đã thay đổi lĩnh vực này như thế nào?

– Trong hơn 10 năm qua, có thể thấy công nghệ đã giúp biến chuyển như vũ bão rất nhiều ngành như tài chính, ngân hàng, thương mại, quản trị, truyền thông, giải trí, thể thao…

Với giáo dục, những thay đổi có vẻ chỉ dễ thấy ở “phần cứng”: các trường được trang bị thêm máy tính, học sinh tiếp cận Internet, giáo viên soạn bài trên Word và PowerPoint, lưu trữ tài liệu trên Drive, Cloud.

Tuy nhiên, “phần mềm” có rất ít thay đổi. Các lớp học vẫn được tương tác theo hình thức giấy trắng bảng đen. Kỹ năng công nghệ của giáo viên ở nhiều nơi vẫn khá khiêm tốn. Trong nhiều chuyến tư vấn đến các trường tỉnh, tôi gửi đến một số tài liệu dạng file nén, nhiều thầy cô chưa biết giải nén thế nào.

Ở góc độ ngành giáo dục, việc chuẩn bị cho giáo viên bước vào thời đại công nghệ cũng chưa thật sự quyết liệt, chưa có sự bài bản. Thỉnh thoảng các giáo viên được tập huấn công nghệ vài ngày rồi thôi. Các kế hoạch thiếu đi tính chiến lược, đủ sâu và đủ rộng để hỗ trợ cho người thầy.

Dường như phần đông chúng ta vẫn có tâm lý rằng công nghệ thay đổi các ngành chứ làm sao thay thế được giáo viên. Nhưng hãy nhìn lại.

Trước khi Google ra đời, có lẽ không ai nghĩ rằng có một công cụ sẽ giúp bạn tra cứu mọi thứ. Hay những ngày đầu khi có Google Translate (Google Dịch), nhiều người chê cười những câu dịch ngớ ngẩn của nó, nhưng bây giờ nền tảng này đã tiến bộ đáng kinh ngạc.

ChatGPT cũng chỉ là một biểu hiện nhỏ của sự phát triển của công nghệ. Không chỉ sở hữu kiến thức khổng lồ, công nghệ hiện đã có thể giúp cho người học theo hướng cá nhân hóa, biết được đâu là điểm yếu của học sinh để lên kế hoạch giảng dạy hợp lý. V

ậy thì công nghệ rõ ràng đang đặt ra thách thức rất lớn cho người thầy truyền thống…

Trải nghiệm một nền tảng học từ xa, cho phép làm thí nghiệm hóahọc online - điều trước nay tưởng chừng không thể - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Để người thầy tự tin với công nghệ

* Vì sao tốc độ thay đổi công nghệ trong trường học Việt Nam vẫn còn khá chậm, thưa bà?

– Trong chương trình nghiên cứu tiến sĩ của mình, tôi có tìm hiểu về những yếu tố ảnh hưởng đến sự chấp nhận công nghệ. Một trong những yếu tố đầu tiên là động lực. Vì sao các trường tư thường áp dụng công nghệ nhiều hơn trường công. Một phần do phụ huynh là người trả tiền, và đó là động lực cho các trường thay đổi.

Thứ hai là thiếu “phần cứng”. Nhiều giáo viên không có thiết bị truy cập. Trường tôi là trường tư, nhưng khi giãn cách xã hội giáo viên phải dạy từ xa, một số thầy cô trăn trở máy tính, mạng Internet ở nhà không đủ mạnh. Chúng tôi đã phải cho mượn máy, thậm chí hỗ trợ nâng cấp đường truyền Internet cho giáo viên.

Vì vậy, tôi nghĩ cần quan tâm hơn đến trang bị máy tính cho giáo viên. Trong thời gian tới, Nhà nước hay các quỹ muốn hỗ trợ cho giáo dục Việt Nam có thể nghĩ đến các chương trình máy tính cho người thầy, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa. Đó sẽ là công cụ đầu tiên để họ tiếp cận công nghệ.

Cuối cùng là những hoạt động tập huấn, để giáo viên trước hết có sự tự tin và dần dần thành thạo công nghệ. Tập huấn không chỉ vài buổi theo kiểu “đến hẹn lại lên”. Từ offline sang online là cả một sự thay đổi hành vi. Nâng cao năng lực số cho giáo viên cần được thực hiện liên tục và lồng ghép vào các hoạt động hằng ngày.

Chuyển đổi số chính là chuyển đổi văn hóa. Ở đây lại rất cần vai trò của lãnh đạo trường học và của ngành giáo dục. Không thể chỉ giao công nghệ cho giáo viên rồi bắt họ áp dụng, mà người lãnh đạo cần tham gia trực tiếp và có sự sâu sát. Dồn hết tất cả cho giáo viên là khá vô trách nhiệm.

* Như vậy theo bà, cần hỗ trợ nhà giáo thế nào trong việc tiếp cận công nghệ?

– Tôi nghĩ nên bắt đầu với một chiến lược rõ ràng hơn là chỉ thực hiện những chương trình, đợt tập huấn nhỏ lẻ. Nên dựa trên những nghiên cứu để hình dung thế giới tương lai sẽ phát triển thế nào với công nghệ trong 10 – 15 năm tới.

Và trong thế giới ấy, những học sinh Việt Nam sau khi ra trường sẽ trở thành những công dân, những người lao động ra sao?

Từ định hướng này, chúng ta mới thiết kế các chương trình, kế hoạch, các bước hành động để đưa công nghệ vào giáo dục một cách hiệu quả. “Công nghệ hóa” giáo dục riêng lẻ, thiếu định hướng, không rõ đích đến sẽ dẫn tới sự loay hoay, thậm chí hỗn loạn.

Sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch học trực tuyến - Ảnh: NHƯ HÙNG

“Chịu học và dám dạy”

* Còn với thầy cô, đâu là những cách để họ chủ động với công nghệ trong giảng dạy, thưa bà?

– Tôi nghĩ trước hết sẽ là sự “chịu học”. Sẽ không có con đường nào khác ngoài việc tự học liên tục. Không tự học đồng nghĩa người thầy sẽ đứng yên, trong khi ngày nay học sinh ngày càng có nhiều công nghệ để tiếp cận những nền tảng cung cấp kiến thức.

Tiếp đó, theo tôi, là sự “dám dạy”. Bởi nếu không mang được những cái mới vào bài giảng, công sức tìm hiểu công nghệ của giáo viên sẽ không tác động đến học sinh. Giáo viên nên không ngừng thử thách bản thân bằng việc áp dụng sáng tạo công nghệ vào giảng dạy.

Chẳng hạn, thay vì cho bài tập đọc chép, giáo viên có thể cho học sinh dùng phần mềm Canva thiết kế lại bài học. Hoặc có thể giao học sinh làm bài tập sau đó dùng ChatGPT để đối chiếu kết quả.

Một số giáo viên từng nói với tôi, sợ rằng khi áp dụng những cái mới, liệu họ có được phép hay không? Tôi nghĩ sẽ không ai có thể khắt khe cấm các thầy cô làm những điều tích cực trong giảng dạy. Rào cản trước hết chính nằm ở chính mình mà thôi.

Theo Tuổi Trẻ