CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn: ‘Covid-19 không phải là trải nghiệm muốn lặp lại’
CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn tại toạ đàm trực tuyến với chủ đề ``Mặt trời ló dạng ở đâu``, tối 14/10. Ảnh chụp màn hình.

Thương mại điện tử được hưởng lợi trong thời gian dịch Covid-19 nhưng CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn khẳng định, đó không phải là trải nghiệm muốn lặp lại trong tương lai.

Điều này được ông Trần Ngọc Thái Sơn tiết lộ tại chuỗi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Mặt trời ló dạng ở đâu” do Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM (YBA) tổ chức tối 14/10. Chương trình có hơn 1.000 người tham gia, phần đông là các doanh nhân tại TP.HCM và trên cả nước.

Khách thay đổi rất nhiều

“Mọi người hay nói các công ty chuyên online, thương mại điện tử có lợi trong dịch nhưng thực chất là rất cực, và không phải là trải nghiệm chúng tôi muốn lặp lại trong tương lai”, ông Sơn nói.

Sở dĩ ông Sơn phải nói “rất cực” trong giai đoạn dịch vì các sàn thương mại điện tử không đơn thuần chỉ làm online, mà còn phải vận hành kho bãi, logistics, giao hàng.

Đợt dịch Covid-19 vừa qua, ngành thương mại điện tử được ưu tiên hoạt động, khu vực kho bãi không phải thực hiện “3 tại chỗ” nhưng cũng có những kho buộc phải đóng cửa.

Đó là chưa kể việc giao hàng trên phạm vi cả nước gặp trục trặc. Hàng nghìn người lao động không thể đi làm do nằm trong các khu vực phong tỏa.

“Trong khi đó, khách hàng thay đổi rất nhiều, hành vi của khách hàng thay đổi theo nhu cầu trong đợt dịch”, ông Sơn nói và cho biết thay đổi chóng mặt nhất chính là nhu cầu hàng tươi sống trên các sàn thương mại điện tử.

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức vận hành của các kênh bán lẻ, bán hàng online..

“Ngành bán lẻ đã thay đổi, dịch đẩy nhanh tốc độ thay đổi cơ cấu ngành bán lẻ. Ở Việt Nam, bán lẻ hiện đại chỉ 25%, 75% vẫn là chợ, tạp hóa. Các nước khác có thể chuyển dịch qua kênh hiện đại nhanh nhưng Việt Nam mất 10 năm thì tỷ lệ này cũng không thay đổi nhiều. Nhưng Covid-19 đã khiến cơ cấu này chuyển đổi nhanh hơn”, ông Sơn nói.

CEO Tiki chỉ ra, bán lẻ truyền thống chuyển dịch qua bán lẻ hiện đại, bán lẻ hiện đại qua kênh online và các kênh online thậm chí phải có mô hình mới.

Cụ thể, ở các sàn thương mại điện tử, ngay khi có Covid-19, các sàn đều chuẩn bị bán hàng tươi sống, đợt giãn cách lần thứ ba là đã vận hành và đợt 4 này đã hoạt động trơn tru hơn.

Ông Sơn khẳng định đây là một sự dịch chuyển quan trọng, không chỉ Tiki mà các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee… cũng đều chung tay, không có sự cạnh tranh.

“Một số ngành mất rất lâu để chuyển dịch như hàng tươi sống, thậm chí 10 năm nữa chưa chắc làm được nhưng tất cả đã thay đổi vì dịch”, CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn nói thêm.

Tiki vẫn giữ nguyên quan điểm IPO

CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn nói IPO (niêm yết trên sàn chứng khoán) là ước mơ 10 năm trước.

TP.HCM đã từng bước nới lỏng nhiều hoạt động, để khôi phục kinh tế từ ngày 1/10, ông Sơn cho rằng những ngành nào, doanh nghiệp nào vốn ít chịu ảnh hưởng như công nghệ thông tin, chuyển đổi số sẽ phục hồi nhanh hơn, thậm chí những doanh nghiệp vận hành toàn bộ 100% online trong mùa dịch lại đang trên đà phát triển.

Đang làm việc rất nhiều đối tác là doanh nghiệp vừa và nhỏ, CEO Tiki cho rằng không phải thấy Covid-19 là thay đổi chiến lược kinh doanh, thay đổi ngành hàng kinh doanh để thích ứng mà cần phải kiên định với mục tiêu ban đầu, uyển chuyển trong từng bước đi.

“IPO (niêm yết trên sàn chứng khoán) là ước mơ 10 năm trước, lúc chỉ có 3-5 người chúng tôi đã ước như vậy. Công việc có thể khó khăn, có thể thuận lợi cho mình đi nhanh hơn. Định hướng thì chỉ sớm hơn hoặc chậm hơn chứ chúng tôi không thay đổi”, nhà sáng lập Tiki khẳng định.

Theo ông Sơn, doanh nghiệp cũng ước mơ thu hút càng nhiều vốn đầu tư về Việt Nam phục vụ người Việt và doanh nghiệp Việt, 10 năm nay không thay đổi. Tháng 8 vừa qua, Tiki cũng đã hoàn tất vòng gọi vốn trên 100 triệu USD, đây được xem là tín hiệu vui giữa mùa dịch.

“Khi phát triển, chúng tôi đều muốn có nhà đầu tư, đối tác chiến lược, bạn đồng hành. Ngoài ra, ưu tiên mà chúng tôi nhận ra trong 2 năm qua tăng cường khả năng phục vụ khách hàng. Khách hàng cần giao nhanh hơn, rẻ hơn. Covid-19 đòi hỏi nhiều năng lực khác. Như kho hàng, cứ nhiều như ngày xưa là chưa đủ, nay kho có năng lực phục tươi sống”, ông Sơn nói.

Đồng quan điểm với lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, CEO Trần Ngọc Thái Sơn cũng cho rằng những doanh nghiệp nào có thể chuyển đổi số được thì phải chuyển đổi số, nhất sau tác động của đợt dịch vừa qua.

Theo Dân Việt

https://danviet.vn/ceo-tiki-tran-ngoc-thai-son-covid-19-khong-phai-la-trai-nghiem-muon-lap-lai-20211015132131408.htm

Khi đã chuyển đổi số, nếu gặp sự cố thì ít nhiều vẫn có thể phục vụ được khách hàng.