Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ Thương mại điện tử tại các trường Đại học: Trường hợp nghiên cứu tại Khoa Tài chính – Thương mại, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM

ThS Lê Quyết Tâm – trưởng ngành Thương mại điện tử, Khoa Tài chính Thương mại, đại học Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh (HUTECH)

  1. Giới thiệu tổng quan về đào tạo ngành Thương mại điện tử tại Việt Nam

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử năm 2020 và 2022 đã nhấn mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao về thương mại điện tử tại hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh trên cả nước là một trong các yếu tố quyết định tới sự phát triển nhanh và bền vững của thương mại điện tử nước ta trong giai đoạn tới. Kênh chủ yếu để đào tạo nguồn nhân lực thương mại điện tử chuyên nghiệp, chất lượng cao là các trường đại học.

Theo số liệu khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM)  năm 2022 từ 132/320 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước cho chúng ta thấy được toàn cảnh bức tranh đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học ở Việt Nam tới giữa năm 2022.

Một số thống kê nổi bật từ “Báo cáo Đào tạo Thương mại điện tử” năm 2022 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) ban hành:

Thứ nhất, số trường đại học mở ngành đào tạo thương mại điện tử tăng lên nhanh chóng với 36 trường đào tạo ngành Thương mại điện tử trình độ đại học, và 53 trường có học phần Thương mại điện tử trong chương trình đào tạo. Bên cạnh đó có 21 trường đã có kế hoạch sẽ đào tạo ngành Thương mại điện tử (chưa bao gồm số liệu nằm ngoài số lượng trường đã khảo sát).

Các trường đào tạo ngành Thương mại điện tử hiện nay theo khảo sát chủ yếu tập trung tại 03 thành phố lớn: Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà nẵng. Số liệu phân bố các trường có đào tạo ngành Thương mại điện tử hiện nay:

 

  • Miền Nam có 17 trường đào tạo: 14 trường ở Tp. Hồ Chí Minh, 03 trường ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Trà Vinh.
  • Miền Bắc có 14 trường đào tạo: 13 trường ở Thủ đô Hà Nội, 01 trường ở Thái Nguyên.
  • Miền Trung có 05 trường đào tạo: 03 trường ở Đà Nẵng, 02 trường còn lại thuộc các tỉnh Nghệ An và Quảng Ngãi.

Thứ hai, Kết quả khảo sát cho thấy những thay đổi trong lĩnh vực đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học có những bước tiến rất lớn. Đặc biệt trong việc xây dựng chương trình giảng dạy theo hướng kinh doanh dựa trên Công nghệ thông tin và truyền thông số. Vì vậy, xu hướng ngành Thương mại điện tử ngày càng được nhiều trường đưa vào khối Kinh tế quản lý và đào tạo.

Thứ ba, đội ngũ giảng viên thương mại điện tử đông đảo và chất lượng cao hơn nhiều so với những năm đầu đào tạo. Tuy nhiên đội ngũ giảng dạy có học hàm Giáo sư, phó giáo sư và giảng viên thỉnh giảng từ doanh nghiệp hiện nay chiếm tỷ lệ khá thấp so với nhu cầu đào tạo; đây cũng là thách thức rất lớn cho các trường đào tạo ngành Thương mại điện tử.

Thứ tư; các giáo trình và học liệu giảng dạy hiện nay còn thấp chủ yếu biên soạn lại từ tài liệu nước ngoài và tham khảo các trường đã đi tiên phong đào tạo ngành Thương mại điện tử trước đây. Tài liệu tham khảo trong nước khá khan hiếm nhưng cũng chưa được khai thác hiệu quả. Chẳng hạn, hai tài liệu phổ biến nhất là ấn phẩm thường niên của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Hiệp hội Thương mại điện tử.

Một số giảng viên thương mại điện tử chưa biết tới và khai thác các tài liệu liên quan đến các báo cáo về chỉ số và hoạt động Thương mại điện tử như: Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương và Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam của Hiệp hội Thương mại điện tử.

Thứ năm, Các trường đều mong muốn nội dung đào tạo có tính ứng dụng thực tế để ra trường sinh viên có thể làm việc ngay mà không mất nhiều thời gian đào tạo lại của doanh nghiệp. Một số trường đã mời giảng viên thỉnh giảng từ doanh nghiệp và bước đầu có hiệu quả khá tốt. Vì vậy, phần lớn với tỷ lệ 80% các trường nhanh chóng triển khai các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp và phát huy rất hiệu quả.

Tuy nhiên hình thức kết hợp giữa doanh nghiệp với nhà trường hiện nay vẫn còn manh mún. Đa số do cá nhân giảng viên tự liên hệ với doanh nghiệp hoặc cá nhân trong doanh nghiệp về hỗ trợ đào tạo. Hoạt động hợp tác chính thức và dài hạn giữa doanh nghiệp với nhà trường chưa được triển khai mạnh mẽ.

Thứ sáu, nhu cầu tuyển dụng nhân sự thực hiện các hoạt động thương mại điện tử tại các doanh nghiệp; đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; có xu hướng gia tăng nhanh chóng và chiếm tỷ lệ lớn trong các vị trí tuyển dụng do họ đã thấy được sự cần thiết trong việc chuyển đổi số và triển khai hoạt động Thương mại điện tử trong doanh nghiệp.

Đặc biệt do tác động của dịch Covid 19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi và ứng dụng hoạt động Thương mại điện trong doanh nghiệp diễn ra nhanh và mạnh mẽ, góp phần giúp việc đào tạo ngành Thương mại điện tử tại các trường được quan tâm nhiều nhất.

Sinh viên ngành Thương mại điện tử với TIKI
  1. Tổng quan về tổ chức câu lạc bộ ngành Thương mại điện tử ở các trường đại học Việt Nam

Câu lạc bộ Sinh viên là nơi tập hợp những sinh viên có cùng sở thích, cùng nhu cầu nhằm một mục đích nhất định; nơi tạo điều kiện giao lưu giao tiếp, trao đổi kinh nghiệm học tập, kinh nghiệm nghiên cứu, thể hiện năng lực của mỗi cá nhân.

Câu lạc bộ Sinh viên vừa là một loại hình tổ chức, vừa là một phương thức hoạt động, là một bộ phận quan trọng của tổ chức Hội Sinh viên, nhằm hỗ trợ giải quyết những vấn đề phức tạp, quan trọng trong học tập và cuộc sống hàng ngày, đáp ứng những nhu cầu chính đáng của sinh viên.

Bên cạnh đó; Câu lạc bộ Sinh viên giúp cho Khoa và nhà trường tạo ra môi trường cho sinh viên tiếp cận các kiến thức chuyên môn (chuyên ngành học), cọ sát với những yêu cầu thực tế của các Doanh nghiệp tuyển dụng và là môi trường giúp sinh viên trau dồi các kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn cần thiết  có thể đáp ứng ngay nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khi ra trường thông qua: các hoạt động Câu lạc bộ, các cuộc thi học thuật, các hội thảo và sự kiện chuyên môn có sự tham gia từ các doanh nghiệp đang hoạt động trực tiếp tại ngành và lĩnh vực chuyên môn và các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đối với chuyên ngành đào tạo tại Khoa và trường.

Hiện nay với xu thế đào tạo theo nhu cầu thực tế xã hội, ngành Thương mại điện tử được các trường đại học quan tâm và thành lập các Câu lạc bộ sinh viên ngành thương mại điện tử là tất yếu để hỗ trợ cho mục tiêu đào tạo và kết nối sinh viên và trường.

Tuy nhiên phần lớn các Câu lạc bộ sinh viên hiện nay tại các trường vẫn chưa chú trọng đến các mô hình Câu lạc bộ học thuật, mà phần lớn là mô hình Câu lạc bộ sinh viên phục vụ phong trào.

Các Câu lạc bộ sinh viên hiện nay tại các trường gắn liền với các hoạt động phong trào Đoàn Hội, vì vậy vẫn chưa gắn kết được các hoạt động chuyên môn và phần lớn có tính manh mún và chưa có hoạt động bền vững do các bạn trong Ban điều hành Câu lạc bộ điều là sinh viên và thời gian gắn bó với trường chỉ từ 3 đến 4 năm (tương đương với thời gian học tập tại trường); nên các hoạt động và kế hoạch chỉ mang tính ngắn hạn, không có tính kế thừa và hoạt động sâu vào chuyên môn.

Ngành đào tạo Thương mại điện tử tại các trường hiện nay vẫn là ngành mới từ 1 đến 2 năm thành lập vì vậy đội ngũ sinh viên tham gia ban điều hành và thành viên tại Câu lạc bộ vẫn chưa đáp ứng được các chương trình và kế hoạch hoạt động phù hợp với kiến thức chuyên môn của ngành học nếu không có sự hỗ trợ và tư vấn từ các giảng viên và doanh nghiệp.

Buổi Workshop chia sẻ liên quan đến chuyên ngành Thương mại điện tử
  1. Thực trạng hoạt động của Câu lạc bộ Kinh doanh và Thương mại điện tử, Khoa Tài chính – Thương mại, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH).

Tại đại học Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh (HUTECH) rất chú trọng phát triển mô hình giảng dạy Đại học – Doanh nghiệp với phương châm học hiệu quả nhất chính là từ môi trường thực tế tại các doanh nghiệp.

Đây là bước đệm đầu tiên giúp sinh viên tôi luyện trước khi bước vào “sân chơi lớn” hơn. Vì vậy Ban giám hiệu và Ban chủ nhiệm khoa Tài chính Thương mại rất quan tâm và chú trọng đến việc tổ chức hoạt động Câu lạc bộ Sinh viên; với môi trường năng động hơn 50 câu lạc bộ, đội, nhóm từ học thuật, khởi nghiệp, ngoại ngữ cho đến hoạt động thanh niên, tình nguyện, văn – thể – mỹ là nơi để các bạn thỏa sức thể hiện năng khiếu, sự sáng tạo và đam mê của bản thân.

Hiện nay tại Khoa Tài chính – Thương mại, trường đại học Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh (Hutech) có rất nhiều mô hình Câu lạc bộ sinh viên và đa dạng về phương thức triển khai các hoạt động. Điển hình là Câu lạc bộ Kinh doanh và Thương mại điện tử – BEC  do các bạn sinh viên ngành Thương mại điện tử và Kinh doanh Thương mại thành lập nhằm mang đến sân chơi về học thuật, kiến thức chuyên môn ngành học cho các bạn sinh viên.

Một số hoạt động nổi bật Câu lạc bộ Kinh doanh và Thương mại điện tử – BEC phối hợp cùng Thầy cô cố vấn và Khoa thực hiện đã được tổ chức liên quan đến các chủ đề như: ngày hội tuyển dụng, hội thảo chuyên đề (Offline và trực tuyến), workshop, tham quan doanh nghiệp, cuộc thi học thuật …

  • Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Tên miền – Hosting – Website và kiểm soát tốt công cụ chuyển đổi số”. Hội thảo được tổ chức với sự phối hợp của Cty TNHH P.A Việt Nam và Trung tâm Internet Việt Nam – VNNIC
  • Hội thảo “Web doanh nghiệp – giải pháp kinh doanh bền vững và bứt phá” với sự đồng hành của các khách mời đến từ doanh nghiệp VTECH GROUP.
  • Ngày hội Việc làm 2022: Khối ngành Kinh tế – Tài chính – Thương mại – Ngân hàng do Trung tâm Hợp tác Doanh nghiệp Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và Khoa Tài chính – Thương mại HUTECH phối hợp tổ chức đã mang đến cho sinh viên hơn 1500 đầu việc ở nhiều vị trí nghề nghiệp đa dạng.
  • Workshop “Nghiên cứu Khoa học từ sinh viên năm nhất, tại sao không?” nhằm giúp các bạn sinh viên Khoa trau dồi kiến thức, tạo tiền đề vững chắc cho hành trình nghiên cứu khoa học sắp tới.
  • Tọa đàm “Sinh viên HUTECH khởi nghiệp phát triển kinh doanh online trên sàn thương mại điện tử” với sự đồng hành của các khách mời đến từ Cty CP Tiki và công ty CP Dịch vụ di động trực tuyến Momo.
  • Khoa Tài chính – Thương mại Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) phối hợp cùng Công ty CP TIKI tổ chức buổi tham quan thực tế – TIKI Company Tour – dành cho sinh viên ngành Thương mại điện tử và Kinh doanh thương mại.
  1. Những lợi ích và vấn đề liên quan đến hoạt động Câu lạc bộ sinh viên:

Những lợi ích của hoạt động Câu lạc bộ Sinh viên trong hoạt động đào tạo ngành Thương mại điện tử nói riêng và các ngành đào tạo khác:

  • Tạo môi trường rèn luyện cho sinh viên về các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm.
  • Giúp sinh viên cọ sát được với những kiến thức thực tế và hiểu rõ hơn về các kiến thức được đào tạo tại nhà trường thông qua các sự kiện, hoạt động được tổ chức.
  • Giúp sinh viên mở rộng mối quan hệ: từ các bạn sinh viên khác trong cùng ngành học và khác ngành học, các nhà tuyển dụng và doanh nghiệp … ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
  • Giúp Khoa và nhà trường có nhiều hoạt động giúp sinh viên gắn kết thực tiễn và chương trình đào tạo nhằm thay đổi chương trình đáp ứng các nhu cầu tuyển dụng nhanh chóng và tốt nhất.
  • Thông qua các Hoạt động Câu lạc bộ sinh viên, khoa và trường nắm bắt được nguyện vọng và tâm lý sinh viên trong suốt quá trình tham gia học tập tại trường.
  • Hoạt động Câu lạc bộ sinh viên là phương thức truyền thông hiệu quả nhất trong hoạt động tuyển sinh, hoạt động nội bộ, và kết nối doanh nghiệp – doanh nghiệp sẽ ưu tiên hơn trong các hoạt động đồng hành của Khoa và nhà trường.

Bên cạnh những kết quả và lợi ích của các mô hình Câu lạc bộ sinh viên mang lại thì còn đó những thực trạng tồn tại nhất định như sau:

  • Một số hoạt động của Câu lạc bộ sinh viên chưa đáp ứng được đa số nhu cầu của các bạn sinh viên và còn mang tính chất tổ chức theo phong trào hình thức.
  • Khó tổ chức được hoạt động quy mô lớn; đặc biệt là các cuộc thi học thuật cho sinh viên toàn trường và sinh viên ngoài trường vì nhiều nguyên nhân: kinh phí tổ chức đa phần hình thành từ các bạn hội viên và tài trợ đến từ Khoa và thầy cô giảng viên; còn hạn chế khi kết nối doanh nghiệp với Câu lạc bộ sinh viên; kiến thức chuyên môn liên quan cuộc thi và công tác tổ chức còn lệ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ và tư vấn của Thầy cô giảng viên phụ trách.
  • Vẫn còn một số lượng lớn sinh viên thờ ơ với hoạt động và phong trào chung, không tự giác tham gia các hoạt động và rèn luyện bản thân trong các Câu lạc bộ; do sinh viên chưa hiểu rõ được những mặt tích cực và hữu ích khi tham gia các hoạt động và sự kiện do Câu lạc bộ phối hợp cùng Khoa và nhà trường tổ chức.
  • Câu lạc bộ thu hút, tập hợp hội viên rất tốt nhưng trên tinh thần tự nguyện, thiếu ràng buộc; bên cạnh đó công tác tổ chức và vận hành Câu lạc bộ đôi khi lỏng lẻo, thiếu tính kỉ luật; số lượng thành viên thường xuyên thay đổi dẫn đến nhiều hoạt động dài hơi bị thiếu nhân lực và thất bại trong một thời gian ngắn.
  • Trong quá trình hoạt động, mục tiêu đề ra còn chung chung, chưa xây dựng được nhiều chương trình sinh hoạt hấp dẫn và thiết thực để thu hút được nhiều thành viên tham gia hoặc các hoạt động liên quan đến chuyên môn ngành học.
  • Khó khăn trong công tác xây dựng và phát triển các hoạt động Câu lạc bộ mang tính liên tục và kế thừa bởi các yếu tố như: địa điểm sinh hoạt chưa ổn định, vật dụng sinh hoạt còn thiếu, Ban chủ nhiệm được bầu ra là Sinh viên chủ yếu dựa trên sự nhiệt tình, năng động mà chưa có sự đào tạo bài bản… Ban chủ nhiệm và Ban điều hành thường gặp khó khăn trong công tác huấn luyện và đào tạo nhân sự kế thừa nên thường gây ra sự hụt hẫng và bị động về nhân sự. Các thành viên công việc chủ yếu là học tập nên gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian đi sinh hoạt đều đặn.
  • Vẫn chưa có sự đồng hành bền vững và lâu dài giữa các doanh nghiệp và Câu lạc bộ Sinh viên thông qua cầu nối của Khoa, nhà trường. Vì vậy các hoạt động gắn kết và có sự hỗ trợ của doanh nghiệp về mặt: kiến thức ngành, kinh nghiệm thực tiễn, chi phí tổ chức và hoạt động; các case study thực tiễn trong doanh nghiệp vào các cuộc thi và hoạt động thường niên của Câu lạc bộ Sinh viên.
Tọa đàm doanh nghiệp liên quan đến cơ hội việc làm và khởi nghiệp trong lĩnh vực Thương mại điện tử
  1. Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Câu lạc bộ sinh viên Thương mại điện tử:

Nhằm thực hiện đúng mô hình giảng dạy Đại học – Doanh nghiệp với phương châm học hiệu quả nhất chính là từ môi trường thực tế tại các doanh nghiệp. Và giúp Câu lạc bộ Kinh doanh và Thương mại điện tử – BEC nói riêng, cũng như các Câu lạc bộ sinh viên nói chung có được sự hiệu quả trong hoạt động, luôn là môi trường giúp sinh viên năng động, bản lĩnh; gắn đào tạo thực tế với nhu cầu tuyển dụng thông qua các hoạt động Câu lạc bộ sinh viên; Khoa và nhà trường có một số giải pháp thúc đẩy hoạt động như sau:

Thứ nhất, Khoa và giảng viên đồng hành cùng Câu lạc bộ phải phối hợp với Ban điều hành Câu lạc bộ tuyên truyền và xây dựng các tiêu chí hoạt động giúp sinh viên và các thành viên tham gia Câu lạc bộ hiểu được các lợi ích khi tham gia và ý thức trách nhiệm của các thành viên mỗi thành viên là một chủ thể tích cực trong Câu lạc bộ đội, nhóm; chủ động hoàn thành nhiệm vụ cụ thể được giao của mình; chủ động tham sinh hoạt đều đặn, tích cực hoạt động xây dựng Câu lạc bộ. Tự giác rèn luyện những kĩ năng cơ bản và cần thiết như: giao tiếp; thuyết trình; làm việc nhóm; quản lí thời gian; nhận định vấn đề… SV khi tham gia sinh hoạt trong các Câu lạc bộ chính là cơ hội giao lưu, học hỏi những kỹ năng mềm, tích lũy kiến thức chuyên môn và xây dựng mối quan hệ cá nhân. Rèn luyện bản lĩnh sinh viên.

Thứ hai, xây dựng các hoạt động Câu lạc bộ Sinh viên cần có sự tham gia cố vấn về mặt chuyên môn và tổ chức từ thầy cô giảng viên có chuyên môn phụ trách, giúp cho Ban điều hành Câu lạc bộ có được kế hoạch hoạt động mang tính thực tiễn cao, gắn hoạt động sinh viên với hoạt động đào tạo nhà trường và thực tiễn từ doanh nghiệp; Các hoạt động thường xuyên xây dựng xoay quanh chủ đề: Cơ hội nghề nghiệp, tuyển dụng, kiến thức chuyên ngành, cuộc thi chuyên ngành, kỹ năng mềm, tham quan thực tế doanh nghiệp.

Thứ ba, khuyến khích và tận dụng sự sáng tạo tối đa của sinh viên trong việc xây dựng các mô hình hoạt động mới nhằm phá vỡ tư duy và lối mòn củ; kích thích sự tham gia của các bạn sinh viên trẻ, năng động nhưng phù hợp với mong muốn và định hướng đào tạo của khoa và nhà trường. Mỗi chương trình sinh hoạt phải có kế hoạch thật chi tiết, tham khảo ý kiến của nhiều đối tượng khác nhau và có sự đồng hành – cố vấn từ các thầy cô chuyên môn và doanh nghiệp.

Thứ tư, trong quá trình hoạt động, cần có sự ghi nhận và đánh giá sát sao các kết quả đạt được để giúp đỡ, tuyên dương kịp thời các gương điển hình trong các buổi tổng kết, tạo được sự thi đua giữa các Câu lạc bộ, giữa các thành viên với nhau. tạo động lực để tìm kiếm các nhân tố mới kế thừa cho nhân sự điều hành Câu lạc bộ dài hạn.

Thứ năm, tạo điều kiện kết nối giữa sinh viên và doanh nghiệp từ Khoa và nhà trường nhằm tạo sự gắn kết mang tính lâu dài giữa Doanh nghiệp với hoạt động sinh viên; khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động hỗ trợ và tư vấn cho Câu lạc bộ sinh viên với vai trò là các thành viên đồng hành và ban cố vấn chuyên môn. Bên cạnh đó phát huy vai trò của các cựu sinh đã từng là thành viên Câu lạc bộ tiếp tục tham gia vào hoạt động hỗ trợ và cố vấn, duy trì sự kết nối 04 bên: Khoa – Câu lạc bộ – Cựu sinh viên – Doanh nghiệp (là cựu sinh viên, thành viên Câu lạc bộ).

Buổi giao lưu giữa CLB Kinh doanh và Thương mại điện tử - BEC và doanh nghiệp
  1. Kết luận

Hoạt động Câu lạc bộ sinh viên đã có nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển của phong trào sinh viên, cũng như góp phần cải thiện và nâng cao kỹ năng mềm  – kiến thức chuyên môn cho sinh viên và cần được nhân rộng, phát triển hơn nữa.

Các hoạt động Câu lạc bộ Sinh viên phải luôn được quan tâm và gắn kết từ Khoa và nhà trường; thường xuyên cập nhật nhiều phương thức triển khai và cách làm đa dạng thông qua các hoạt động được đút kết thực tiễn hành năm nhằm tạo sức lan tỏa lớn, khẳng định sức trẻ và sự cống hiến của sinh viên đối với sự phát triển chung của xã hội và gắn với định hướng đào tạo từ Khoa và nhà trường với phương châm học hiệu quả nhất chính là từ môi trường thực tế; sinh viên khi còn học tập đã đáp ứng ngay các yêu cầu tuyển dụng từ các doanh nghiệp từ kỹ năng mềm đến kinh nghiệm chuyên môn thực tiễn.

Hiệu quả hoạt động từ việc triển khai các mô hình Câu lạc bộ sinh viên  là một chuỗi các hoạt động nhằm triển khai các chương trình, cuộc vận động sinh viên thông qua nhiều chương trình, cuộc thi, hội thảo, tham quan thực tế doanh nghiệp.

Với phương châm mở rộng tập hợp, đoàn kết thông qua Câu lạc bộ sinh viên đã triển khai các cuộc vận động, đẩy mạnh các hoạt động phong trào thể hiện tính xung kích – tình nguyện của tuổi trẻ trong xây dựng tổ chức các mô hình hoạt động theo từng nội dung, phương thức sinh hoạt đa dạng, phong phú, hoạt động phù hợp thiết thực, ý nghĩa để từ đó hoạt động của Câu lạc bộ sinh viên ngày càng đổi mới nhằm thu hút và tập hợp được nhiều hơn nữa sinh viên tham gia, củng cố vững chắc phong trào thanh niên, sinh viên  và phát triển kỹ năng, chuyên môn cho sinh viên của khoa và nhà trường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *