Cần thành lập Mạng lưới các trường đại học đào tạo thương mại điện tử

Nguyên Hoàng

Như kỳ trước chúng tôi đã đề cập, Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) năm 2022 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) mới công bố dành thời lượng khá dài để đánh giá thực trạng nguồn nhân lực về thương mại điện tử ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh nguồn nhân lực chính là một trong những yếu tố  quyết định tới sự phát triển nhanh và bền vững của thương mại điện tử nước ta trong giai đoạn tới

Phần lớn sinh viên làm việc đúng ngành đào tạo sau khi ra trường

Đầu năm 2022 VECOM đã tiến hành khảo sát toàn diện tình hình đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học trên cả nước và công bố Báo cáo Tình hình đào tạo Thương mại điện tử tại các trường đại học.

Tới nay, đã có trên 30 trường đại học đào tạo cử nhân thương mại điện tử, trong đó 13 trường ở miền Bắc, 5 trường ở miền Trung và 14 trường ở miền Nam. Phụ lục 5 cung cấp danh sách các trường và khoa đào tạo cử nhân thương mại điện tử.

Phần lớn các trường trên bắt đầu đào tạo cử nhân ngành này trong khoảng 2016 – 2020. Mục tiêu đào tạo là cử nhân sau khi tốt nghiệp có thể chủ trì hoặc tham gia quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, xây dựng chiến lược kinh doanh trực tuyến, số hoá các tài nguyên, tiến hành kinh doanh trên các nền tảng số, trang thông tin điện tử hay ứng dụng di động, tổ chức bán hàng đa kênh.

Những cử nhân này cũng có khả năng tổ chức các hoạt động hỗ trợ kinh doanh trực tuyến, bao gồm tiếp thị số, thanh toán trực tuyến và quản lý chuỗi cung ứng, v.v…

Mục tiêu đào tạo cử nhân thương mại điện tử khác biệt rõ ràng với mục tiêu đào tạo cử nhân công nghệ thông tin. Do đó, hầu hết các trường đã giao cho khoa kinh tế, quản trị kinh doanh hay hệ thống thông tin quản lý đào tạo cử nhân thương mại điện tử.

Việc tuyển sinh thuận lợi do ngành mới này hấp dẫn, thu hút được đầu vào chất lượng khá với điểm chuẩn tuyển sinh khá cao. Tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm ngay khi chưa tốt nghiệp cao, phần lớn sinh viên làm việc đúng ngành đào tạo sau khi ra trường.

Tuy nhiên, phần lớn các trường gặp khó khăn khi biên soạn giáo trình và học liệu học tập. Đội ngũ giảng viên còn chưa đáp ứng nhu cầu giảng dạy cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhu cầu học cử nhân ngành thương mại điện tử tăng nhanh nhưng nhiều trường chưa thể tăng chỉ tiêu đào tạo.

Hoạt động đào tạo gắn với thực tiễn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc hỗ trợ sinh viên có được vị trí thực tập phù hợp tại các doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu.

Hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập diễn ra đơn lẻ tại từng trường, chưa có những hoạt động hấp dẫn, lôi cuốn sinh viên ngành thương mại điện tử trên phạm vi cả nước.

Xuất phát từ thực tế trên, các trường ủng hộ ba đề xuất lớn. Thứ nhất, cần nhanh chóng thành lập Mạng lưới các trường đại học đào tạo thương mại điện tử. Thứ hai, tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức về kinh doanh số cho giảng viên giảng dạy thương mại điện tử.

Thứ ba, nhiều trường mong muốn phối hợp với tổ chức chuyên môn về thương mại điện tử là VECOM tổ chức các chương trình đào tạo cấp chứng chỉ nghề nghiệp cho sinh viên năm cuối.

Có ba kênh đào tạo nguồn nhân lực thương mại điện tử chủ yếu. Thứ nhất là đào tạo tại chỗ ở doanh nghiệp, thứ hai là tại các trường đại học và thứ ba là tại các trường cao đẳng và trường dạy nghề.

Trong trung và dài hạn, nguồn nhân lực từ các trường cao đẳng và trường nghề sẽ là lực lượng chủ chốt trực tiếp triển khai hoạt động kinh doanh trực tuyến tại các cơ sở kinh doanh.

Do đó cần nhanh chóng khảo sát hiện trạng đào tạo sinh viên thương mại điện tử tại những trường này và có các biện pháp hỗ trợ phù hợp. Chỉ khi nguồn nhân lực được cung cấp đồng thời từ ba kênh này đáp ứng nhu cầu cả về số lượng và chất lượng thì thương mại điện tử nước ta mới có thể phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới năm 2025 và xa hơn.

Ba trong một

Rõ ràng nguồn nhân lực thương mại điện tử có thể tham gia sâu vào quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, thậm chí họ có thể đảm nhận trọng trách trong quá trình này. Tới nay, việc triển khai thương mại điện tử ở mỗi doanh nghiệp không chỉ giới hạn ở giai đoạn cuối cùng là mua bán sản phẩm hàng hoá hay dịch vụ trực tuyến mà liên quan tới mọi hoạt động, bao gồm quản trị nguồn lực, quản trị chuỗi cung ứng, quản trị quan hệ khách hàng, tiếp thị, thanh toán, v.v…

Ở nước ta những năm gần đây các thuật ngữ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Fourth Industrial Revolution hay Industry 4.0), Chuyển đổi số (Digital Transformation) và Kinh tế số (Digital Economy) nhận được sự quan tâm cao từ nhiều tổ chức, bao gồm các cơ quan hoạch định chính sách, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo.

Chẳng hạn, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đầu năm 2021 Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số. Tháng 8 cùng năm Bộ này đã lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật “Chiến lược quốc gia Phát triển Kinh tế số và Xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Một mặt, việc triển khai các chính sách vĩ mô liên quan tới nhiều bộ, ngành và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan này là phức tạp. Sự phức tạp này còn cao hơn nữa ở các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và doanh nghiệp.

Chẳng hạn, tỉnh Lạng Sơn đã thể hiện quyết tâm cao đối với việc triển khai chuyển đổi số, kinh tế số và thương mại điện tử. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh về chuyển đổi số, kinh tế số và thương mại điện tử sao cho nhịp nhàng sẽ là một thách thức không nhỏ.

Không chỉ các cơ quan xây dựng và thực thi chính sách, các trường đại học cũng gặp khó khăn không nhỏ khi tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, kinh tế số và thương mại điện tử. Ở nước ta một số trường đại học đã thành lập khoa kinh tế số và thương mại điện tử.

Rõ ràng, tên gọi của khoa là quan trọng nhưng chất lượng đào tạo còn quan trọng hơn. Trên phạm vi cả nước, cần có sự phối hợp nhịp nhàng trong hoạt động chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thương mại điện tử.