Các tập đoàn lớn rót hàng tỉ USD vào Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục… của các bộ, ngành và doanh nghiệp giữa Việt Nam và Anh có giá trị hàng tỉ USD.

Chuyến tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và làm việc tại Anh của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết thúc với những hợp tác, hợp đồng được ký kết song phương giữa các bộ, ngành, các doanh nghiệp Việt Nam đầy ý nghĩa và giá trị.

Hàng loạt thỏa thuận

Chỉ trong chiều 31.10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Vương quốc Anh, nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và thăm làm việc tại Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao… của các bộ, ngành và doanh nghiệp (DN) giữa VN và Anh có giá trị hàng tỉ USD.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao biên bản hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Anh/ TTXVN

Trong đó, có nhiều thỏa thuận đáng chú ý như giữa Đại học Oxford và Tập đoàn giáo dục Văn Lang hợp tác thống nhất đào tạo chuyên sâu hợp tác phát triển chuyên môn đội ngũ giáo viên, giảng viên.

Hay Tập đoàn Vingroup và Công ty TNHH Raphael Labs (Anh) ký thỏa thuận về hợp tác phát triển đầu tư thử nghiệm và chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc phòng Covid-19 và các bệnh đường hô hấp PHOXWELL;

Tập đoàn T&T, đại diện Trường ĐH Y Hà Nội và đại diện Tập đoàn Hipra (Tây Ban Nha) đã trao thỏa thuận về hợp tác xây dựng Trung tâm nghiên cứu vắc xin tại VN và đào tạo nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, Tập đoàn SOVICO và Viện Đại học Oxford ký biên bản ghi nhớ hợp tác, tài trợ đầu tư phát triển nghiên cứu, giáo dục với tổng giá trị 155 triệu bảng Anh (tương đương 211 triệu USD).

Ngược lại, Viện Đại học Oxford cũng cam kết xây dựng và thực hiện chiến lược loại bỏ phát thải khí CO2 cho Tập đoàn SOVICO và các khách hàng, đối tác đến năm 2050.

SOVICO ký hợp tác đầu tư với Viện Đại học Oxford

Cùng ngày, Hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn Rolls-Royce ký kết thỏa thuận cung cấp động cơ và dịch vụ động cơ cho đội tàu bay thân rộng với tổng giá trị 400 triệu USD;

Vietjet cùng 2 công ty tư vấn bảo hiểm hàng đầu thế giới Gallagher Limited và Willis Towers Watson Limited của Anh đã trao chứng nhận tái bảo hiểm toàn bộ đội bay của hãng trên phạm vi toàn cầu.

Dịp này, Quỹ Đầu tư Affinity và Ngân hàng HDBank ký kết tài trợ 300 triệu USD cho chương trình phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu…

GS-TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, nhận định với các thỏa thuận, hợp tác của các bộ, ngành cũng như DN cho thấy chuyến đi của Thủ tướng rất có tiếng vang, mang lại hiệu quả cho kinh tế, chính trị VN nói chung.

Điều này thể hiện rõ vị thế của VN ngày càng gia tăng trên cộng đồng quốc tế. Hơn nữa, việc gặp gỡ và cam kết đảm bảo môi trường đầu tư an toàn tại VN với các tổ chức, tập đoàn nước ngoài đã tạo cho họ niềm tin rằng VN vẫn có sức hút để các nhà đầu tư rót vốn, tìm kiếm lợi nhuận.

Những cam kết đầu tư vào VN của các tập đoàn nước ngoài là minh chứng rõ rệt cho niềm tin đó. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng khi cả nước vừa trải qua đại dịch Covid-19 nghiêm trọng, bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

VN vẫn là điểm thu hút đầu tư, thương mại

Không chỉ có các hợp đồng phía VN ký để mua vắc xin, hàng hóa trong chuyến đi của Thủ tướng, các cam kết, hỗ trợ của các nước, tập đoàn quốc tế cho DN nói riêng và VN nói chung đã chứng tỏ niềm tin vào sự phát triển trong giai đoạn tới của VN.

Có thể kể đến như Tập đoàn BCG Energy và đại diện của Siemens Gamesa Renewable Energry (Tây Ban Nha) đạt được thỏa thuận hợp tác hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án điện gió của BCG tại VN;

Ngân hàng Standard Chartered cam kết rót riêng cho các dự án đầu tư trong phát triển bền vững vào VN 8 tỉ USD từ nay đến 2030, trong đó có khoản 500 triệu USD tài trợ cho vay đối với dự án Đô thị đại học ở Quảng Ninh do Tập đoàn giáo dục Văn Lang thực hiện; Anh trao tặng VN 500.000 bảng Anh (tương đương 680.000 USD) để VN mua sắm thiết bị y tế cho việc phòng chống dịch…

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, thảo luận hàng loạt vấn đề về hợp tác song phương cũng như phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Chẳng hạn, Thủ tướng Úc Scott Morrison khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ VN 3,7 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Ngược lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong thời gian tới, hai bên cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối DN và địa phương, phấn đấu đưa thương mại hai chiều sớm đạt 15 tỉ USD và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều.

Thủ tướng Morrison chia sẻ các ý tưởng và đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cam kết sẽ cùng Chính phủ VN triển khai các biện pháp thúc đẩy quan hệ và hợp tác theo hướng bền vững.

Còn tại cuộc gặp với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, hai bên nhất trí tích cực triển khai và phát huy hiệu quả Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà cả hai nước là thành viên, đẩy mạnh thương mại hàng hóa, phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều lên hơn 8 tỉ USD.

Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Axel Van Trotsenburg, Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB).

Qua cuộc gặp, ông Axel Van Trotsenburg cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ VN trong quá trình xây dựng chính sách kinh tế vĩ mô; tiếp cận các nguồn tài chính bền vững hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững và bao trùm.

Hai bên đánh giá cao và nhất trí cùng thúc đẩy hợp tác song phương, trước mắt rà soát, cập nhật Khung đối tác chiến lược quốc gia cho giai đoạn 3 năm 2022 – 2025 nhằm xác định rõ nguồn lực, lĩnh vực, dự án ưu tiên và lộ trình triển khai…

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhận xét chuyến công tác châu Âu tham dự COP26 lần này của đoàn đại biểu cấp cao VN mang rất nhiều ý nghĩa.

Không chỉ khẳng định trách nhiệm và cam kết, vai trò của VN đối với các vấn đề mang tính toàn cầu, đặc biệt về môi trường, biến đối khí hậu, đoàn công tác của Thủ tướng đã tận dụng rất tốt cơ hội để giới thiệu với thế giới một hình ảnh rất mới của VN sau đại dịch.

Ông Dũng phân tích: Hàng loạt các hợp đồng, thương vụ mua bán, đầu tư được ký kết chứng minh sức hấp dẫn của VN vẫn được bảo toàn nguyên vẹn sau đại dịch.

Có thể thấy, nền tảng thể chế, ổn định từ chính trị xã hội đến kinh tế là ưu thế rất lớn của VN và những ưu thế đó đã đang phát huy tác dụng.

Trải qua giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh, sự điều hành và những chính sách bảo đảm môi trường vĩ mô ổn định là cơ sở vững chắc để các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng, không ngần ngại có những cam kết lâu dài đối với VN.

Sự tin tưởng từ các đối tác lớn nước ngoài còn thể hiện rằng quốc tế đánh giá công cuộc chống dịch của VN trong thời gian qua khá ổn, VN đã khống chế được dịch bệnh và sẵn sàng trở lại.

Bên cạnh đó, chuyến công tác khẳng định tầm nhìn, định hướng của Chính phủ ưu tiên phát triển kinh tế, tận dụng và thúc đẩy tối đa các cơ hội để vực dậy và phát triển kinh tế.

“Những chuyến công tác của các nguyên thủ quốc gia luôn mang về nhiều ý nghĩa ngoại giao, cải thiện mối quan hệ song phương, đa phương tốt đẹp. Hơn thế, từ chuyến công tác này có thể thấy Thủ tướng là người xông xáo, có khát vọng thúc đẩy kinh tế phát triển. Bên lề hội nghị, ông dành rất nhiều thời gian gặp trực tiếp các chủ DN, tập đoàn kinh tế lớn.”

“Tất cả những điều này sẽ tạo động lực mới để các DN này quan tâm hơn tới VN. Đây là tiền đề để nền kinh tế nước ta nhanh chóng hồi phục, vượt qua được những ảnh hưởng tiêu cực mà thời gian chống dịch đã để lại”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nhìn nhận.

Doanh nghiệp Việt tự tin rót vốn ra nước ngoài

Bên cạnh việc cam kết, kêu gọi đầu tư nước ngoài vào VN, các DN VN cũng đã có những hợp tác ra nước ngoài hay hợp tác ở những lĩnh vực công nghệ cao trong y tế, vắc xin.

Điển hình, Tập đoàn Vingroup và Công ty TNHH Raphael Labs (Anh) ký thỏa thuận về hợp tác phát triển đầu tư thử nghiệm và chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc phòng Covid-19 và các bệnh đường hô hấp PHOXWELL hay Tập đoàn T&T, đại diện Trường ĐH Y Hà Nội và đại diện Tập đoàn Hipra (Tây Ban Nha) đã trao thỏa thuận về hợp tác xây dựng Trung tâm nghiên cứu vắc xin tại VN và đào tạo nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, một trong những “thương vụ” đáng chú ý nhất trong chuyến công tác của đoàn VN trong khuôn khổ COP26 là biên bản ghi nhớ hợp tác, tài trợ đầu tư phát triển nghiên cứu, giáo dục giữa Tập đoàn SOVICO và Viện Đại học Oxford.

Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao VN, Chủ tịch SOVICO Nguyễn Thị Phương Thảo và Giáo sư Nick Brown, Hiệu trưởng Trường đại học Linacre – thay mặt Viện Đại học Oxford đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển nghiên cứu, giáo dục, bao gồm việc đầu tư phát triển một trường đại học thuộc hệ thống Viện Đại học Oxford, và thành lập quỹ học bổng, tổng giá trị hợp tác 155 triệu bảng Anh (tương đương 211 triệu USD).

Trên website của trường, Trường đại học Linacre gọi đó là “món quà” có tác động thay đổi đối với trường và lấy làm biết ơn về sự hỗ trợ lớn này.

Đặc biệt, cuối bản thông báo, Trường Linacre nhấn mạnh sau khi nhận được khoản tài trợ đầu tiên trị giá 50 triệu bảng Anh, trường sẽ gửi hồ sơ để xin phép đổi tên từ Linacre College thành Thao College để ghi nhận món quà mang tính bước ngoặt này.

Đây cũng là khoản đầu tư hiếm hoi của VN được báo chí nước ngoài dành sự quan tâm đặc biệt. Trong bài viết trên số báo ra ngày 3.11, tờ Nikkei Asia dẫn lời một số ý kiến ca ngợi hành động của nữ tỉ phú là đầy tham vọng và mang nhiều ý nghĩa.

Cùng với một hợp đồng động cơ phản lực trị giá 400 triệu USD với Rolls-Royce bên lề hội nghị thượng đỉnh, bà chủ của Hãng bay Vietjet đang thể hiện rất rõ tham vọng mở rộng sang thị trường châu Âu của mình.

Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định trước đây, đa phần những thương vụ đầu tư ra nước ngoài hay hợp tác quốc tế đều do các DN nhà nước thực hiện, thì nay, dần dần các tập đoàn tư nhân trong nước đã chủ động hơn.

Các tập đoàn lớn như Vingroup, SOVICO, T&T… đã phát triển đa ngành và tìm kiếm các cơ hội mới trong và ngoài nước. Các tập đoàn này cũng bắt kịp xu hướng thị trường toàn cầu, tập trung vào giáo dục, y tế hay nông nghiệp công nghệ cao…

Điều đó đã nâng vị thế của VN lên cao hơn trong các quan hệ song phương, đa phương về kinh tế chính trị trên thị trường quốc tế.

“Việc có những hợp tác đầu tư ra nước ngoài của VN cũng được quốc tế đánh giá cao và xem đó là cam kết phát triển bền vững, hợp tác song phương bên cạnh việc các tập đoàn quốc tế rót vốn vào VN. Những thông điệp từ Chính phủ với lãnh đạo cấp cao các nước sẽ dọn đường cho những bước chuyển mạnh mẽ tiếp theo, từ các bộ ngành đến địa phương, DN để triển khai nhiều hoạt động hợp tác hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế VN phát triển”, ông Huỳnh Phước Nghĩa chia sẻ thêm.


Kêu gọi đầu tư nước ngoài cho 157 dự án trong giai đoạn 2021 – 2025

Ủy viên Bộ Chính trị – Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định 1831 ban hành Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, có 157 dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài trong giai đoạn này thuộc các lĩnh vực: hạ tầng giao thông; hạ tầng khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT); hạ tầng năng lượng; hạ tầng công nghệ thông tin; hệ thống xử lý rác, nước thải; hạ tầng giáo dục và y tế; hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch; ngành nông, lâm, thủy sản; lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

Cụ thể, về hạ tầng giao thông có 34 dự án, trong đó có các dự án đường sắt đô thị số 4, số 3a và số 2 giai đoạn 2 (TP.HCM); cảng biển tổng hợp Hòn Khoai (Cà Mau); đường sắt Trảng Bom – Hòa Hưng thuộc tuyến đường sắt Thống Nhất (Đồng Nai – Bình Dương – TP.HCM); Đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu; cảng biển nước sâu (cảng Trần Đề, Sóc Trăng).

Hạ tầng năng lượng có dự án nhà điện khí ở Quảng Bình, nhiệt điện ở Long An… Hạ tầng công nghệ thông tin tập trung nhiều dự án ở Đà Nẵng. Hạ tầng KCN – KKT có các dự án: xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN phía bắc H.Bến Lức, KKT Ninh Cơ, KCN Hòa Ninh…

Về hạ tầng giáo dục và y tế có các dự án như: xây dựng bệnh viện đa khoa 1.000 giường thuộc Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc; xây dựng Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội; Xây dựng bệnh viện Đại học Quốc gia TP.HCM…

Bộ KH-ĐT sẽ chủ trì, hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Quyết định 1831 này và phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng chi tiết nội dung thông tin dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình xúc tiến các dự án thuộc danh mục theo từng giai đoạn.


Những “bàn thắng” tuyệt vời

Ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty Ngôi Sao Biển Sài Gòn, hồ hởi cho rằng Thủ tướng đã tận dụng thời gian và không gian COP26 để ghi những “bàn thắng tuyệt vời”.

Trong những động thái ngoại giao nổi bật tại COP26, Thủ tướng đã có những cam kết và sáng kiến nổi bật, thu hút sự chú ý của hội nghị. Những hợp đồng kinh tế đã được ký kết, những cam kết hỗ trợ VN trong công tác phòng, chống dịch đã được thông qua…

Chuyến công tác ngay sau khi VN cơ bản đã kiểm soát được đợt dịch thứ 4 bước đầu mang tới thông điệp chúng ta đã trở lại.

Sau rất nhiều khó khăn và mất mát, VN đã sẵn sàng trở lại. Hàng loạt các cuộc họp bên lề với các DN, đối tác lớn của VN từ trước đến nay như Nike khẳng định với thế giới rằng trong bối cảnh dịch bệnh vô vàn khó khăn, VN vẫn hỗ trợ rất tốt cho những nhà đầu tư nước ngoài.

Đây là tín hiệu mạnh mẽ để các nhà đầu tư củng cố niềm tin VN là điểm đến đáng tin cậy, từ đó tiếp tục đầu tư và phát triển chuỗi sản xuất tại VN.

Những hợp đồng kinh tế, thương mại cụ thể bên lề hội nghị thể hiện sinh động mối quan hệ làm ăn, buôn bán, thương mại giữa VN với các nước đang ngày càng tăng lên, bên cạnh mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp.

Là một DN, tôi mong muốn sau chuyến công tác của Thủ tướng, hình ảnh của VN trên trường quốc tế sẽ tiếp tục được củng cố. Các nước, đặc biệt là các nước phương Tây sẽ thấy hình ảnh VN đang nỗ lực mở cửa trở lại, từ đó nối lại, thúc đẩy quan hệ giao thương, đi lại, dịch vụ và du lịch

Theo Thanh Niên

https://thanhnien.vn/cac-tap-doan-lon-rot-hang-ti-usd-vao-viet-nam-post1397708.html