Tại sao chúng ta vẫn cần chuyên ngành tiếng Anh

Trần Việt Phương

Chuyên ngành tiếng Anh đã giảm 25,5% kể từ cuộc Đại suy thoái, cũng là lúc nhà kinh tế hàng đầu thế giới cho rằng chúng ta cần nhiều “người kể chuyện” hơn, theo Washington Post

Một cuộc chuyển trường lớn đang diễn ra trong các trường đại học ở Hoa Kỳ. Kể từ mùa thu năm 2008, rất nhiều sinh viên đã bỏ các lớp tiếng Anh và khoa học nhân văn để tham gia vào các lớp học STEM, đặc biệt là khoa học máy tính và kỹ thuật.

Theo dữ liệu của Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia của Mỹ, chuyên ngành tiếng Anh đã giảm hơn một phần tư (25,5%) kể từ cuộc Đại suy thoái. Đây là sự sụt giảm lớn nhất đối với bất kỳ chuyên ngành nào mà trung tâm này ghi nhận trong dữ liệu hàng năm và kết quả này khá giật mình vì tuyển sinh vào đại học đã tăng vọt trong thập kỷ qua.

Hỏi bất kỳ sinh viên hay giáo sư nào về việc tại sao lại có sự thay đổi lớn này từ việc học Chaucer (Geoffrey Chaucer là tác gia, nhà thơ, nhà triết học, công chức, quan tòa và nhà ngoại giao người Anh) chuyển sang học mã hóa và có thể họ sẽ nói với bạn về các công việc.

Khi các sinh viên lo sợ về triển vọng công việc, họ và các phụ huynh muốn có một tấm bằng sẽ đem đến một mức lương ổn định sau khi tốt nghiệp. Nhận thức này cho rằng STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) là con đường dẫn đến việc làm.

Chuyên ngành khoa học máy tính và y tế đã tăng gần gấp đôi từ năm 2009 đến 2017. Ngành kỹ thuật và toán học cũng đã chứng kiến những bước nhảy lớn.

Khi các chuyên ngành khoa học nhân văn tụt xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, các cuộc gọi đến từ những nơi đáng ngạc nhiên đã đem lại sự hồi sinh. Một số nhà kinh tế học nổi tiếng đang đưa ra trường hợp giải thích tại sao ngành khoa học nhân văn vẫn có ý nghĩa rất lớn (hoặc ít nhất là tham gia các lớp học) bên cạnh các lĩnh vực mang tính kỹ thuật hơn.

Cuốn sách mới có tên “Narrative Economics” (Tạm dịch: Kinh tế học dưới hình thức kể chuyện) của Robert Shiller, người từng đoạt giải Nobel, mở ra với hồi tưởng về một lớp học lịch sử khai sáng mà ông đã theo học tại một trường đại học Michigan. Ông viết rằng những gì ông học được về Đại suy thoái hữu ích trong việc hiểu về thời kỳ hỗn loạn kinh tế và tài chính hơn bất cứ điều gì ông học được trong các khóa học kinh tế.

Toàn bộ cuốn sách của Shiller là những câu chuyện quan trọng. Những gì mọi người nói với nhau có thể có quan hệ hết sức mật thiết với thị trường – và nền kinh tế nói chung. Các ví dụ được đưa ra như câu chuyện “làm giàu nhanh chóng” xung quanh bitcoin hay những câu chuyện về  “bất cứ ai cũng có thể trở thành chủ sở hữu nhà” đã thúc đẩy bong bóng nhà đất.

“Cách tiếp cận kinh tế truyền thống không thể xem xét vai trò của niềm tin cộng đồng trong các sự kiện kinh tế lớn – đó là, dưới hình thức kể chuyện”, Shiller viết. “Các nhà kinh tế học có thể tận dụng khoa học tốt nhất bằng cách phát triển và kết hợp nó với nghệ thuật của kinh tế học dưới hình thức kể chuyện”.

Shiller, người nổi tiếng về dự đoán sự cố dot-com và đưa ra Chỉ số giá nhà Case-Shiller, đang dành nhiều thời gian xem các mẩu báo cũ để hiểu các câu chuyện, những thuật ngữ nào đã lan truyền và cách chúng ảnh hưởng đến mọi người để mua hàng hoặc ngừng mua như thế nào.

Khi được hỏi về cơ bản, liệu ông ấy có tranh luận về việc học thêm tiếng Anh và chuyên ngành lịch sử hay không, Shiller nói, “tôi nghĩ vậy” và nói thêm: “sự ngăn chặn đời sống tinh thần là việc xấu”.

Shiller không chỉ có một mình với mong muốn có nhiều người kể chuyện hơn (và người phân tích câu chuyện). Vào mỗi tháng 8, một số nhà kinh tế hàng đầu thế giới tập trung tại Jackson Hole, Wyo., để thảo luận về cách thức nền kinh tế đang hoạt động và cách họ nên điều chỉnh các mô hình như thế nào. Vào ngày cuối cùng của sự kiện năm nay, Philip Lowe, người đứng đầu ngân hàng trung ương Australia, đã kêu gọi các đồng nghiệp hãy bỏ bớt thời gian dành cho các con số và dành nhiều thời gian hơn để trở thành người kể chuyện hay.

“ Điều quan trọng là chúng tôi không chỉ nói về các con số, hệ số và các quy tắc, mà còn thông qua các câu chuyện mọi người có thể hiểu được dễ hơn. Những câu chuyện về những chính sách đóng góp cho phúc lợi kinh tế và những điều thực sự quan trọng đối với mọi người” Lowe nói

Một nhà kinh tế chỉ ra rằng ngân hàng trung ương của Jamaica đang sử dụng các nghệ sĩ reggae (là một thể loại âm nhạc có nguồn gốc từ Jamaica vào cuối năm 1960) để giải thích “lạm phát cao là một điều xấu”. Cục Dự trữ Liên bang không có bất kỳ cái gì giống như vậy, nhưng họ đang tìm kiếm một nhà viết kịch cao cấp có thể giúp đỡ các viên chức của ngân hàng trung ương cách nói “với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau”

“Tôi dự kiến sẽ là một người kể chuyện. Tôi kể những câu chuyện về tương lai. Con người chúng ta chỉ đơn giản là thích những câu chuyện về tương lai. Đó là một phần công việc của tôi” Stefan Ingves, thống đốc ngân hàng trung ương Thụy Điển cho biết.

Ingves nhắc nhở các đồng nghiệp rằng họ có một nền tảng lớn cho phép họ nói chuyện với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và công chúng về nền kinh tế.

Nếu họ kể một câu chuyện thuyết phục về sự tăng trưởng sẽ tiếp tục, mọi người có thể nói, “Hmm, thật hợp lý”. Điều đó có thể giúp giữ niềm tin, cho phép chủ tịch công ty tiếp tục tuyển dụng và người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu.

Khi nền kinh tế toàn cầu chậm lại ở mức thấp nhất trong một thập kỷ qua, mọi người lo lắng rất nhiều về việc nền kinh tế có thể mạnh được bao lâu nữa.

Theo nhiều cách, Tổng thống Trump nỗ lực gọi đây là nền kinh tế vĩ đại nhất mọi thời đại, đây là một nỗ lực để kể một câu chuyện tích cực, khuyến khích người Mỹ tiếp tục chi tiêu, ngay cả khi thực tế tuyên bố của ông không dựa trên thực tế, Shiller nói.

Có lẽ lập luận mạnh mẽ nhất về lý do tại sao các học sinh (và cả các phụ huynh) có thể muốn suy nghĩ kỹ về việc từ bỏ ngành khoa học nhân văn để chuyển sang dữ liệu.

Không thể phủ nhận rằng chuyên ngành khoa học máy tính điển hình kiếm được nhiều tiền hơn sau khi tốt nghiệp so với chuyên ngành tiếng Anh thông thường.

Trái với những gì mọi người thường nghĩ, những người ở độ tưởi từ 25 đến 29 theo học chuyên ngành tiếng Anh có tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn trong năm 2017 so với các chuyên ngành toán và khoa học máy tính.

Theo nghiên cứu của David J. Deming và Kadeem L. Noray từ Harvard. Sau khoảng một thập kỷ, chuyên ngành STEM bắt đầu ra khỏi các lĩnh vực công việc vì kỹ năng không còn là mới nhất và tốt nhất. Ngược lại, nhiều chuyên ngành khoa học nhân văn đang tiến đến các vị trí quản lý có thu nhập cao. Ở độ tuổi trung niên, lương trung bình khá giống nhau ở nhiều chuyên ngành.

“Từ năm 40 tuổi, thu nhập của những người học chuyên ngành như khoa học xã hội hoặc lịch sử đã bắt kịp các ngành khác”, David Deming đã viết trên tờ New York Times gần đây.

Trong các vị trí quản lý và lãnh đạo, truyền thông là chìa khóa, khi các nhà kinh tế hàng đầu và các ngân hàng trung ương đã nhanh chóng điểm ra tình hình quan trọng này cho nền kinh tế thế giới.