Các nền tảng số ở Việt Nam từ tường lửa tới thảm đỏ

An Dương

Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử năm 2020 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho thấy sự lớn mạnh của thương mại điện tử gắn liền với sự kết người tiêu dùng và phát triển của các nền tảng số (digital platforms).

Theo VECOM, mỗi nền tảng là “một mô hình kinh doanh sử dụng công nghệ số để kết nối con người, tổ chức và tài nguyên trong một hệ sinh thái tương tác, có thể tạo ra và trao đổi một lượng giá trị khổng lồ”.

Sự phát triển mau lẹ của công nghệ thông tin và truyền thông các nền tảng giúp xoá bỏ rào cản về không gian và thời gian, giúp kết nối người cung cấp sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, đầu tư với người có nhu cầu tiêu thụ một cách chính xác, nhanh chóng và dễ dàng.

Trong số các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến, các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số giữ vị trí trung tâm. VECOM đưa ra đánh giá trong Báo cáo, những năm qua, nhiều nền tảng số cung cấp qua biên giới như Facebook, Google, Youtube, Alibaba, Agoda… đóng góp rất lớn cho sự phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam.

Nền tảng bán lẻ trực tuyến

Vẫn theo VECOM, những nền tảng số bán hàng trực tuyến phổ biến nhất là những sàn giao dịch thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ. Những sàn bán lẻ hàng đầu hiện nay như Shopee.vn, Lazada.vn, Tiki.vn, Sendo.vn đều thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài hoặc có tỷ lệ vốn góp nước ngoài cao.

Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh khốc liệt dẫn đến nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã nhảy vào lĩnh vực này nhưng phải rời bỏ khá nhanh.

Chẳng hạn, sàn Lotte.vn của Tập đoàn Lotte đã ngừng hoạt động 1/2020. Tập đoàn Vingroup tuyên bố đóng cửa sàn Adayroi.com sau khi bước vào thị trường được vài năm.

Những năm qua thương mại điện tử Việt Nam cũng chứng kiến sự sôi động và suy tàn tương đối nhanh của mô hình mua theo nhóm (groupon). Từ hàng chục sàn mua theo nhóm hoạt động tới nay chỉ còn vài sàn hoạt động, nổi bật là Hotdeal.vn. Những sàn phải đóng cửa có cả các sàn của nhà đầu tư trong nước và các sàn nhận được đầu tư nước ngoài.

Nền tảng du lịch trực tuyến

“Trong lĩnh vực du lịch trực tuyến, các nhà cung cấp qua biên giới như Agoda.com, Booking.com, Hotels.com, Airbnb.com.vn đang thống trị thị trường đặt phòng ở Việt Nam”, Báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2020.

Trong lĩnh này, một số doanh nghiệp Việt nhận thấy tiềm năng lớn nên đã thiết lập các sàn giao dịch đặt phòng trực tuyến như Gotadi.com, Chudu.com, Ivivu.com, Mytour.vn, Vntrip.vn, Luxstay, Go2Joy trong số đó một số sàn đã thành công trong việc gọi vốn nước ngoài.

Đáng chú ý là sàn du lịch trực tuyến Traveloka.com từ Indonesia đã hiện diện thương mại ở Việt Nam. Với tiềm lực tài chính cao hơn so với các sàn trên và kinh nghiệm thành công trong khu vực nên sau vài năm Traveloka đã giành được chỗ đứng vững chắc.

Nền tảng gọi xe trực tuyến

Ngay khi Uber có chỗ đứng khá vững vàng thì hãng này đã phải rời thị trường Việt Nam vào đầu năm 2018 khi gặp phải đối thủ cạnh tranh khốc liệt là Grab với sự hậu thuẫn to lớn từ hai nhà đầu tư khổng lồ của Trung Quốc và Nhật Bản.

Đầu năm 2020 Grab đã trở nên phổ biến tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với hệ sinh thái phong phú như vận chuyển hành khách, chuyển phát, gọi đồ ăn, thanh toán… và mở rộng phạm vi hoạt động tới một số thành phố lớn.

Đối thủ nước ngoài lớn nhất là GoViet-. Tháng 8 năm 2018 GoViet chính thức kinh doanh tại Tp. Hồ Chí Minh. Hãng gọi xe nổi tiếng của Indonesia Go-Jek còn đầu tư vào một số nước như Singapore, Thái Lan và Philippines. Tới đầu năm 2020 nền tảng GoViet cung cấp các dịch vụ tương tự như Grab.

Nhiều nhà đầu tư trong nước đã triển khai các nền tảng gọi xe như FastGo, VATO, Aber, MyGo. Chỉ sau thời gian hoạt động khá ngắn các nền tảng này đã gặp nhiều khó khăn, tốc độ phát triển khách hàng, đội ngũ tài xế và thị phần chậm.

Trong số các nền tảng do các doanh nghiệp trong nước đầu tư, đầu năm 2019 Be Group tỏ ra có tương lai sáng sủa nhưng tới cuối năm nền tảng này bộc lộ nhiều khó khăn. Dù chiếm được vị trí thứ hai sau khi ra đời nhưng nền tảng này đã giảm sự đa dạng của các dịch vụ.

Nền tảng trung gian thanh toán

VECOM cũng trích dẫn nguồn từ Credit Suisse – ngân hàng chuyên cung cấp dịch vụ tài chính, từ đầu năm 2019 tại Việt Nam tỷ lệ thanh toán sử dụng tiền mặt trong các giao dịch tiêu dùng lên tới 84%, cao nhất trong khu vực. Tỷ lệ này của Trung Quốc là 36%, Thái Lan là 66% và ASEAN-6 là 73%.

Cho đến đầu năm 2020 gần 30 nền tảng trung gian thanh toán trực tuyến hoạt động ở Việt Nam, trong số đó nổi lên ba nền tảng hàng đầu là Momo, Moca và VnPay.

Gọi vốn đầu tư nước ngoài của VnPay lên tới vài trăm triệu đô la Mỹ là một trong những câu chuyện hấp dẫn nhất năm 2019 không chỉ giới hạn trong dịch vụ thanh toán trực tuyến mà của toàn bộ lĩnh vực thương mại điện tử.

Đặc biệt việc huy động vốn đầu tư nước ngoài này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ đang giao cho Ngân hàng Nhà nước xây dựng dự thảo Nghị định Quy định về thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo dự thảo công bố gần nhất, tỷ lệ tối đa phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp là 49% vốn điều lệ của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Momo nhận được vốn từ các quỹ đầu tư lớn như Warburg Pincus, Goldman Sachs, Standard Chartered, ước tính trên một trăm triệu đô la Mỹ.

Trong khi đó, kể từ khi tích hợp với Grab để thanh toán cho các dịch vụ thuộc hệ sinh thái của nền tảng gọi xe hàng đầu này với tên gọi Grabpay by Moca, ví điện tử Moca đã phát triển rất nhanh để trở thành một trong các ví điện tử có số dư hàng đầu.

Với nguồn tài chính dồi dào, ba nền tảng trung gian thanh toán trực tuyến này đã tung ra các chương trình khuyến mại sâu rộng và chiếm thị phần ngày càng lớn, tạo nên cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nền tảng cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán ở Việt Nam.

Khó cho doanh nghiệp nội

Tương tự như hầu hết các nước trên thế giới, Việt Nam chưa đủ tầm để phát triển các nền tảng công nghệ (hay nền tảng sáng tạo) thống trị toàn cầu như Google Play, Apple Store, Microsoft. Nhưng với các nền tảng giao dịch thực tiễn cho thấy tới năm 2025 các doanh nghiệp nội cũng rất khó tự phát triển thành công.

Theo VECOM, thành công của mỗi nền tảng số trước hết phụ thuộc vào người tạo ra và duy trì nền tảng. Để nền tảng thành công phải có các điều kiện đủ, bao gồm năng lực tham gia nền tảng của các nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ và vô số người tiêu dùng chúng.

Tất cả tạo nên mối liên kết và cùng nhau tạo ra giá trị. Vì vậy, nếu không có đông đảo doanh nghiệp có đội ngũ am hiểu về kinh doanh trực tuyến và có hạ tầng công nghệ đủ để tham gia nền tảng thì nền tảng không thể thành công.

Đến nay, những nền tảng giao dịch của các doanh nghiệp ở Việt Nam, dù là trong lĩnh vực bán lẻ, du lịch, gọi xe hay thanh toán, đều sao chép ý tưởng của nước ngoài.

Yếu tố tiếp theo là vốn. Cho ra đời và kinh doanh một nền tảng thường gặp rủi ro rất lớn, tỷ lệ đứng vững và thành công trên thương trường rất thấp. Môi trường đầu tư ở Việt Nam, bao gồm đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, chưa thuận lợi cho đầu tư mạo hiểm. Có ý tưởng đột phá, thu hút được vốn đầu tư lớn mới chỉ là hai điều kiện cần, để xây dựng một nền tảng thành công còn phụ thuộc nhiều điều kiện khác.

Do đó, trong giai đoạn 2020 – 2025, Việt Nam cần có chính sách cởi mở để thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài vào các nền tảng, bao gồm cả nền tảng giao dịch và nền tảng công nghệ.

Các hiệp định thương mại tự do thông thoáng như CPTPP, EVFTA cùng với cam kết mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư trong WTO bước đầu tạo ra khung pháp lý thuận lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các nền tảng số.

Nhưng trong từng lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là thanh toán, trong hoạch định chính sách và ban hành văn bản pháp luật vẫn còn những e ngại về an ninh, an toàn. Yếu tố hàng đầu ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các nền tảng số là tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu các nghiên cứu giá trị về thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 trong Báo cáo của VECOM .